Doanh nghiệp vận tải “chây ỳ” không giảm cước, Nhà nước phải làm gì?
VOV.VN - Để quản lý giá cước, cần đưa hoạt động vận tải thành mặt hàng kinh doanh có điều kiện, có sự quản lý giá trực tiếp của Nhà nước.
Thời gian gần đây, bất chấp việc giá xăng liên tục giảm nhưng giá cước vận tải vẫn “cố thủ” hoặc giảm không đáng kể. Mới đây, Bộ GTVT đã tổ chức 8 đoàn kiểm tra liên ngành đến một số thành phố lớn kiểm tra giá cước của các doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia ngành giao thông đây chỉ là cách giải quyết phần ngọn của vấn đề.
Hà Nội mới kiểm tra giá cước vận tải của 6 doanh nghiệp
Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 25-45% giá thành cước vận tải (đối với xe ô tô chạy xăng và dầu). Sau 13 lần giảm giá liên tục, xăng, dầu đã giảm hơn 30%. Theo tính toán thì thời điểm này giá cước vận tải giảm từ 10% - 15% là hợp lý. Nhưng các doanh nghiệp vận tải đều chần chừ việc giảm giá cước trong một thời gian dài, khi Bộ Tài chính và Bộ GTVT thúc giục, tổ chức kiểm tra thì một số doanh nghiệp mới có những động thái giảm giá cước.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, mỗi lần giảm giá xăng, dầu Sở GTVT Hà Nội đều có văn bản nhắc nhở các doanh nghiệp vận tải nghiên cứu giảm giá để phù hợp. Các doanh nghiệp có đăng ký giảm giá, có doanh nghiệp đăng ký giảm giá đến 3 lần.
“Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch để khi đoàn kiểm tra của Bộ GTVT về thì sẽ phối hợp chặt chẽ. Cụ thể, Sở đã rà soát lại các doanh nghiệp có vấn đề, không đảm bảo cơ cấu về giá và đã có danh sách cụ thể các doanh nghiệp trong đó có cả các đơn vị hoạt động taxi, xe khách tuyến cố định và cả đơn vị vận tải hợp đồng. Nhìn chung, danh sách các doanh nghiệp sẽ bị kiểm tra đã tương đối rõ”, ông Linh cho biết.
Tại Bến xe Mỹ Đình, hơn 80% doanh nghiệp vận tải kinh doanh tuyến cố định trong bến xe đã giảm giá, mức giảm trung bình từ 7-10%. Còn theo thống kê của Sở Tài chính Hà Nội có hơn 330 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, taxi và vận tải hàng hóa bằng xe container tính đến hết năm 2014 chỉ có 86 doanh nghiệp kê khai giảm giá với mức giá giảm phổ biến từ 4%-10%, cá biệt có doanh nghiệp giảm đến 15% là Hợp tác xã Vận tải Thăng Long.
Như vậy, có thể nhận thấy rõ các doanh nghiệp vận tải đều giảm giá chưa thực sự phù hợp với mức giảm của nhiên liệu. Sở Tài chính Hà Nội cũng đã đi kiểm tra giá cước vận tải trong đợt cuối năm 2014, nhưng mới chỉ kiểm tra được 5 doanh nghiệp. Bà Vương Thị Thu Hằng, Trưởng ban Giá, Sở Tài chính Hà Nội lý giải, giá cước vận tải chỉ là một trong số đầu việc mà đoàn kiểm tra thực hiện.
Vừa qua, Bộ GTVT tiếp tục lập 8 đoàn liên ngành kiểm tra giá cước vận tải ô tô tại Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk và Cần Thơ. Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ vận tải (Bộ GTVT) cho biết, đoàn kiểm tra sẽ xử lý những doanh nghiệp cố tình không giảm giá cước khi giá xăng, dầu đã giảm.
“Cần phải có quy định để giá cước vận tải luôn ở mức độ phù hợp, những doanh nghiệp nào chưa thực hiện đúng các kê khai giá, niêm yết giá, làm ảnh hưởng thì rõ ràng cần xử lý nghiêm theo quy định. Nếu thấy rằng nhiều doanh nghiệp ở chung một tình trạng, có lý do chung, Bộ GTVT sẽ tìm hiểu nguyên nhân để đề suất với bộ ngành chuyên môn trong công tác quản lý giá để việc quản lý giá có hiệu quả”, ông Bảo nói.
Cần thay đổi cơ chế quản lý giá cước vận tải?
Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã cùng bắt tay vào cuộc một cách quyết liệt trong việc kiểm tra giá cước của doanh nghiệp vận tải. Nhưng theo đánh giá của chuyên gia giao thông, Tiến sỹ Phạm Sanh thì đây chỉ là cách giải quyết phần ngọn của vấn đề, không triệt để, và bị động. Giá cước vận tải hiện nay vẫn là điều tiết theo cơ chế thị trường. Khi giá xăng, dầu xuống thì các cơ quan chức năng hầu như chỉ kêu gọi các doanh nghiệp giảm giá cho phù hợp. Hiệp hội vận tải thì đã lên tiếng nhưng xét cho cùng, sự lên tiếng của các hiệp hội không có nhiều hiệu quả.
Tiến sỹ Phạm Sanh phân tích: Với đoàn thanh tra liên ngành khi vào kiểm tra doanh nghiệp thì chỉ tác động được vào phần thuế, khi doanh nghiệp không giảm giá trong khi xăng đã giảm giá nhiều lần, từ đó lợi nhuận của doanh nghiệp cao hơn thì họ sẽ phải đóng thuế bổ sung phần lợi nhuận thu được. Còn về giá thì do điều tiết của thị trường họ để giá bao nhiêu là quyền tự chủ của doanh nghiệp, họ không vi phạm quy định.
Vì thế, việc kiểm tra của các đoàn kiểm tra, thanh tra về giá cước vận tải sẽ không có nhiều hiệu quả. Để quản lý giá cước vận tải thì mấu chốt phải là tầm hoạch định chính sách vĩ mô, đưa hoạt động kinh doanh vận tải thành những mặt hàng kinh doanh có điều kiện, có sự quản lý giá trực tiếp của Nhà nước.
“Ngay cả việc thanh tra giá cước có sớm hơn nữa cũng không cải thiện được. Các doanh nghiệp làm theo luật, như thế chỉ có thể hỏi được về các vấn đề hạch toán thuế. Để giảm giá cước vận tải mang lại lợi ích cho toàn xã hội cho dân lợi và cho nền kinh tế thì việc kiểm tra thế này không có tác dụng. Bộ GTVT phải mạnh dạn đề xuất Chính phủ đó là quản lý giá cước vận tải thì phải như mặt hàng chiến lược”, Tiến sĩ Phạm Sanh cho biết.
Giá cước vận tải đường bộ ở Việt Nam thuộc mức trung bình trên thế giới. Tuy nhiên, nếu tính cước phí vận tải trên mức thu nhập bình quân đầu người, giá cước vận tải ở Việt Nam còn đắt hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Giá cước vận tải đang gián tiếp tăng thêm nhiều chi phí cho sản xuất, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các cơ quan quản lý giá cước vận tải cần xem xét đưa giá cước vận tải vào danh mục kinh doanh có điều kiện hoặc có cách quản lý hiệu quả và ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp “chây ì” không giảm giá cước như hiện nay./.