Doanh nghiệp nợ bảo hiểm – người lao động chịu thiệt

Tình trạng doanh nghiệp nợ,chậm đóng bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Tuy nhiên, ngành chức năng địa phương vẫn chưa có cách giải quyết một cách dứt điểm.

Tính đến hết quý 1 của năm 2012, Đắc Lắc có 75 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên với tổng số nợ là 29 tỷ đồng. Hệ quả của doanh nghiệp nợ bảo hiểm là người lao động không được hưởng các chính sách liên quan. Trường hợp của công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Đắc Lắc là một ví dụ. Do làm ăn thua lỗ, 70 lao động của công ty đã mất việc làm nhưng không thể làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp do trước đó công ty đang còn nợ bảo hiểm xã hội.

Ông Lâm Đình Nhiên, Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Đắc Lắc, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện chi trả bảo hiểm thất nghiệp  cho biết: “Thời gian qua một số doanh nghiệp chậm trễ trong đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, do vậy, sau khi người lao động thanh toán hợp đồng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội không chốt sổ và không thanh toán được chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định”.

Không chỉ các công ty gặp khó trong kinh doanh mới nợ bảo hiểm xã hội, mà Công ty Cổ phần Trường Thành và Công ty Cổ phần gỗ Trường Thành, tại huyện Ea H’leo, 2 đơn vị có truyền thống kinh doanh tốt, cũng chỉ đóng bảo hiểm cho 600 trong tổng số 800 lao động. Tính đến quý 1 năm nay số tiền nợ bảo hiểm của 2 công ty này đã lên tới 2 tỷ đồng. Trong suốt 3 tháng đầu năm 2012, công ty không đóng bảo hiểm cho người lao động, do vậy, lao động của công ty chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế, không được hưởng quyền chăm sóc sức khỏe bằng bảo hiểm y tế, trong khi phí đóng bảo hiểm vẫn bị trừ vào tổng lương hàng tháng.

Ông Lê Xuân Khánh, Trưởng phòng Thu, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đắc Lắc cho biết, việc xử lý nợ đọng ở các doanh nghiệp kiểu này cũng rất khó khăn vì lãnh đạo doanh nghiệp thường viện nhiều lý do để trốn tránh:Một số doanh nghiệp khi kiếm tra, chúng tôi thấy có khó khăn thực sự và đã làm cam kết với Bảo hiểm xã hội để trả nợ dần. Tuy nhiên, có một số đơn vị cố tính trốn tránh, chây ỳ trong việc nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đa số doanh nghiệp thuộc dạnh này là ngoài quốc doanh. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cố tình trốn tránh, như giám đốc viện lý do để không tiếp”.

Hiện nay, việc xử lý đối với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm vẫn chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính hoặc tính lãi ở mức 10,5% trên tổng số tiền nợ. Cơ quan bảo hiểm cũng không có chức năng thanh tra, kiểm tra hoặc tiếp cận với người lao động. Quyền lợi của người lao động vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng do tình trạng nợ bảo hiểm của doanh nghiệp ở Đắc Lắc nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các ngành chức năng của tỉnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên