Chuyển đổi trồng ngô trên đất lúa: Còn lắm những nỗi lo

VOV.VN - Thay đổi tập quán canh táccùng những yếu tố cung-cầu cần được nghiên cứu, rút kinh nghiệm để điều chỉnh phù hợp.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), việc chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa đang là sự quan tâm của hàng triệu nông dân. Trước những khó khăn trong khâu tiêu thụ, nông dân trồng lúa đã tự phát trong việc chuyển đổi sang các loại cây con khác.

Mới đây, chủ trương chuyển đổi một phần diện tích đất lúa sang trồng bắp (ngô) do Bộ NN&PTNT thực hiện tiếp tục tạo được sự quan tâm đặc biệt đối với các địa phương trong khu vực, bởi chi phí cho việc chuyển đổi hiện trạng đất canh tác cũng như đầu ra sản phẩm của cây ngô...vẫn còn là một bài toán khó.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa ở khu vực ĐBSCL trong những năm qua đã có những kết quả tích cực. Số liệu từ Cục Trồng trọt cho thấy, trong năm 2013, vùng ĐBSCL đã chuyển đổi thành công trên 87.000 ha đất lúa sang trồng ngô, đỗ tương, mè, dưa hấu... cho kết quả khả quan.

Bên cạnh đó, việc từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo được những mô hình thành công như “con tôm ôm cây lúa”, chuyển đổi 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa, 1 vụ màu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Việc thành công của các mô hình cũng chỉ giới hạn trong điều kiện cụ thể của một số nơi trong vùng.


Thu hoạch ngô lai ở ĐBSCL. (Ảnh: NNVN)
Hiện nay, mục tiêu trong giai đoạn 2013 - 2015 của Bộ NN&PTNT dự kiến sẽ chuyển đổi khoảng 112.000 ha đất lúa sang các cây trồng chủ yếu là ngô, rau dưa, luân canh lúa – thủy sản và các cây trồng khác. Tuy nhiên, “tâm tư” từ các địa phương vẫn còn lắm nỗi lo.

Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh An Giang cho rằng, việc vận động người dân chuyển sang trồng ngô không khó. Người dân hiện nay ở đây đã rất có kinh nghiệm trong việc trồng các loại cây như ngô, mè...

“Tuy nhiên, người dân cũng như ngành nông nghiệp lo lắng chính là ở thời vụ thu hoạch. Bởi khi mở rộng diện tích, sản lượng ngô, mè tăng lên là sẽ gặp vướng mắc ở khâu tiêu thụ sản phẩm, bởi hiện nay chưa kết nối được với các doanh nghiệp. Đã có một số doanh nghiệp đến khảo sát bao tiêu nhưng không thành công do hợp đồng không chặt chẽ. Vì lẽ đó đến giờ này cũng chưa khẳng định được một vùng nguyên liệu chắc chắn nào”, ông An chia sẻ.

Có thể thấy, việc chuyển đổi trên 110.000 ha đất trồng lúa sang cây trồng khác ở ĐBSCL mà tập trung là cây ngô, cây mè... không thể chỉ là câu chuyện lúa thấp nên quay lưng. Ở đây, nhiều nhà kinh tế nêu rõ, phải bắt đầu từ “đổi mới tư duy làm nông nghiệp”.

Qua thực tế của các mô hình thí điểm trồng ngô ở Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang đều cho hiệu quả cao hơn trồng lúa từ 30-100%. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu muốn đạt hiệu quả như mong đợi khi thực hiện đại trà phải có chính sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nghiên cứu nhiều giống có chất lượng. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo đầu ra của các loại hàng hóa được chuyển đổi, kể cả ở nội địa cũng như xuất khẩu trong một giai đoạn nhất định.

Về vấn đề giống ngô phục vụ cho việc chuyển đổi, TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL phân tích: “Trong sản xuất, khâu giống là vô cùng quan trọng. Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp đã chủ động nhập giống từ nước ngoài với giá rẻ hơn và giống có năng suất cao hơn. Trong khi đó, nếu giống ngô trong nước cho năng suất thấp thì chắc chắn sẽ rất khó cạnh tranh với giống ngô nước ngoài”.

Tại hội nghị chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô, đỗ tương và các cây trồng khác ở ĐBSCL tổ chức mới đây tại Tiền Giang, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nêu rõ mục tiêu cuối cùng của việc chuyển đổi cây trồng là giúp bà con nâng cao thu nhập một cách bền vững, thay vì chạy theo thành tích sản xuất lúa.

Bộ trưởng Cao Đức Phát thông tin rõ, ĐBSCL có lợi thế trồng ngô khi cây ngô cho năng suất cao, cùng với thị trường ngô đang mở rộng và rất ổn định. Hiệnsản lượng ngô trong nước mới chỉ đạt trên 5 triệu tấn, trong khi nhu cầu thực tế đang thiếu từ 2 - 3 triệu tấn mỗi năm trước đà phát triển mạnh mẽ của ngành chăn nuôi và thủy sản.

Do vậy, vấn đề mà lãnh đạo ngành Nông nghiệp đặt ra là nhanh chóng hoàn thành sớm công tác quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bên cạnh đó, về phía các địa phương cũng cần quy hoạch, có kế hoạch chuyển đổi cây trồng cụ thể cho từng vùng, từng năm. Các doanh nghiệp cần tham gia giải quyết đầu ra cho sản phẩm của các cây trồng chuyển đổi.

“Các tỉnh phải chủ động và có quy hoạch cụ thể các vùng chuyển đổi của địa phương mình. Trên cơ sở quy hoạch, mỗi địa phương cần có kế hoạch cụ thể cho từng năm và các giải pháp đồng bộ để thực hiện quy hoạch đề ra. Quy hoạch ấy cần được tuyên truyền rộng rãi để cho nhân dân biết và hưởng ứng, các doanh nghiệp biết để tham gia từ đầu, đặc biệt là khâu tiêu thụ nông sản do nhân dân làm ra”, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ rõ.

Thay đổi tập quán canh tác lúa từ bao đời nay đối với người nông dân ĐBSCL là vấn đề không phải một sớm, một chiều. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là bài toán thị trường với những yếu tố cung-cầu cần được nghiên cứu, rút kinh nghiệm để điều chỉnh phù hợp với thực tế. Để từ đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mới có thể thực hiện được thành công và lôi cuốn sự tham gia của đông đảo người dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chuyển đổi cây trồng: Hướng đi mới vùng dân tộc thiểu số
Chuyển đổi cây trồng: Hướng đi mới vùng dân tộc thiểu số

(VOV) -Từ sự đổi thay về phương thức canh tác, đời sống kinh tế của bà con cũng đã ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Chuyển đổi cây trồng: Hướng đi mới vùng dân tộc thiểu số

Chuyển đổi cây trồng: Hướng đi mới vùng dân tộc thiểu số

(VOV) -Từ sự đổi thay về phương thức canh tác, đời sống kinh tế của bà con cũng đã ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Hỗ trợ 100% chi phí chuyển đổi cây trồng vùng ĐBSCL
Hỗ trợ 100% chi phí chuyển đổi cây trồng vùng ĐBSCL

VOV.VN - Cá nhân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu được hỗ trợ chi phí về giống không vượt quá 2 triệu đồng/1ha.

Hỗ trợ 100% chi phí chuyển đổi cây trồng vùng ĐBSCL

Hỗ trợ 100% chi phí chuyển đổi cây trồng vùng ĐBSCL

VOV.VN - Cá nhân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu được hỗ trợ chi phí về giống không vượt quá 2 triệu đồng/1ha.

Giúp nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả
Giúp nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả

Nhờ chuyển đổi đúng hướng nên hiện nay, bình quân mỗi ha đất canh tác ở xã Phước Nam cho thu nhập trên 50 triệu đồng mỗi năm.

Giúp nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả

Giúp nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả

Nhờ chuyển đổi đúng hướng nên hiện nay, bình quân mỗi ha đất canh tác ở xã Phước Nam cho thu nhập trên 50 triệu đồng mỗi năm.