Để hàng Việt ra được “biển lớn”

Việt Nam hiện có nhiều mặt hàng đã tạo dựng được uy tín nhất định. Tuy nhiên, để có thể vươn rộng và đứng vững được tại thị trường thế giới, doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều việc phải làm.

Doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nước ngoài, đa phần đều không chú ý đến khâu marketing. Ông Phạm Ngọc Chu, chủ một hệ thống cửa hàng bán lẻ ở Hungary cho biết, các DN châu Âu thường dành 10-30% doanh thu cho marketing. Trong khi DN Việt Nam thường dùng cách giảm giá để hy vọng tăng sức tiêu thụ sản phẩm. “Hệ thống cửa hàng của tôi tiêu thụ mỗi ngày một lượng lớn mỳ ăn liền Vifon. Giá một gói mỳ quá rẻ so với thu nhập của người dân, cũng như so với mặt hàng tương tự của nước sở tại. Nếu tăng giá bán để dành chi phí cho công tác marketing thì sẽ tăng sức tiêu thụ cho sản phẩm” - ông Chu chia sẻ.

Ông Chu cho rằng, khi mang hàng hóa sang nước nào, DN Việt Nam nên tìm hiểu kỹ văn hóa của nước đó để thiết kế bao bì, mẫu mã cho phù hợp. Đối với một DN kinh doanh nghiêm túc, bao bì sản phẩm không chỉ là yếu tố thẩm mỹ. Việc thiết kế bao bì nằm trong định hướng của chiến lược tiếp thị sản phẩm. Ông Chu kể: “Có DN Việt Nam gửi mấy thùng hàng nấm hộp sang Hungary nhờ hệ thống cửa hàng tôi bán thử để thăm dò thị trường. Bao bì ở ngoài in cây nấm màu nâu, chấm đốm đen xì như nấm bị hỏng, tôi gửi về ngay với lời nhắn, không phải thử vì sẽ không bán được”.

Theo ông Chu, người dân châu Âu thích màu trắng, dù có bán nấm hương hộp cũng không thiết kế bao bì màu sắc tối như thế, nếu tìm hiểu kỹ thị trường trước khi xâm nhập, chắc chắn DN đó không có những sai lầm đáng tiếc như vậy.

Ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt kiều Montreal (Canada) cho rằng, các DN Việt Nam nên tận dụng Việt kiều là lực lượng tiếp thị bởi họ có sẵn tư cách pháp lý; hiểu rõ thị trường và nhu cầu của dân bản xứ; có sẵn mặt bằng kinh doanh, do đó sẽ cắt giảm được nhiều chi phí. Khi DN Việt Nam muốn mở rộng thị trường ra nước ngoài, chỉ cần gửi hình ảnh quảng bá về sản phẩm đến các hội viên Hiệp hội DN Việt Nam ở nước ngoài qua internet, email. Như vậy, sản phẩm của DN được quảng bá đến rất nhiều nước trên thế giới mà DN không tốn chi phí tiếp thị.

Ông Đỗ Ngọc Tuấn, Việt kiều Czech và Slovakia về nước năm 2007, hiện là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên, cho rằng, DN Việt Nam bán hàng ở nước ngoài tức là mang hàng từ một môi trường yếu hơn sang bán ở một thị trường mạnh hơn nhiều, thì sự khẳng định duy nhất có ý nghĩa là chất lượng. DN Việt Nam muốn mở rộng thị trường ra nước ngoài cần thông qua các DN Việt Nam ở nước ngoài để nắm bắt nhu cầu cũng như các quy chuẩn mà nước sở tại yêu cầu. Khi đó, hàng Việt Nam sẽ có thương hiệu để phát triển chứ không phải dùng một nhãn mác khác như một số mặt hàng hiện nay đang phải chấp nhận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên