Bản lĩnh vững vàng của doanh nhân thời hội nhập

VOV.VN - Trong thời hội nhập, doanh nhân cần có bản lĩnh vững vàng để cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, vươn ra biển lớn.

Có rất nhiều doanh nhân đã một thời là người lính cụ Hồ. Chính trong khoảng thời gian ấy đã rèn luyện cho họ bản lĩnh vững vàng không khuất phục trước khó khăn để chiến thắng kẻ thù. Trong thời hội nhập kinh tế quốc tế, khi trở thành doanh nhân, bản lĩnh của anh bộ đội cụ Hồ đã giúp họ chiến đấu vượt qua được những cạnh tranh khốc liệt trong nền kinh tế thị trường để vươn ra biển lớn.

Sinh ra tại Nam Định, ông Trần Văn Tắc, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn giày Tuấn Việt gắn bó với mảnh đất Đông Nam bộ từ thời kháng chiến chống Mỹ. Ông đã tham gia trong một cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn vào tháng 4 năm 1975.

Hòa bình, ông chuyển ngành về làm ở Công ty Da Sài Gòn rồi mạnh dạn ra ngoài thành lập công ty tư nhân ở quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh chuyên sản xuất đế giày cung cấp cho một số công ty da giày của thành phố. Năm 1994, ông chuyển sang sản xuất dép xuất khẩu. Do mặt bằng hẹp, thiếu máy móc thiết bị và không đảm bảo về môi trường nên năm 2006 ông chuyển đến thuê đất tại cụm công nghiệp, ở xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai để đầu tư nhà máy và chuyển sang làm làm giày lưu hóa.

Giày Tuấn Việt với thương hiệu Tuvi’s đứng vững trên thị trường nội địa và đang tìm cách vươn ra thị trường quốc tế. (Ảnh minh họa: Internet).

Hơn 30 năm làm trong ngành giày, đã có lúc công ty tưởng không vượt qua được những khó khăn, song nhờ bản lĩnh của người lính và đam mê với nghề mà ông đã đưa công ty trụ vững và vững vàng vươn ra biển lớn. Từ nhiều năm nay, công ty Tuấn Việt chuyên gia công sản xuất giày của các thương hiệu nổi tiếng thế giới, như Superga, Kappa…. xuất đi hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Những năm gần đây, doanh thu công ty đạt 20 triệu USD mỗi năm. Tiếp thu được công nghệ và qui trình sản xuất hiện đại của đối tác nên 3 năm nay ông Tắc quyết định xây dựng thương hiệu riêng với tên gọi TUVI’S. Thương hiệu này đã được Liên hiệp khoa học doanh nhân Việt Nam và Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư thẩm định đạt top 10 nhãn hiệu nổi tiếng năm 2015.

Say mê với nghề, luôn sáng tạo, đổi mới để có được những mẫu giày tốt nhất phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước nên ông không bao giờ hài lòng với các kết quả đạt được. Tiêu chí mà ông đặt ra cho sản phẩm của công ty là: bền, đẹp và an toàn cho người sử dụng. Sản phẩm giày của ông chủ yếu bằng nguyên liệu sản xuất trong nước, thân thiện với môi trường, như: cao su thiên nhiên, sợi đay, trấu thóc, vải cotton….

Ông Trần Văn Tắc quan niệm người lao động chính là tài sản quý của doanh nghiệp nên ông rất quan tâm đến đời sống cho 1.500 nhân công với các chế độ đãi ngộ hợp lý. Đặc biệt là từ bữa ăn an toàn đến cải thiện môi trường làm việc.

“Muốn doanh nghiệp tồn tại và thành công chúng tôi chú trọng đến con người. Quan tâm đến đời sống của họ. Chúng tôi đầu tư máy móc nhà xưởng cho phù hợp đề người công nhân lao động trong trạng thái an toàn, thảnh thơi. Ngoài ra, chúng tôi tập hợp được đội ngũ giỏi để phát triển công ty,” ông Tắc chia sẻ.

Chính vì vậy từ khi thành lập đến nay, công ty không hề xảy ra bất cứ một cuộc đình công hay lãn công nào. Nhiều công nhân, nhân viên công ty coi ông như người thầy, người thân trong gia đình.

Chị Hồ Thị Cẩm Nhiều, nhân viên Trung tâm kỹ thuật công ty nói: “Làm việc với chú Tắc em học hỏi được nhiều kinh nghiệm về cuộc sống, về công việc. Làm việc ở đây em phát huy khả năng của mình và học được nhiều điều ở giám đốc”.

Là doanh nhân nên ông Tắc hiểu rằng chia sẻ lợi nhuận với cộng đồng là cách làm thiết thực để người tiêu dùng biết đến thương hiệu của mình. Vì vậy, ngoài việc thu nhận con em địa phương vào làm việc tại công ty để giúp họ có công ăn việc làm ổn định, ông Tắc còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội ở địa phương và các tỉnh, thành khác. Mỗi năm, công ty ông ủng hộ cho việc xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương và các hoạt động cộng đồng với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cho biết, Công ty Tuấn Việt luôn đồng hành với xã trong chăm lo cho hộ nghèo. Cụ thể hằng năm công ty hỗ trợ cho xã về người nghèo dịp tết, ngày 27/7 và các dịp lễ, hội và lúc nào cũng đồng hành cùng địa phương.

Ngành da giày đang có nhiều lợi thế khi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. Vì thế cùng với việc mở rộng thị trường, ông Tắc đang đầu tư xây dựng thêm nhà xưởng, trang bị các dây chuyền hiện đại và tuyển thêm nhiều lao động để tăng công suất từ 2,5 triệu đôi giày lên 10 triệu đôi/năm

Ông Tắc cho hay, ông là thợ giày nên khát vọng của ông là gây dựng được một thương hiệu giày Việt Nam không chỉ thành công trong nước mà còn phải vươn ra thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bản lĩnh doanh nghiệp trước khó khăn, thách thức
Bản lĩnh doanh nghiệp trước khó khăn, thách thức

VOV.VN - Nhiều doanh nghiệp đã thể hiện bản lĩnh, nỗ lực vượt khó để phát triển và khẳng định mình trên thương trường.

Bản lĩnh doanh nghiệp trước khó khăn, thách thức

Bản lĩnh doanh nghiệp trước khó khăn, thách thức

VOV.VN - Nhiều doanh nghiệp đã thể hiện bản lĩnh, nỗ lực vượt khó để phát triển và khẳng định mình trên thương trường.

Doanh nghiệp bản lĩnh, sáng tạo vượt khó
Doanh nghiệp bản lĩnh, sáng tạo vượt khó

VOV.VN-Nhiều DN tại Bình Dương và miền Đông Nam phát triển tốt nhờ đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình, giảm chi phí sản xuất.

Doanh nghiệp bản lĩnh, sáng tạo vượt khó

Doanh nghiệp bản lĩnh, sáng tạo vượt khó

VOV.VN-Nhiều DN tại Bình Dương và miền Đông Nam phát triển tốt nhờ đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình, giảm chi phí sản xuất.

Doanh nghiệp Việt nỗ lực vượt khó
Doanh nghiệp Việt nỗ lực vượt khó

VOV.VN - Trước thực trạng này, các doanh nghiệp đã tự rà soát lại năng lực của chính mình, tìm hiểu dự báo thị trường.

Doanh nghiệp Việt nỗ lực vượt khó

Doanh nghiệp Việt nỗ lực vượt khó

VOV.VN - Trước thực trạng này, các doanh nghiệp đã tự rà soát lại năng lực của chính mình, tìm hiểu dự báo thị trường.