Chưa nên tăng tỷ giá

(VOV) -“Nếu điều chỉnh tại thời điểm này sẽ tạo áp lực tăng lạm phát” đại diện Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Theo đại diện Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN, việc cân nhắc điều chỉnh tỷ giá theo khuyến nghị của một số chuyên gia kinh tế thời gian gần đây cần được xem xét thận trọng trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ năm 2013.

Bởi, bên cạnh việc điều hành chính sách tiền tệ, thực hiện mục tiêu của Chính phủ là kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012 thì NHNN cũng đang phải thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh như: Xử lý nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản.

Việc điều chỉnh tỷ giá cần được cân nhắc với lạm phát bởi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 đã tăng 1,25% và tháng 2, tháng có Tết Âm lịch, CPI sẽ cao hơn so với tháng 1. “Như vậy rất nhiều yếu tố tạo áp lực gia tăng lạm phát trong thời gian tới và đặt ra vấn đề kiểm soát lạm phát thực hiện mục tiêu đề ra là khó khăn. Tại thời điểm này chưa nên đặt vấn đề tăng tỷ giá, vì sẽ tạo áp lực tăng lạm phát,” vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

Đại diện NHNN giải thích, trong số bất cập việc điều chỉnh tăng tỷ giá điều mà chúng ta cần cân nhắc nhất đó là tác động của điều chỉnh tăng tỷ giá đối với lạm phát trong nước. Bởi vì đối với Việt Nam sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu, khi điều chỉnh sẽ làm giá mặt hàng xuất khẩu tính bằng VND gia tăng, góp phần tạo lạm phát. Ngoài ra, khi điều chỉnh cần cân nhắc đến một số vấn đề như: nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của ngân sách tính bằng VND sẽ tạo khó khăn thêm cho ngân sách.

Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng cho biết, không thể điều hành tỷ giá một cách chung chung, đơn giản theo cách nghĩ cứ phá giá VND là hỗ trợ xuất khẩu được. Vì thực tế phải căn cứ vào cơ cấu hàng xuất khẩu Việt Nam chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu; đồng thời, phải cân đối với rất nhiều yếu tố khác đi kèm, từ vĩ mô đến vi mô. Khi phá giá VND thì tác động không mong muốn đầu tiên là Việt Nam đã “nhập khẩu lạm phát”. Chưa kể, còn khuấy đảo và làm trầm trọng thêm tâm lý kỳ vọng tỷ giá tăng - một yếu tố được coi rất nguy hiểm trong điều hành bình ổn tỷ giá. Ngoài ra, khi phá giá VND, còn kích hoạt nhập khẩu trở lại. 

Trưởng đại diện của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa khuyến cáo, mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng, nhưng vẫn thấp hơn mức được xem là an toàn, hoặc thậm chí đủ để đối phó với những cú sốc lớn bên ngoài. Mặc dù niềm tin vào tiền đồng đã tăng lên, song vẫn chưa đủ để đối phó với sự bất ổn của thị trường tài chính trong và ngoài nước. Vì vậy, cần tăng thêm mức dự trữ quốc gia thông qua chính sách kinh tế vĩ mô thắt chặt một cách thích hợp, cả chính sách tiền tệ và tài khóa và làm cho tiền đồng mạnh hơn trong con mắt của công chúng.

Tỷ giá biến động nhưng chưa đáng ngại

Lý giải cho việc tỷ giá USD/VND biến động mạnh trong mấy ngày gần đây, lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối – NHNN nhận định chủ yếu do tâm lý thị trường, còn tình hình cung - cầu chưa đến mức NHNN phải vào cuộc. Thực tế mức giao dịch của các ngân hàng thương mại vẫn còn cách xa mốc trần 21.036 VND. Biên độ +/-1% là nhỏ về con số tuyệt đối, nhưng vẫn còn rộng để bao các biến động của tỷ giá.

Ngoài ra, vị lãnh đạo trên còn tính toán đến một tác động nữa, là nguồn tiền VND sau Tết Nguyên đán nhiều hơn, không loại trừ việc mua gom USD của một số đối tượng. Số liệu từ Vụ chức năng cho thấy, trước Tết Nguyên đán, tính đến ngày 7/2, huy động vốn của hệ thống ngân hàng dương nhẹ 0,17% so với cuối năm 2012, nhưng sau Tết, đến 18/2 đã tăng mạnh lên 1,2%.

Tiếp tục giữ ổn định giá trị của đồng Việt Nam

Có thể thấy, năm 2012 NHNN đã điều hành chính sách tỷ giá và ngoại hối chủ động, dẫn dắt thị trường, kết hợp với việc điều hành chính sách tiền tệ hợp lý đã đạt được mục tiêu ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.  Năm 2013, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro; thương mại toàn cầu phục hồi chậm, tăng trưởng kinh tế không cao hơn nhiều so với năm 2012. Ở trong nước, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Mục tiêu chính sách tiền tệ vẫn là ưu tiên kiềm chế lạm phát và tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng ở mức hợp lý.

Do vậy, NHNN cho biết sẽ thực hiện các biện pháp điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối theo tín hiệu thị trường, phù hợp với cung cầu ngoại tệ và các cân đối vĩ mô như lãi suất, lạm phạt, cán cân thanh toán nhằm hướng tới mục tiêu ổn định giá trị của đồng Việt Nam trong dài hạn góp phần tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước; tiếp tục triển khai các giải pháp khắc phục căn bản tình trạng đô la hóa nền kinh tế, cũng như tập trung nguồn ngoại tệ vào hệ thống TCTD để tạo điều kiện đáp ứng tốt nhu cầu ngoại tệ hợp pháp, hợp lý của nền kinh tế.

NHNN sẽ thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt phù hợp với các cân đối vĩ mô nhằm góp phần ổn định giá trị VND, kiểm soát kỳ vọng lạm phát góp phần quan trọng hỗ trợ bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Ngoài ra, NHNN sẽ triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm hạn chế tình trạng vàng hóa nền kinh tế và khuyến khích chuyển đổi từ vàng sang tiền đồng để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên