Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TPHCM vẫn khó tiếp cận nguồn vốn kích cầu

VOV.VN - Giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp của TP.HCM chiếm hơn 32% vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đóng góp khoảng 16% của cả nước.

TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai Chương trình kích cầu đầu tư, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường.

Qua hơn 19 năm thực hiện, thành phố đã hỗ trợ lãi suất cho 715 dự án vay gần 3.900 tỷ đồng. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp đã đưa chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và tham gia vào nhiều chuỗi cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, hiện nay chương trình cũng còn một số hạn chế khi vẫn còn không ít doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chưa tiếp cận được vốn này.

Thiết bị sản xuất khuôn mẫu tại Công ty TNHH Lập Phúc.

Công ty TNHH Lập Phúc trước đây chỉ gia công cơ khí với những sản phẩm đơn giản, giá rẻ và không có nhiều đơn hàng. Năm 2005, Lập Phúc được vay 6 tỷ đồng từ Chương trình kích cầu đầu tư và được thành phố hỗ trợ lãi suất 30%. Công ty đã nhập máy móc, thiết bị mới từ Thụy Sĩ và Nhật Bản về, chuyển sang sản xuất khuôn mẫu chính xác trong lĩnh vực điện, điện tử chất lượng cao.

Từ đó, công ty bắt đầu nhận được nhiều đơn hàng từ các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước như: Nhật Linh (LiOA), Tân Á Đại Thành, Panasonic, Whirlpool (Mỹ). Tiếp đó, năm 2010, công ty tiếp tục vay nguồn vốn kích cầu gần 20 tỷ đồng để mở rộng nhà xưởng và nhập máy phay cao tốc từ Mỹ về, làm khuôn mẫu cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất bàn chải đánh răng Colgate của Mỹ.

Năm 2014, doanh nghiệp tiếp tục vay 56 tỷ đồng, được thành phố hỗ trợ 100% lãi suất cho dự án Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Chế tạo khuôn mẫu kỹ thuật cao. Hiện mỗi năm, Lập Phúc xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Nhật Bản hàng hóa trị giá vài triệu USD.

Ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc cho biết: “Vốn kích cầu của thành phố là nguồn lực cực kỳ cần thiết cho doanh nghiệp, nhờ nguồn vốn này thành phố trả lãi vay cho tôi, giúp tôi có động lực mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị tối tân. Nhờ những thiết bị này mới ra được những sản phẩm tốt mà doanh nghiệp ở Châu Âu và Mỹ chấp nhận mua với giá cao”.

Bên cạnh những số doanh nghiệp cũng được vay vốn từ chương trình này và sử dụng vốn hiệu quả, một số doanh nghiệp gặp khó do thời gian cho vay của chương trình ngắn, chưa đủ thời gian khấu hao máy móc.

Công ty cơ khí Duy Khanh đã từng  vay vốn kích cầu của thành phố và đổi mới công nghệ hiệu quả. Hiện Duy Khanh cũng tiếp tục vay để sản xuất sản phẩm mới là chi tiết khuôn mẫu từ bột kim loại bằng phương pháp dập kim loại thêu kết, chưa có ở Việt Nam. Vốn có, công nghệ có và cũng đã có khách  đặt hàng sản phẩm mới nhưng thời gian cho vay vốn của chương trình còn ngắn nên doanh nghiệp này chưa hẳn đã yên tâm đầu tư dài hơi.

“Đầu tư ngành cơ khí chu kỳ máy móc dài, thời gian khấu hao dài. Chính vì vậy để doanh nghiệp cơ khí mạnh dạn đầu tư, chúng tôi mong muốn thành phố hỗ trợ lãi suất vay chu kỳ 10 năm khấu trừ máy móc chứ không 7 năm như các ngành khác”, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cơ khí Duy Khanh kiến nghị.

Ông Đỗ Phước Tống- Chủ tịch Hôi đồng quản trị Công ty Duy Khanh  (áo xanh) trao đổi với các đối tác.

Hiện nay, TPHCM có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ năng lực tiếp cận nguồn vốn này vì  thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong lập dự án và quan trọng là không có tài sản thế chấp.

Nhiều chủ đầu tư lúng túng trong quá trình báo cáo thực hiện dự án, nhất là khi có những nội dung thay đổi so với dự án ban đầu đã được phê duyệt như: hạng mục xây dựng, danh mục thiết bị, chủng loại, giá trị, nguồn gốc… dẫn đến việc xử lý rất phức tạp, có trường hợp không được hỗ trợ lãi suất vay.

Đáng nói là có trường hợp doanh nghiệp lập hồ sơ dự án làm đúng theo trình tự, yêu cầu của các cơ quan chức năng nhưng chờ đợi lâu không được xét duyệt và không biết lý do vì sao.

Ông Nguyễn Ngô Long, Giám đốc Công ty Cơ khí Nhật Long cho rằng, thành phố cần quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ, vì doanh nghiệp nhỏ hạn chế về hành chính, thủ tục nên rất cần sự hỗ trợ.

“Ở công ty tôi, hồ sơ dự án làm theo đúng trình tự thủ tục, tuân thủ tốt hướng dẫn của các sở, ngành nhưng tới nay hồ sơ này 1,5 năm rồi hồ sơ bị chặn lại nhưng không biết lý do vì sao?”, ông Long cho hay.

Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, nếu các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ không được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ thì dễ bị bỏ lại phía sau.

Tại hội nghị tổng kết Chương trình Kích cầu đầu tư mới đây, lãnh đạo UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, chấn chỉnh những vấn đề chưa phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn này.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định: “Thành phố sẽ điều chỉnh chương trình kích cầu đầu tư phù hợp với thực tế của dự án và xu hướng phát triển của thành phố, chú trọng các dự án khởi nghiệp, trí tuệ nhân tạo, các ngành công nghiệp chủ lực của thành phố …  Thành phố sẽ bổ sung thủ tục giải ngân tại kho bạc, nâng số vốn vay hỗ trợ lãi suất cho vay 1 dự án từ 100 tỷ lên 200 tỷ”.

Hiện nay, giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp của TP.HCM chiếm hơn 32% của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đóng góp khoảng 16% của cả nước. Do đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp hỗ trợ nhỏ đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu công nghiệp 4.0 là góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh, tạo thêm giá trị gia tăng để ngành công nghiệp của thành phố phát triển lớn mạnh hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tìm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi
Tìm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi

VOV.VN - Chiều nay 17/6, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Ban chỉ đạo Quốc gia ODA và vốn vay ưu đãi với nhóm 6 Ngân hàng phát triển.

Tìm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi

Tìm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi

VOV.VN - Chiều nay 17/6, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Ban chỉ đạo Quốc gia ODA và vốn vay ưu đãi với nhóm 6 Ngân hàng phát triển.

Hỗ trợ lãi suất vốn vay cho hơn 2.800 hộ dân tộc ở Đắk Nông
Hỗ trợ lãi suất vốn vay cho hơn 2.800 hộ dân tộc ở Đắk Nông

VOV.VN - Đắk Nông đã có hơn 2.800 hộ được vay gần 8,3 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Hỗ trợ lãi suất vốn vay cho hơn 2.800 hộ dân tộc ở Đắk Nông

Hỗ trợ lãi suất vốn vay cho hơn 2.800 hộ dân tộc ở Đắk Nông

VOV.VN - Đắk Nông đã có hơn 2.800 hộ được vay gần 8,3 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Giải ngân nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi rất chậm
Giải ngân nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi rất chậm

VOV.VN - Tiến độ giải ngân chậm là do có vướng mắc trong kế hoạch vốn đầu tư, thủ tục đầu tư, thủ tục cho vay lại và thủ tục kiểm soát chi, giải ngân, rút vốn.

Giải ngân nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi rất chậm

Giải ngân nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi rất chậm

VOV.VN - Tiến độ giải ngân chậm là do có vướng mắc trong kế hoạch vốn đầu tư, thủ tục đầu tư, thủ tục cho vay lại và thủ tục kiểm soát chi, giải ngân, rút vốn.