Doanh nghiệp chế biến gỗ lạc quan trước xu thế hội nhập?

VOV.VN - Từ nhiều năm qua, DN chế biến gỗ đã có nhiều cơ hội để làm quen với các quy chế, quy định, luật lệ xuất nhập khẩu quốc tế.

Ngành chế biến gỗ Việt Nam với 4.000 doanh nghiệp (DN) và hơn 300.000 lao động đang đứng trước nhiều cơ hội, song cũng không ít thách thức khi các Hiệp định thương mại, Hiệp định đối tác tự nguyện được ký kết. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam.

PV: Hiện nay có một số DN chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam chưa muốn ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với EU. Theo ông, tâm lý như vậy xuất phát từ nguyên nhân nào? Và ông có thể giải thích rõ lý do ký kết Hiệp định này?

Ông Nguyễn Tôn Quyền: Chúng ta đang có khoảng 4.000 doanh nghiệp chế biến gỗ, nhưng chỉ có khoảng 1.000 doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu. Hiện doanh nghiệp của chúng ta đang thực hiện khá nhiều yêu cầu về chất lượng sản phẩm, hồ sơ pháp lý của các đối tác nước ngoài như EU, Mỹ, Nhật, Australia… mọi hoạt động xuất khẩu hiện vẫn khá suôn sẻ, bình thường.

 

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam.
Khi ký kết Hiệp định thì đương nhiên sẽ thêm thủ tục hành chính cho DN là cấp phép; rồi DN sẽ phải mất thời gian, tăng thêm chi phí. Đó là những điều mà không DN nào muốn, cho nên có tâm lý chưa muốn ký kết mà họ muốn yên ổn làm ăn như hiện nay.

Tuy nhiên, xét về bình diện lợi ích quốc gia, lợi ích phát triển lâu dài của cộng đồng DN chế biến xuất khẩu gỗ thì chúng ta đàm phán để ký VPA/FLEGT với EU có 3 lý do chính:

Thứ nhất: Xu thế của thế giới hiện nay hướng tới bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, sử dụng gỗ hợp pháp, sử dụng gỗ bền vững. Đó là xu thế tất yếu không thể khác được. Mình không đi theo xu thế này sẽ lạc hậu, và đây là sáng kiến của EU là một sáng kiến tốt. Đó là xu thế tất yếu mình phải theo, DN dù không muốn cũng phải làm. 

Thứ hai: Chúng tôi có nhiều kỳ vọng, nói xuất khẩu sang thị trường EU, nhưng hầu hết chỉ có 5 nước Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Italy từ đó bán đi các nước khác cho nên giá trị kim ngạch còn thấp, chỉ bằng 10% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Năm 2014 xuất khẩu gỗ đạt 6,3 tỉ USD, vào EU chỉ 600 triệu USD. Chúng tôi kỳ vọng, nếu ký được hiệp định này, thị trường mở rộng với 28 nước, kim ngạch sẽ lên hàng tỉ USD mỗi năm. 

Thứ ba: Việt Nam vừa là nước xuất khẩu vừa nhập khẩu, đã xuất khẩu, nhập khẩu thì có thể rủi ro rất lớn. Nhiều DN ở các quốc gia xuất khẩu đồ gỗ chưa có chứng chỉ FSC (chứng chỉ quản lý rừng bền vững), chưa có hiệp định đối tác tự nguyện (VPA), chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU thì rủi ro rất lớn.

Cho nên nếu tham gia VPA/FLEGT, Việt Nam có quyền lựa chọn những quốc gia nào có thể đáp ứng được, có thể bán hàng, mua hàng, lựa chọn thiết bị. Quan trọng hơn nữa, phía EU giúp mình về kỹ thuật để tìm kiếm các đối tác tốt hơn, có điều kiện phát triển tốt hơn, có luật lệ minh bạch hơn… Nhưng kỳ vọng quan trọng nữa là giá cả sản phẩm sẽ tăng lên, làm tăng doanh số cho DN.

PV: Có ý kiến cho rằng, hầu hết các DN chế biến gỗ Việt Nam đến nay đã đáp ứng được các yêu cầu về nguồn gốc gỗ hợp pháp theo cam kết trong VPA/FLEGT khi xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường EU?

Ông Nguyễn Tôn Quyền: DN của ta đã “thuộc bài”, đã làm quen nhiều với các quy chế, quy định, luật lệ quốc tế trong thời gian qua. Từ quy chế gỗ năm 2013 của EU, từ Đạo luật Lacey của Hoa Kỳ đến các yêu cầu khắt khe về chất lượng của Nhật Bản, của Australia. Nghĩa là đã “thạo” với luật lệ thị trường quốc tế.

Thực tế, các doanh nghiệp nước ngoài họ cũng thích làm việc với tác phong thạo việc như vậy. Ví dụ ở Bỉ, họ cũng yêu cầu không cần giấy tờ nhiều, miễn là gỗ hợp pháp và các đối tác đã quen cách làm việc, đã tin cậy nhau. Lâu nay lâu nay chúng ta vẫn đang đang thực hiện và đến nay vẫn chưa có một lô hàng gỗ nào bị đối tác trả về.

Hiện nay mỗi năm thế giới có nhu cầu khoảng 230 tỉ USD đồ gỗ (có con số nói khoảng 300 tỉ). Riêng thị trường 28 nước EU là 85 tỉ USD nhưng Việt Nam mới chỉ xuất sang EU 600 triệu USD là con số chưa đáng kể. Nhu cầu của Mỹ 22 tỉ USD nhưng ta mới đạt 2 tỉ USD (10%) chưa thấm vào đâu. Với dung lượng tiêu thụ đồ gỗ thế giới còn rất lớn, chúng tôi kỳ vọng năm 2020 sẽ đạt con số xuất khẩu đồ gỗ 12 tỉ USD. DN Việt Nam chắc chắn sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn của Hiệp định này.

PV: Bên cạnh Hiệp định đối tác tự nguyện đối với đồ gỗ, Việt Nam và EU còn ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA). Vậy các DN ngành gỗ sẽ được hưởng những lợi ích nào từ Hiệp định này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Tôn Quyền: Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU chắc chắn sẽ có lợi rất nhiều đối với các doanh nghiệp. Thứ nhất, trước đây doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là bán sản phẩm, ít mua gỗ của nước ngoài, nhưng su khi kí Hiệp định FTA, doanh nghiệp trong nước sẽ có nhu cầu mua nhiều gỗ của nước ngoài, vì gỗ của họ rất tốt như gỗ của Đức, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển…khi đã miễn thuế thì DN được lợi ít nhất 10%.

Thứ hai là doanh nghiệp sẽ không phải mất tiền chi phí cho khảo sát, đánh giá cho việc cấp chứng chỉ về nguồn gốc gỗ.

Thứ ba là thiết bị chế biến gỗ. Trước đây mình nghèo, mua thiết bị chế biến gỗ của EU giá cao mà thuế tới 20-30%. Sắp tới được miễn thuế mà lại được trả chậm. Ví dụ, thiết bị Trung Quốc khoảng 1 triệu USD một dây chuyền sản xuất, 5 năm phải thay đổi, nhưng thiết bị của EU là 5 triệu USD, sản xuất khoảng 30 năm mới phải thay đổi.

Cái nữa quan trọng hơn đối với DN chế biến xuất khẩu gỗ là nâng cao trình độ quản trị sản xuất kinh doanh của các chủ DN. Khi đối tác mua sản phẩm của mình, đối tác sẽ đưa chuyên gia vào hướng dẫn kỹ thuật tại chỗ cho nên các ngành nói chung, ngành gỗ nói riêng sẽ có nhiều lợi ích từ FTA với EU.

PV: Đó là những thuận lợi lớn, nhưng các DN ngành gỗ cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức trong điều kiện hội nhập sâu rộng hiện nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Tôn Quyền: Trước hết là sự cạnh tranh quyết liệt trong thị trường nội địa của Việt Nam, vì Việt Nam ký kết FTA với EU và TPP trong tương lai, cuối năm nay cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, rồi sẽ ký kết VPA/FLEGT với EU. Các Hiệp định này với những cam kết đưa ra là doanh nghiệp bình đẳng, thuế suất bằng không, chất lượng hàng hóa phải đủ tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…

Trong khi thị trường nội địa hiện nay vẫn yếu ớt, các sản phẩm gỗ của nước ngoài vào Việt Nam chất lượng tốt, giá thành lại rẻ, có tính pháp lý rất cao. Do đó, lo ngại nhất hiện nay là sự cạnh tranh quyết liệt giữa DN gỗ Việt Nam với DN gỗ nước ngoài. Các DN gỗ của Việt Nam cũng thấy điều đó, vì hiện nay các DN của ta manh mún, nhỏ lẻ và phân tán, mà nhà nước chưa có chính sách nào hỗ trợ cho vấn đề này. Người ta vẫn nói thị trường gỗ Việt Nam thua ngay trên sân nhà là như vậy.

Thứ hai là khi càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu bao nhiêu thì thách thức của ngành gỗ càng lớn bấy nhiêu, mặc dù cơ hội cũng rất lớn. Đó là trình độ của các chủ DN của chúng ta chưa theo kịp với trình độ phát triển của thế giới, đặc biệt trong chính sách thương mại quốc tế và trình độ ngoại ngữ của DN gỗ ta rất yếu. Phải mất rất nhiều thời gian chúng ta mới hiểu được thương mại quốc tế là như thế nào.

 

Mặt hàng đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu được thị trường EU ưa chuộng.

Thứ ba là năng suất lao động trong ngành gỗ của Việt Nam hiện nay còn rất thấp. Theo tổng kết, cả DN lớn, nhỏ, bình quân 1 năm một lao động trong ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam làm ra chỉ 12.000 - 13.000 USD. Trong khi đó Trung Quốc là 24.000 USD, EU là 36.000 USD. Nguyên nhân là do tay nghề, do quy trình sản xuất còn lạc hậu nên năng suất lao động thấp.

Thứ tư là đội ngũ công nhân kỹ thuật trong ngành gỗ hiện nay vô cùng èo uột. Trước đây, có nhiều trường đào tạo công nhân nghề gỗ tại các địa phương và khu vực, nhưng bây giờ các trường đều nâng lên thành Cao đẳng, Đại học hết rồi nên việc đào tạo công nhân lành nghề ít được chú ý. Đó là những thách thức lớn mà mình phải vượt qua.

PV: Theo ông những giải pháp cơ bản nào để ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững?

Ông Nguyễn Tôn Quyền: Để phát triển ngành gỗ nói chung trước hội nhập, trước hết Nhà nước cần có chính sách đối với thị trường nội địa. Tôi lấy ví dụ, 20 năm nay phát triển xuất khẩu rất tốt với nhiều chính sách ưu ái cho ngành gỗ, nhưng nội địa thì không có chính sách nào cả, chưa thấy có văn bản nào cho chính sách phát triển gỗ nội địa, thậm chí kênh phân phối gỗ nội địa không có, sản xuất thì manh mún, chất lượng thì chưa thật tốt.

Cần có khoản vay ưu đãi để nhập thiết bị, công nghệ hiện đại, vì của ta hiện nay hầu hết là máy móc thiết bị của Trung Quốc, Đài Loan. Vay ưu đãi chứ không phải là vay thương mại.

Rồi nữa, bản thân DN ngành gỗ chúng tôi phải tự vươn lên. Dứt khoát phải có chính sách đào tạo dài hạn, ngắn hạn để từng bước vươn lên. Đào tạo chủ DN, đào tạo văn phòng DN, đào tạo công nhân kỹ thuật. Tiếp nữa là làm ăn có chứng chỉ, làm ăn chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn. Hiện nay cái này còn hạn chế.

Cũng rất may đến nay nhiều chủ DN gỗ Việt Nam rất tỉnh táo, họ liên tục cập nhật thông tin, họ đã yêu cầu chúng tôi biên soạn tài liệu kỹ thuật, giới thiệu đối tác để tiếp cận. Hiện nhiều DN chế biến gỗ đã liên kết với nhau. Ngoài ra các DN cũng cử nhiều đoàn đi nước ngoài tìm kiếm thị trường mới… đó là những điều tốt, nhưng dẫu sao vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

3.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ và lâm sản
3.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ và lâm sản

Đây là hoạt động nằm trong chương trình triển khai Nghị quyết 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường

3.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ và lâm sản

3.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ và lâm sản

Đây là hoạt động nằm trong chương trình triển khai Nghị quyết 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường

Ngành gỗ chống suy thoái
Ngành gỗ chống suy thoái

Do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngành công nghiệp gỗ đang gặp đối mặt với nguy cơ giảm mạnh tăng trưởng. Theo hầu hết các DN ngành gỗ, rất khó tiếp cận giải pháp kích cầu của Chính phủ, đặc biệt về thị trường và vốn.

Ngành gỗ chống suy thoái

Ngành gỗ chống suy thoái

Do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngành công nghiệp gỗ đang gặp đối mặt với nguy cơ giảm mạnh tăng trưởng. Theo hầu hết các DN ngành gỗ, rất khó tiếp cận giải pháp kích cầu của Chính phủ, đặc biệt về thị trường và vốn.

Không phải kiểm dịch thực vật đối với dăm gỗ xuất khẩu
Không phải kiểm dịch thực vật đối với dăm gỗ xuất khẩu

VOV.VN -Cục Bảo vệ Thực vật vừa có văn bản gửi Cục Giám sát quản lý về hải quan việc không bắt buộc kiểm dịch thực vật đối với dăm gỗ xuất khẩu.

Không phải kiểm dịch thực vật đối với dăm gỗ xuất khẩu

Không phải kiểm dịch thực vật đối với dăm gỗ xuất khẩu

VOV.VN -Cục Bảo vệ Thực vật vừa có văn bản gửi Cục Giám sát quản lý về hải quan việc không bắt buộc kiểm dịch thực vật đối với dăm gỗ xuất khẩu.