Doanh nghiệp còn ít sử dụng dịch vụ tư vấn

GS.TS Koenraad Tommissen – Chủ tịch MCI Việt Nam: Dịch vụ tư vấn được ví như một tấm gương chiếu hậu, có thể soi thấy những điều mà doanh nghiệp không thể tự mình nhìn thấy được

Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào sự liên thông kinh tế thế giới, đặc biệt là sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Những thuận lợi hay ưu tiên ngày càng thu hẹp và mất dần. Từ đó, việc phát triển tư vấn chuyên nghiệp bắt đầu có nhu cầu nghiêm túc hơn, thuận lợi hơn do khách hàng thực sự trân trọng những ý kiến, thông tin quý giá từ các nhà tư vấn, đặc biệt trong lĩnh vực quản trị.

Gia nhập WTO mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, nhưng kèm theo đó là sự cạnh tranh gay gắt ngay tại sân nhà cũng như trên thương trường quốc tế. Để có thể tồn tại và phát triển trong môi trường kinh doanh mang tính toàn cầu hóa ngày càng cao đòi hỏi các doanh nghiệp phải củng cố và tăng cường mọi mặt như: xây dựng các chiến lược kinh doanh, phát triển nguồn lực, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm hao phí…

Để đạt được những mục tiêu này, sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp là rất quan trọng, tuy nhiên doanh nghiệp cũng cần đến sự hỗ trợ của các nhà tư vấn quản trị đến từ các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp để giải quyết những rủi ro phát sinh, duy trì và phát triển hoạt động của doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian qua tại Việt Nam, việc sử dụng các dịch vụ tư vấn của doanh nghiệp có xu hướng gia tăng nhưng vẫn còn ở mức rất khiêm tốn do doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ về tính hữu ích cũng như sự cần thiết của các dịch vụ tư vấn. Mặt khác, nguồn lực tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV còn hạn chế nên họ ngại sử dụng các dịch vụ tư vấn, sợ tốn một khoản chi phí cao. Bên cạnh đó, lý do cốt yếu nhất vẫn là bản thân doanh nghiệp khi bắt đầu quan tâm đến dịch vụ này thì họ rất lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu.

Cũng theo các chuyên gia, quản trị kinh doanh hiệu quả là một trong mục tiêu tối quan trọng đối với hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế phát triển hiện nay. Để phát triển doanh nghiệp một cách bài bản và luôn cập nhật, ứng dụng những phương pháp quản trị hiệu quả trên thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam đang có xu hướng sử dụng nguồn lực chuyên biệt của đội ngũ tư vấn. Điều này đã bắt đầu phôi thai cho sự hình thành của ngành dịch vụ về tư vấn quản trị tại Việt Nam.

 

Giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường

Tại cuộc hội thảo “Làm thế nào để chọn lựa và sử dụng tư vấn hiệu quả?” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM phối hợp với Tổ chức MCI tại Việt Nam (thành viên của Hội đồng Quốc tế về tư vấn quản trị tại Việt Nam) cùng Công ty tư vấn chiến lược thương hiệu Nemo tổ chức mới đây, GS.TS Koenraad Tommissen – Chủ tịch MCI Việt Nam phân tích: Dịch vụ tư vấn quản trị ngày càng trở nên quan trọng đối với hoạt động của các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát huy tốt những lợi thế và khắc phục những nhược điểm của mình nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, sử dụng dịch vụ tư vấn như thế nào để đạt hiệu quả là điều nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn chưa nắm rõ.

Theo GS.TS Koenraad Tommissen, dịch vụ tư vấn được ví như một tấm gương chiếu hậu, có thể soi thấy những điều mà doanh nghiệp không thể tự mình nhìn thấy được. Hơn nữa, một ý tưởng độc đáo và hiệu quả cao đòi hỏi người đưa ra ý tưởng và người thực hiện phải có một tố chất đặc biệt và chuyên môn sâu. Doanh nghiệp nào cũng vậy, khi quy mô đủ lớn, chuyên môn hóa sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết nhiều công việc tốt hơn, kết quả đạt được sẽ cao hơn về lượng lẫn về chất. Để tối đa hóa lợi ích và tối thiểu hóa rủi ro, nhà tư vấn phải hóa thân thành doanh nghiệp để đồng hành, nắm bắt ngóc ngách của mọi vấn đề, tìm ra nguyên căn của "bệnh". Tất cả các vấn đề này cần phải được quản trị trong một thời gian hạn định.

Nghĩa là tư vấn phải cùng doanh nghiệp định ra đường đi, mô hình quản lý phù hợp nhất để đạt mục tiêu cuối cùng. Nhà tư vấn cần phải ý thức sâu sắc về hậu quả của những sai lầm do mình đưa ra, cần phải nhắm vào mục tiêu và kết quả cuối cùng, không nên chăm chăm vào việc bảo vệ quyền lợi tài chính của mình. Nhà tư vấn phải thật lòng với doanh nghiệp, bảo mật mọi thông tin cho doanh nghiệp để họ mạnh dạn chia sẻ sự thật cho mình. Việc này không chỉ là ràng buộc trong hợp đồng mà còn là bản sắc văn hóa của nhà tư vấn.

Phần lớn công việc tư vấn là không dễ dàng vì thực tế luôn có những đòi hỏi khắt khe và nghiệt ngã. Những người bước vào nghề này thành công, bên cạnh năng lực chuyên môn, chữ “tâm” với khách hàng, họ phải có một tố chất đặc biệt và sự đam mê vô bờ bến.

Cũng tại cuộc hội thảo trên, GS.TS Tôn Thất Nguyễn Thiêm – Giám đốc điều hành MCI Việt Nam cho rằng, sứ mệnh cao quý nhất của nhà tư vấn chân chính là cuối cùng làm sao để doanh nghiệp không còn cần đến mình trong lĩnh vực mà nhà tư vấn đã làm việc với doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ cần đến nhà tư vấn trong những lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, đó mới chính là nhà tư vấn quản trị đúng nghĩa.

Điều cấm kị trong tư vấn chân chính là chỉ dừng lại ở bán giải pháp, không giúp ích cho doanh nghiệp trong việc thực thi những ý tưởng mới. Nhà tư vấn cần phải cùng doanh nghiệp tìm ra những phương án tối ưu nhất, có khả năng giải quyết những rắc rối mà doanh nghiệp vướng phải, đó mới chính là nhà tư vấn quản trị chân chính. Nói như GS.TS Tôn Thất Nguyễn Thiêm, doanh nghiệp cần nhà tư vấn quản trị để giúp mình bay trên đôi cánh của chính mình, đi trên đôi chân của chính mình và thăng hoa bằng chính năng lực vốn có của mình.

Nếu nhà tư vấn mắc sai lầm, thì khách hàng là người trả giá đầu tiên, thiệt hại không chỉ là tiền bạc, thời gian, mà còn công sức và cả chi phí cơ hội nữa. Ngược lại, nếu doanh nghiệp chọn đúng nhà tư vấn, giá trị gia tăng mang lại cho khách hàng là rất lớn, tiền đầu tư thật sự sinh lợi. Mối quan hệ gắn bó hữu cơ này nếu được phát huy một cách tích cực và đúng đắn sẽ là nền tảng vững chắc tạo lực phát triển cho doanh nghiệp về lâu dài – ông Thiêm nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên