Doanh nghiệp Ấn Độ muốn đầu tư vào Việt Nam

Tham tán Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam Ravi Sankar khẳng định, trong Chính sách ngoại thương 2009-2014, Ấn Độ đã xác định thị trường Việt Nam là một trong những điểm đến của Kế hoạch hướng Đông của mình.

Ông Ravi Sankar cho biết, trong hai năm tới Tata - tập đoàn kinh tế hàng đầu của Ấn Độ sẽ xuất khẩu ôtô Nano sang thị trường ASEAN, châu Âu và sẽ tìm kiếm đối tác tại Việt Nam.

Như vậy, ngoài những lĩnh vực hợp tác truyền thống như công nghệ thông tin, nông nghiệp, dầu khí... nhiều triển vọng hợp tác, nhiều vận hội mới sẽ lại mở ra với doanh nghiệp của cả hai nước.

Nhiều tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ đã thành lập văn phòng và đang đầu tư hiệu quả vào Việt Nam ở nhiều lĩnh vực như khai thác khoáng sản, công nghiệp ôtô, thép, dầu khí, năng lượng...

Các dự án đầu tư của các tập đoàn Essar và Tata trong lĩnh vực sản xuất thép đã đưa Ấn Độ vào nhóm 10 nước đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Hiện Ấn Độ đã đầu tư vào Việt Nam 38 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD, xếp thứ 29 trong số 89 nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Đặc biệt, xuất khẩu hàng dệt may của Ấn Độ sang Việt Nam thời gian qua liên tục tăng. Năm 2008, Ấn Độ xuất sang Việt Nam khoảng 80 triệu USD vải cotton, bông các loại, 57 triệu USD nguyên phụ liệu dệt may khác. Các sản phẩm chính Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam gồm vải may comple, áo sơmi, vải may đầm, vải thêu, vải may hàng thời trang cao cấp, vải nội thất...

Trong chuyến thăm của các doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam cuối tháng 6 vừa qua, ông V.S Valayuthum, Chủ tịch Hội đồng xúc tiến xuất khẩu sản phẩm dệt, sợi cotton Ấn Độ (Texprocil) khẳng định, với tiềm năng nhập khẩu nguyên phụ liệu rất lớn của ngành dệt may Việt Nam, Ấn Độ sẽ là nhà cung cấp lớn, tin cậy, sẽ là bạn đồng hành trong hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong buổi giao lưu thương mại giữa doanh nghiệp hai nước mới đây, ông V.Saran, Chủ tịch Phòng Thương mại Ấn Độ khẳng định Việt Nam có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ.

Ông V.Saran cũng bày tỏ mong muốn trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ giúp Ấn Độ tăng cường quan hệ với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Theo đó hai nước cần quan tâm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư cho tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp và phù hợp với tiềm năng, lợi thế của cả hai bên.

Để thúc đẩy quan hệ kinh tế, hai quốc gia cũng đã ký các Nghị định Hợp tác kinh tế và thương mại, tránh đánh thuế 2 lần; xúc tiến đầu tư song phương và hợp tác khoa học-kỹ thuật. Các mức thuế ưu đãi sẽ áp dụng lên nhiều mặt hàng được nhập khẩu từ Ấn Độ, theo Hiệp định tự do thương mại Ấn Độ-ASEAN, có hiệu từ ngày 1/6/2010.

Với lợi thế về quan hệ chính trị và tiềm năng kinh tế to lớn của hai nước, dự kiến tổng kim ngạch buôn bán song phương sẽ đạt 3.000 triệu USD vào năm nay và 5.000 triệu USD vào năm 2015.

Quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam-Ấn Độ những năm gần đây đã có những bước phát triển đáng kể với mức tăng 20-30% hàng năm.

Năm 2008, kim ngạch thương mại hai chiều đã vượt mục tiêu 2 tỷ USD mà hai nước đề ra cho năm 2010. Riêng năm 2009, mặc dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn đạt mức 2,055 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ được 420 triệu USD (tăng 9% so với năm 2008), và nhập khẩu từ Ấn Độ đạt 1,635 tỷ USD./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên