Đề nghị dừng kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất

Bộ Công an cho rằng, mô hình kinh tế này tồn tại nhiều bất cập, lợi nhuận không cao, chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp và tư nhân…

Qua theo dõi thực tế hàng tạm nhập, tái xuất vào Quảng Ninh, Hải Phòng đi Trung Quốc, “Bộ Công an thấy trong thời gian qua loại hình kinh doanh này bị một số doanh nghiệp thực hiện gây nhiều bất ổn”. Đại diện Bộ Công an khẳng định tại Hội nghị triển khai công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2012 diễn ra sáng 21/3 tại Hà Nội.

Cụ thể, nhiều mặt hàng tạm nhập, tái xuất và kho ngoại quan bị người nước ngoài và đầu nậu Việt Nam lợi dụng đưa hàng cấm nhập vào như hàng cũ đã qua sử dụng (săm lốp ô tô, máy tính cũ…), rác thải công nghiệp… nguy cơ ô nhiễm cao. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng qui định Luật Hàng hải, Luật Thương mại và Luật Hải quan để từ chối nhận hàng khi bị phát hiện đưa hàng cấm vào Việt Nam. Mặt khác doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu không theo đường chính ngạch nên khi Chính phủ Trung Quốc quản lý chặt thì hàng này lại tồn ở Việt Nam thời gian dài gây hậu quả môi trường, kinh tế cho Việt Nam.

Qua theo dõi, Bộ Công an thấy nhiều mặt hàng tạm nhập tái xuất như thuốc lá, rượu, xăng dầu… chủ hàng Trung Quốc và đầu nậu Việt Nam thường bắt tay nhau để buôn lậu vào Việt Nam.

Từ thực tế này, Bộ Công an cho rằng, mô hình kinh tế tạm nhập tái xuất tồn tại nhiều bất cập, lợi nhuận không cao, chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp và tư nhân, trong khi đó với những tồn tại nêu trên cùng với quá trình thực hiện ta phải giải quyết nhiều rủi ro, hàng hóa vận chuyển trên bộ hầu hết bằng container gây thiệt hại về đường sá, cầu cống, cản trở giao thông.

Do vậy, Bộ Công an đề xuất Chính phủ nên cân nhắc, xem xét cho dừng hình thức kinh doanh tạm nhập tái xuất hoặc có qui định mới nhằm siết chặt quản lý, hạn chế một số mặt hàng.

Đại diện Bộ Tư lệnh biên phòng cũng phản ánh: Thực tế, tạm nhập thì có nhưng tái xuất thì không. Đặc biệt với những mặt hàng như rượu, thuốc lá… làm xong thủ tục tái xuất rồi sau mấy tiếng thì hàng lại được đưa trở lại Việt Nam. Nếu xóa hình thức kinh doanh này thì mất đi một nguồn lợi. Vấn đề là phải khôi phục trật tự, kỷ cương tạm nhập tái xuất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên