ĐBSCL tồn đọng 30.000 tấn cá tra

Làm thế nào để tiêu thụ được lượng cá này đang là vấn đề khiến các cơ quan chức năng đau đầu.

Nối tiếp những đợt tăng giá liên tục, những ngày đầu tháng 5 vừa qua, giá cá tra nguyên liệu tăng vọt từ 26.000 đồng/kg lên 28.500 đồng/kg. Với đà tăng này, nhiều chuyên gia dự đoán giá cá sẽ tiếp tục tăng trên 30.000đồng/kg.

Thế nhưng, từ những ngày đầu tháng 6 đến nay, các thương lái thu mua cá tra thịt trắng, loại từ 0,7- 1kg/con tại ao với giá 26.600 đồng/kg, giảm gần 2.000đồng/kg so với các tuần trước đó và hiện nay đang tiếp tục giảm hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL đang bất ổn là do xuất phát từ cả người nuôi cá và doanh nghiệp. Lúc giá cá tăng thì nhiều người nuôi “găm” cá để chờ giá tăng thêm và hậu quả là cá càng neo trong ao càng lớn, cuối cùng bị doanh nghiệp lật kèo với lý do cá lớn trên 1kg không mua để chế biến được. Hậu quả là ngay lúc này, loại cá trên 1 kg/con đang ách tắc đầu ra, bán giá 23.000 đồng/kg không ai mua, trái lại cá loại nhỏ hơn 1 kg doanh nghiệp vẫn mua trên 25.000đồng/kg.

Theo tính toán của nhiều hộ nuôi cá, nếu giá cá nguyên liệu vẫn trên 26.000đồng/kg thì người nuôi còn có lời. Nhưng nếu sụt giảm như những vụ trước thì sẽ lỗ nặng bởi giá thức ăn lên mà không xuống.

Ông Lê Chí Bình- Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến Thủy sản tỉnh An Giang cho rằng, điều khó khăn nhất với bà con nông dân An Giang là đang thiếu vốn do thua lỗ. Hiện tại giá thức ăn tiếp tục tăng, bà con hiện bán cá xong tiếp tục treo ao chờ thời cơ, còn những người còn vốn thì họ gắng gượng thả thưa để duy trì.

Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, trước thực tế trên, tại một số tỉnh khu vực ĐBSCL, số hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ, manh mún đã giảm mạnh. Nguyên nhân là do người nuôi không hiệu quả, thường xuyên xảy ra thua lỗ.

Bên cạnh đó, do không được bao tiêu sản phẩm, chất lượng sản phẩm thấp và giá cả các yếu tố đầu vào tăng nên nhiều hộ nuôi đã bỏ hầm. Từ đó, các hộ nuôi nhỏ lẻ có xu hướng giảm và nuôi theo quy mô lớn tăng. Trong đó, ở các địa phương như Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, hộ nuôi nhỏ lẻ giảm đến hơn 40%, nuôi theo quy mô lớn tăng trên 15%. Từ đó, trong sản xuất và tiêu thụ cá tra ở khu vực ĐBSCL đang hình thành sự liên kết từ khâu sản xuất thức ăn, con giống, kỹ thuật nuôi, chế biến và tiêu thụ thông qua các hợp đồng giữa người nuôi cá với các công ty chế biến thủy sản. Nhiều người dân đã chấp nhận nuôi cá gia công cho các doanh nghiệp trên chính ao cá nhà mình.

Để giúp người nuôi cá tra ở ĐBSCL thoát khỏi tình trạng tồn đọng cá như hiện nay, thiết nghĩ giữa người nuôi cá và doanh nghiệp cần có sự liên kết, hợp tác lẫn nhau, tránh tình trạng, khi giá cá tra tăng cao, doanh nghiệp chịu lỗ vẫn chấp nhận mua nhưng người nuôi lại cố tình găm hàng không bán và ngược lại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên