Nhập khẩu thiết bị công nghệ cũ: Khó có sản phẩm cạnh tranh?

VOV.VN - Việc nhập khẩu thiết bị và công nghệ cũ, lạc hậu sẽ không thể sản xuất được sản phẩm cạnh tranh với sản phẩm của các nước tiên tiến.

Thời gian qua, thực trạng doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng vào Việt Nam một cách thiếu kiểm soát. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp lách luật, vi phạm pháp luật để nhập về những lô hàng đã qua sử dụng và không hợp pháp cho thấy, nguy cơ Việt Nam có thể trở thành bãi rác công nghệ.

Những giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này trong thời gian tới, hay trách nhiệm thuộc về ai nếu như những máy móc thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu không hợp pháp được thông quan sẽ là những vấn đề đặt ra trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần này với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân. 

PV: Thưa Bộ trưởng, thực tế hiện nay có thực trạng doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng vào nước ta một cách thiếu kiểm soát, thậm chí là lách luật để nhập về những lô hàng đã qua sử dụng và không hợp pháp. Vậy Bộ KH&CN đã có giải pháp nào có thể ngăn chặn tình trạng này?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như thực hiện Luật Thương mại, Bộ KH&CN đã cùng các Bộ, ngành xây dựng một Thông tư để hạn chế quản lý việc nhập khẩu các máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, gọi chung là thiết bị cũ.

Điều này là rất cần thiết, vì nếu chúng ta không quản lý tốt sẽ dẫn tới việc doanh nghiệp nhập khẩu về, sau đó đưa vào sản xuất gây ra ô nhiễm môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng, dẫn tới mất an toàn cho nền kinh tế. Chính vì thế, việc ban hành Thông tư sẽ góp phần kiểm soát việc nhập thiết bị cũ và đưa công nghệ mới, công nghệ cao vào Việt Nam.

Một yếu tố rất quan trọng khác liên quan đến vấn đề này, đó là khi Việt Nam ký hiệp định đối tác chiến lược xuyên thái bình dương TPP các Hiệp định thương mại tự do với châu Âu… khi không còn hàng rào thuế quan và chúng ta phải tuân thủ luật lệ các hiệp định này thì hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh với hàng nước ngoài là rất quan trọng. Nếu chúng ta nhập thiết bị cũ, dây chuyền cũ không thể có sản phẩm có chất lượng tốt, để có thể cạnh tranh được hàng hóa của nước ngoài.

Doanh nghiệp đầu tư dây chuyền thiết bị cũ khó có sản phẩm cạnh tranh với các nước phát triển. (Ảnh minh họa: KT)
PV: Thưa Bộ trưởng, tháng 9/2014 Bộ KHCN ban hành Thông tư 20, sau đó cũng chính Bộ lại có một thông tư khác để dừng hiệu lực thông tư này, vì sao lại phải dừng việc thực hiện Thông tư 20?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Sau khi ban hành Thông tư 20, Bộ KHCN đã nhận được nhiều phản ứng từ phía các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Khi chúng ta xây dựng thông tư vì tuân thủ luật thương mại và căn cứ tình hình của nước ta thời điểm đó, những tiêu chuẩn của thông tư ban hành khá cao vì vậy nhiều doanh nghiệp cảm thấy không đáp ứng được.

Mặt khác, khi thông tư được ban hành, Việt Nam chưa tham gia vào sân chơi chung của các Hiệp định thương mại tự do, nên các doanh nghiệp rất muốn tự do nhập khẩu các thiết bị cũ, đồng thời có những quy định có thể làm cho các doanh nghiệp cảm thấy không yên tâm về thủ tục rườm rà, thời gian có thể bị kéo dài hoặc không khả thi. Vì thế, Bộ KH&CN đã cho dừng thông tư để tiếp tục chỉnh sửa để phù hợp nhu cầu thực tế cũng như khả năng của các cơ quan quản lý.

PV: Được biết Bộ KH&CN đang biên soạn dự thảo Thông tư mới thay thế cho Thông tư 20. Vậy, điểm mới của Thông tư này là gì và có giải quyết được những vướng mắc đó hay không thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Dự thảo Thông tư mới là tuổi của thiết bị đã qua sử dụng không phải 5 năm mà tới 10 năm, trong những trường hợp đặc biệt các Bộ quản lý lĩnh vực có thể quyết định thời gian cao hơn.

Thứ hai là việc giám định chất lượng còn lại của thiết bị được chuyển sang quản lý theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Không phải đánh giá chất lượng còn lại mà đánh giá thiết bị đó dù được sản xuất ở đâu cũng phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam. Hoặc nếu Việt Nam chưa có quy chuẩn thì phải tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước G7.

Như vậy, dù thiết bị có sản xuất ở các nước lân cận chúng ta cũng phải tuân thủ quy chuẩn của các nước phát triển. Bộ KH&CN cũng đơn giản hóa tối đa thủ tục thông quan, nếu như chưa có đầy đủ giấy tờ chứng minh về tuổi thiết bị và tiêu chuẩn sản xuất vẫn có thể được đưa về kho bảo quản, trong thời gian quy định của Luật Hải quan sẽ phải nộp toàn bộ giấy tờ giám định về tuổi thiết bị, tiêu chuẩn sản xuất của thiết bị, sau đó mới được thông quan. Chứng thu giám định đó rất đơn giản, bất kể tổ chức giám định nào của Việt Nam cũng có thể làm được.

Bộ KH&CN cũng có quy định cụ thể, các cơ quan giám định phải chịu trách nhiệm, doanh nghiệp có thể cam kết, cơ quan giám định có thể cấp chứng thư giám định. Sau này cơ quan chức năng phát hiện có sự gian dối trong khai báo hoặc trong việc chạy các chứng thư giám định thì chúng tôi đã có điều khoản là yêu cầu tái xuất, doanh nghiệp phải chịu mọi tổn thất và chi phí. Đồng thời có thể phải chịu phạt vi phạm hành chính nếu sau khi lắp đặt chúng tôi phát hiện có sự gian dối.

PV: Thưa Bộ trưởng, các doanh nghiệp cũng bày tỏ sự  băn khoăn là việc đưa ra Thông tư có thể dẫn đến có thêm thủ tục hành chính gây phiền hà và thêm chi phí cho họ. Bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Thông tư này có thể giải quyết 5 vấn đề cơ bản mà doanh nghiệp còn băn khoăn. Trong đó băn khoăn lớn nhất của các doanh nghiệp FDI, khi doanh nghiệp FDI có dự án đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn vừa rồi, khi có khủng hoảng tài chính toàn cầu, họ đã tháo dỡ nhiều nhà máy từ các nước khác lân cận mang vào Việt Nam. Họ lo sợ Thông tư có thể làm cho việc đưa dây chuyền cũ của họ vào Việt Nam cũng như kéo dài thời gian làm thủ tục.

Bây giờ với dự thảo mới, Bộ KH&CN cơ bản giải quyết vân đề này. Một là tuổi thiết bị quy định rộng hơn. Hai là về thủ tục, những dự án đầu tư nước ngoài nào vào Việt Nam trong hồ sơ đã có thiết bị di chuyển từ nước khác sang đã được cơ quan cấp phép đầu tư hoặc cơ quan chấp nhận đăng ký đầu tư thông qua, phê duyệt rồi thì không phải tuân thủ quy định của thông tư này.

Trường hợp họ không đưa vào trong hồ sơ dự án để được phê duyệt thì họ vẫn phải theo quy định của thông tư. Ngay cả theo quy định của thông tư thì quy định cũng đơn giản  chỉ cần chứng thực giám định dây chuyền đó chưa quá 10 năm sử dụng và dây chuyền đó được sản xuất theo tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc G7 hoặc tương đương là chúng ta có thể thông quan nhanh chóng.            

PV: Thực tế nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam không đủ năng lực tài chính để mua máy móc mới, thậm chí không đủ tiền để mua máy móc cũ đã qua sử dụng của các nước tiên tiến. Bởi sau khi quy đổi giá cũng vẫn rất cao và họ chọn giải pháp mua máy móc mới nhưng giá rẻ của các nước lân cận. Điều này khiến doanh nghiệp đặt câu hỏi liệu việc siết nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng bằng Thông tư 20 vô hình chung có giúp cho những doanh nghiệp của nước ngoài chiếm lĩnh thị trường kinh doanh máy móc này?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Trong dự thảo Thông tư mới, Bộ KH&CN đã quy định thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu không phải theo đánh giá chất lượng còn lại mà là tiêu chuẩn sản xuất.

Do đó, các máy móc dù sản xuất ở bất kỳ quốc gia nào, nếu như phù hợp quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc G7 mới đủ điều kiện nhập khẩu thiết bị cũ vào Việt Nam. Nên dù các thiết bị sản xuất ở các nước lân cận chúng ta nhưng đã sản xuất theo tiêu chuẩn G7 thì chất lượng của nó cũng rất tốt.

Bộ KH&CN cũng khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam, trong thời gian tới cần cân nhắc trước khi nhập các thiết bị đã qua sử dụng. Bởi khi Việt Nam trở thành thành viên của hiệp định TPP... hàng hóa của doanh nghiệp của Việt Nam phải cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa của các nước phát triển nhất thế giới như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản... nếu doanh nghiệp dùng máy cũ, không thể nào tạo ra được sản phẩm mới có chất lượng tốt, giá thành hợp lý như thế là doanh nghiệp tự hại mình.

Chính vì lẽ đó, các doanh nghiệp nên tính toán nhập các thiết bị tiên tiến hiện đại của các nước phát triển. Trong trường hợp bắt buộc phải mua thiết bị cũ, doanh nghiệp không nên mua thiết bị quá lạc hậu, bởi vì nhiều thiết bị có thời gian sử dụng 15-20 năm có thể vẫn còn tốt, nhưng không thể sản xuất ra những sản phẩm có thể cạnh tranh được với những sản phẩm của các nước tiên tiến. Vì vậy mà, tôi cho rằng thông tư này hợp lý, sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Không nhập khẩu máy móc thiết bị chất lượng dưới 80%
Không nhập khẩu máy móc thiết bị chất lượng dưới 80%

VOV.VN - Chỉ được phép nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng tối đa không quá 7 năm.

Không nhập khẩu máy móc thiết bị chất lượng dưới 80%

Không nhập khẩu máy móc thiết bị chất lượng dưới 80%

VOV.VN - Chỉ được phép nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng tối đa không quá 7 năm.

Doanh nghiệp FDI lo không được nhập thiết bị quá cũ
Doanh nghiệp FDI lo không được nhập thiết bị quá cũ

Các doanh nghiệp vẫn phải nhập những thiết bị cũ để tương thích với những thiết bị đang sử dụng.

Doanh nghiệp FDI lo không được nhập thiết bị quá cũ

Doanh nghiệp FDI lo không được nhập thiết bị quá cũ

Các doanh nghiệp vẫn phải nhập những thiết bị cũ để tương thích với những thiết bị đang sử dụng.

Nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng sao cho phù hợp?
Nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng sao cho phù hợp?

VOV.VN -Nhu cầu về máy móc thiết bị đã qua sử dụng trong nước rất lớn do vậy quy định nhập khẩu mặt hàng này vẫn còn nhiều ý kiến.

Nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng sao cho phù hợp?

Nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng sao cho phù hợp?

VOV.VN -Nhu cầu về máy móc thiết bị đã qua sử dụng trong nước rất lớn do vậy quy định nhập khẩu mặt hàng này vẫn còn nhiều ý kiến.