Lo mất “đất vàng” vì tăng vốn điều lệ: Chủ doanh nghiệp nói gì?

VOV.VN - Đại diện doanh nghiệp nói, việc cổ phần hóa và tăng vốn điều lệ không làm giảm tỷ lệ vốn sở hữu của nhà nước, không làm thất thoát đất đang đi thuê.

Một số thông tin, dư luận gần đây lo ngại: Việc tăng huy động vốn điều lệ của Công ty CP Xây lắp Điện lực 1 (XLĐL1 - tiền thân là Xí nghiệp Xây lắp điện, thuộc Công ty Điện lực 1, nay là Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc) sẽ làm giảm tỷ lệ vốn sở hữu của nhà nước tại công ty; Việc tăng vốn điều lệ của XLĐL1 còn có nguy cơ làm “bốc hơi” 2 khu đất rộng hàng nghìn mét vuông tại Số 3 phố An Dương và Số 10 ngõ 32 phố An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Phan Thế Huấn, Giám đốc Công ty CP Xây lắp Điện lực 1 khẳng định, Công ty được CPH từ năm 2005 và không thuộc diện doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối. Đối với 2 khu đất đang bị dư luận lo ngại, đều là đất công ty thuê có thời hạn của nhà nước, không đưa vào giá trị của doanh nghiệp.

PV: Ông giải thích thế nào về thông tin cho rằng, việc tăng huy động vốn điều lệ của XLĐL1 sẽ khiến hàng nghìn mét vuông đất nhà nước có nguy cơ trở thành sở hữu của cổ đông tư nhân?

Ông Phan Thế Huấn: Công ty CP XLĐL1 thực hiện CPH từ năm 2005. Việc CPH của công ty không liên quan gì đến 2 khu đất như dư luận đã đề cập.

Ông Phan Thế Huấn, Giám đốc Công ty CP Xây lắp Điện lực 1.
Bởi lẽ, trong công tác CPH, 2 khu đất này không được đưa vào giá trị của doanh nghiệp. Hai khu đất này chỉ là đất đi thuê của nhà nước, cụ thể là thuê của UBND TP Hà Nội. Trong đó, 1 khu đất đã hết hạn thuê do có thời gian thuê ngắn hạn.

Hiện tại, do có liên quan đến một số dự án theo quy hoạch, UBND TP Hà Nội cũng chưa ra quyết định có hay không cho công ty tiếp tục thuê khu đất tại khu B (số 10 ngõ 32 phố An Dương, quận Tây Hồ).

Còn khu đất tại số 3 phố An Dương, ngoài việc làm trụ sở văn phòng của công ty, hiện đang còn là nơi đặt trụ sở làm việc của một số đơn vị khác thuộc Tổng công ty Điện lực Miền Bắc. Khu đất này cũng chỉ là đất đi thuê 50 năm của nhà nước, không phải là tài sản và không liên quan đến CPH của doanh nghiệp.

PV: Vậy sau khi tiến hành CPH, công ty có thuộc diện doanh nghiệp Nhà nước nắm cổ phần chi phối hay không?

Ông Phan Thế Huấn: Công ty CP XLĐL 1 không phải là doanh nghiệp thuộc diện nhà nước nắm cổ phần chi phối. Tại thời điểm CPH, vốn của nhà nước chỉ chiếm 29,1% nên doanh nghiệp không thuộc diện nhà nước nắm cổ phần chi phối.

PV: Từ sau CPH, công ty luôn có những báo cáo tài chính có lãi. Nhưng nội bộ doanh nghiệp vẫn nói là khó khăn, đang nợ đọng lên tới gần 6 tỷ đồng. Ông giải thích thế nào về việc này?

Ông Phan Thế Huấn: Tại thời điểm CPH, vốn điều lệ của Công ty CP XLĐL1 chỉ có 8 tỷ đồng, nhưng trong đó có đến xấp xỉ 6 tỷ đồng là những khoản nợ khó đòi, phát sinh từ trước thời điểm CPH.

Từ khi tiến hành CPH đến nay, kết quả kinh doanh hàng năm của công ty mặc dù vẫn có lãi, nhưng số lãi rất nhỏ. Chính vì thế, phần lợi nhuận hàng năm của công ty đến nay vẫn chưa đủ để xử lý được những khoản tài chính đã tồn tại từ trước khi CPH.

PV: Như vậy là ông khẳng định việc tăng vốn điều lệ của công ty, việc thực hiện nghĩa vụ của các cổ đông trong doanh nghiệp là cần thiết và đúng pháp luật?

Ông Phan Thế Huấn: Năm 2016, Công ty CP XLĐL1 có thực hiện việc tăng vốn điều lệ. Quá trình này được tiến hành theo đúng trình tự, quy định của pháp luật về việc tăng vốn điều lệ của một doanh nghiệp CPH.

Xác định tính cần thiết của việc tăng vốn điều lệ, bản thân Ban Lãnh đạo công ty cũng đã thực hiện đầy đủ những báo cáo, tờ trình, trong đó phân tích về tính cần thiết phải tăng vốn điều lệ. Vì rằng, nếu công ty không tăng vốn điều lệ sẽ không có vốn lưu động để phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Trước cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, nếu thiếu vốn lưu động, doanh nghiệp không thể hoạt động được, nên tăng vốn điều lệ là nhu cầu bức thiết, bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện. Trong quá trình này, các cổ đông của doanh nghiệp cũng đã làm tròn trách nhiệm của mình.

PV: Việc huy động được hơn 40 tỷ đồng vốn điều lệ sẽ có đóng góp như thế nào cho các công trình điện của công ty?

Ông Phan Thế Huấn: Công ty CP XLĐL1 đang có cổ đông lớn là Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc. Do đó, ngoài việc xác định kinh doanh như các doanh nghiệp bình thường trên thương trường, công ty CP XLĐL1 còn có một nhiệm vụ hết sức quan trọng nữa, đó là phải góp phần vào việc phát triển, ổn định, an toàn trong công tác vận hành của lưới điện, ít nhất là trong phạm vi của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc quản lý.

Với tinh thần như vậy, cùng với số vốn điều lệ huy động tăng cao, công ty xác định sẽ tham gia xây dựng và vận hành các công trình điện một cách tích cực hơn trong thời gian tới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hà Nội lên tiếng xây TTTM tại “đất vàng” công viên Thống Nhất
Hà Nội lên tiếng xây TTTM tại “đất vàng” công viên Thống Nhất

VOV.VN - Khu đất hiện bỏ hoang gây lãng phí, trong khi nhu cầu đỗ xe trong khu vực rất cao. Đây là vị trí khu đất dự án khách sạn SAS 295 Lê Duẩn trước đây.

Hà Nội lên tiếng xây TTTM tại “đất vàng” công viên Thống Nhất

Hà Nội lên tiếng xây TTTM tại “đất vàng” công viên Thống Nhất

VOV.VN - Khu đất hiện bỏ hoang gây lãng phí, trong khi nhu cầu đỗ xe trong khu vực rất cao. Đây là vị trí khu đất dự án khách sạn SAS 295 Lê Duẩn trước đây.

Khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời
Khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời

VOV.VN - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành về xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời.

Khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời

Khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời

VOV.VN - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành về xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời.

Bộ Công Thương kiến nghị vay vốn ODA cho các dự án điện nông thôn
Bộ Công Thương kiến nghị vay vốn ODA cho các dự án điện nông thôn

VOV.VN - Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ vay vốn ODA làm nguồn ngân sách cấp cho các dự án điện nông thôn giai đoạn 2016 – 2020.

Bộ Công Thương kiến nghị vay vốn ODA cho các dự án điện nông thôn

Bộ Công Thương kiến nghị vay vốn ODA cho các dự án điện nông thôn

VOV.VN - Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ vay vốn ODA làm nguồn ngân sách cấp cho các dự án điện nông thôn giai đoạn 2016 – 2020.