TKV giấu thông tin, gây hại cho doanh nghiệp, ai chịu trách nhiệm?

VOV.VN - Chuyên gia pháp lý chỉ ra nhiều căn cứ pháp luật cho thấy, TKV vi phạm pháp luật khi IPO Công ty Cổ phần KLM Thái Nguyên

Hơn 1.400 cán bộ công nhân viên và người lao động của Công ty cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do những lình xình hậu cổ phần hóa doanh nghiệp, trong đó có vụ kiện liên quan tới các cổ đông của Công ty Cổ phần KLM Thái Nguyên.

Chuyên gia pháp lý chỉ ra nhiều căn cứ pháp luật cho thấy, TKV vi phạm pháp luật khi IPO Công ty Cổ phần KLM Thái Nguyên, rất cần cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc làm sáng tỏ vấn đề và truy cứu trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan.  


Nghe âm thanh bài điều tra

TKV thừa nhận đã chủ động giấu thông tin

Tại công văn trả lời số 2371, ngày 28/5/2015, của Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) trả lời Công ty Lương Gia, do Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Biên, ký, lý giải: “Trong quá trình xây dựng phương án cổ phần hóa, các thông tin liên quan đến vụ kiện tranh chấp với Eximbank Thái Lan đã được TMC đưa vào dự thảo. Tuy nhiên, sau khi xem xét nhiều yếu tố liên quan, TMC đã không đưa chi tiết các thông tin về vụ tranh chấp vào bản công bố thông tin” và giải thích các lý do như: “việc đưa thông tin liên quan đến tranh chấp vào bản công bố thông tin và phương án cổ phần hóa có thể gây bất lợi, nguy hại đến quyền lợi TMC do dễ bị hiểu lầm là thừa nhận trách nhiệm và nghĩa vụ trong tranh chấp”. Chính việc chủ động không đưa thông tin này, đã gây bức xúc cho các nhà đầu tư.

Ông Phạm Thế Vinh - đại diện Công ty Lương Gia, một cổ đông lớn

Khi nhận được công văn trả lời này, ông Phạm Thế Vinh – một cổ đông lớn, cho rằng, đây là sự áp đặt trắng trợn: “Tôi cho đây là sự áp đặt quá trắng trợn và công lý không được thực thi. Bởi TKV đã thừa nhận là bỏ thông tin ra ngoài. Và cái bỏ thông tin ra ngoài đấy TKV cũng thừa nhận trong bản trả lời rằng là nếu đưa vào thì gây thiệt hại cho kim loại màu Thái Nguyên và cho cả cổ đông. Đây rõ ràng là sự áp đặt, mà sự áp đặt bỏ ngoài tất cả những thông lệ quốc tế, cũng như bỏ qua tất cả những quy định của pháp luật hiện hành”.

Tới nay, trong đơn kiến nghị gửi tới nhiều cơ quan chức năng, như Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, ông Phạm Thế Vinh, đại diện Công ty Lương Gia một lần nữa nhấn mạnh các lý do không đồng ý ký biên bản bàn giao: Thứ nhất, trong bản công bố thông tin bán đấu giá cổ phần ra công chúng không có nội dung chuyển giao quyền và nghĩa vụ cho Công ty CP KLM Thái Nguyên đối với vụ kiện của Eximbank Thái Lan. Mặt khác, theo Điểm 3, Điều 10, Nghị định 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về nguyên tắc kế thừa quyền và nghĩa vụ của công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trách nhiệm pháp lý theo đuổi vụ kiện không thuộc Công ty CP KLM Thái Nguyên. Những tồn tại trước, sau cổ phần hóa nếu không có trong bản cáo bạch công bố thông tin chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư thì phải thuộc Tổng công ty khoáng sản Việt Nam. Thứ hai, tham gia tố tụng có quyền và nghĩa vụ của Bị đơn đã được Viện trọng tài Thái Lan xác định tại Phán quyết Trọng tài là Công ty TNHH-MTV kim loại mầu Thái Nguyên.

Bản phán quyết là “thật hay giả”?

Một vụ kiện phát sinh có yếu tố nước ngoài, rủi ro về số tiền cả gốc lẫn lãi lên tới hơn 13 triệu USD, nhưng khi trao đổi với ông Đào Minh Sơn, Trưởng phòng tổ chức đào tạo của TKV, thường trực tổ chỉ đạo công tác cổ phần hóa TMC, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên cũng không biết rằng phán quyết của Trọng tài Thái Lan gửi TKV là “thật hay giả”, nhưng khẳng định vẫn phải theo đuổi vụ kiện “theo chỉ đạo của TKV”.

“Phán quyết của Tòa trọng tài Thái Lan được đưa ra sau khi IPO Kim loại màu Thái Nguyên. Còn trong quá trình IPO, TKV biết có vụ kiện này, nhưng mình (TKV) bảo có tài trợ gì đâu, mình không có văn bản gì cả. Bản phán quyết của tòa Thái Lan bây giờ cũng không biết là thật hay giả nữa. Hiện nay, TKV đã làm đơn lên tòa án Thái Lan là bác bỏ phán quyết của trọng tài Thái Lan. Tức là quan điểm của Tập đoàn, Tổng công ty chỉ đạo là không có cách nào khác phải theo đuổi vụ kiện đến cùng”- ông Đào Minh Sơn nói.

 Luật sư Nguyễn Minh Anh

Nhìn nhận dưới góc độ logic pháp lý, Luật sư Nguyễn Minh Anh, Giám đốc Công ty Luật Trí Minh, phân tích, về việc Công ty KLM Thái Nguyên bảo lãnh khoản vay cho Công ty Kẽm Việt – Thái vay 9.050.000 USD, tới nay theo phán quyết của Trọng tài Thái Lan, khoản nợ này cả gốc lẫn lãi lên tới 13.785.678 USD (gần 300 tỷ đồng). Trong khi đó, vốn điều lệ của Công ty CP KLM Thái Nguyên tới thời điểm này là 180 tỷ đồng. Như vậy, điều bất thường ở chỗ, vì sao Công ty TNHH MTV KLM Thái Nguyên lại bảo lãnh cho khoản vay lớn như vậy? Bản chất ở đây là Công ty Kẽm Việt – Thái không bao giờ có khả năng trả nợ, mà việc này chắc chắn phía TKV biết được. Câu hỏi đặt ra là: Biết nhưng vì sao vẫn làm thủ tục IPO Công ty TNHH KLM Thái Nguyên?

Luật sư Nguyễn Minh Anh, nhận định: “Tại vì trong trường hợp này ông (TKV- PV) có thể “đẩy quả bóng” mà khoản lỗ khổng lồ sang công ty để IPO. Và ở đây có sự diễn biến liên tiếp, nghĩa là IPO đã giấu thông tin. Về nguyên tắc, bản cáo bạch thể hiện tính minh bạch nhất, toàn bộ các vấn đề pháp lý, tài chính của công ty, thì rõ ràng đến thời điểm mua, nhà đầu tư đã bị giấu toàn bộ. Nghĩa là anh giấu toàn bộ các khoản nợ, tình trạng xấu của công ty. Vì nếu nhà đầu tư biết được, người ta đã không mua. Tại vì sao? Tại vì khoản nợ vượt quá rất nhiều tài sản hiện hữu của công ty. IPO này là vô hiệu theo Điều 132 Bộ luật Dân sự. Nghĩa là nhà đầu tư có quyền khởi kiện yêu cầu trả lại tiền cho mình, vì IPO này là vi phạm  pháp luật”.

Phải truy trách nhiệm từng cá nhân, kể cả đơn vị tư vấn

Như vậy, để xử lý dứt điểm sự việc trong trường hợp này, Ủy ban chứng khoán, các bên liên quan hoàn toàn có thể yêu cầu phải xem xét lại rõ việc IPO có đúng quy định pháp luật không, chủ động giải quyết sự việc này theo hướng vô hiệu, sẽ đúng luật và đảm bảo quyền lợi cho các bên, tránh trường hợp tổn hại cho nhà đầu tư và người lao động, tại vì số tiền bán cổ phiếu rất lớn (khoảng 160 tỷ đồng).

Tới nay, mệt mỏi vì sau nhiều lần kiến nghị giải quyết những lình xình kiện tụng với một khoản bảo lãnh “từ trên trời rơi xuống”, ông Phạm Thế Vinh, đề xuất: “Trách nhiệm tập thể cá nhân khi giấu thông tin, gây thiệt hại cho nhà nước và doanh nghiệp, chính là tập thể và cá nhân của Ban chỉ đạo cổ phần hóa của ban lãnh đạo Tập đoàn, Ban chỉ đạo cổ phần hóa của Tổng công ty khoáng sản, đứng đầu là ông Nguyễn Tiến Mạnh, đã chủ động bỏ vấn đề này. Có điều là cách giải quyết vụ việc cũng chưa theo pháp luật.

Theo pháp luật, theo điều lệ thì khi công ty con có rủi ro, công ty mẹ chịu trách nhiệm. Còn khi cổ phần, theo Nghị định, Thủ tướng cho phép bán vốn để trả nợ cho Thái Lan, trong pháp luật có quy định như vậy để áp dụng. Nhưng việc giải quyết vụ việc chưa theo pháp luật. Trong điều lệ của công ty, sau khi cổ phần hóa, trong khi cổ phần hóa, trong khi Thủ tướng quy định cho việc bán vốn 180 tỷ đồng, bù cho Thái Lan, nếu thiếu bán vốn tiếp trả cho Thái Lan. Việc áp dụng giải quyết hủy kết quả IPO là hoàn toàn có thể thực hiện được”.

Riêng đối với vai trò và trách nhiệm của các cá nhân và pháp nhân liên quan tới vụ việc này, Luật sư Nguyễn Minh Anh, Giám đốc Công ty Luật Trí Minh, cho rằng, tại Nghị định 59/2011 quy định về chuyển đổi công ty TNHH 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần, tại điểm B, khoản 4, Điều 21 cũng quy định rõ. Đối với trường hợp này phải xem xét trách nhiệm của từng cá nhân, kể cả những đơn vị liên quan tới tư vấn. Rõ ràng hành vi che giấu thông tin như thế hoàn toàn gây thiệt hại, và đã gây thiệt hại, thì trách nhiệm cá nhân liên quan tới ai, người đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Còn nếu có dấu hiệu tư lợi hoặc dấu hiệu gây thiệt hại rất lớn thì có thể xem xét chuyển sang yếu tố xử phạt hoặc xem xét những dấu hiệu về hình sự (nếu có).

Rõ ràng TKV đã giấu giếm thông tin, gây bất lợi và “thòng” vào cổ nhà đầu tư khoản nợ khổng lồ. Điều nguy hại ở chỗ, những thông tin mà đại diện Công ty Lương Gia đưa ra là đúng, và việc chủ động “ỉm” thông tin, “giấu giếm” thông tin xấu về các “khoản nợ” như vậy, sẽ làm nhiều nhà đầu tư e dè, nghi ngờ về tính minh bạch khi các doanh nghiệp công bố thông tin để chào bán cổ phiếu ra thị trường.

Điều này có nguy cơ dẫn đến sự thiếu tin tưởng đối với hoạt động cổ phần hóa mà các cơ quan nhà nước, các bộ, ngành đang nỗ lực thực hiện theo yêu cầu và chỉ đạo của Chính phủ. Về vụ việc liên quan tới cổ phần hóa TMC, vai trò trách nhiệm của Vinacomin, của TKV tới đâu, các cơ quan chức năng phải xem xét xử lý, giải quyết đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lơi ích hợp pháp, chính đáng cho các nhà đầu tư và người lao động, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước mà Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt thực hiện./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên