Tọa đàm:

“Dừng sử dụng Amiang trắng vào năm 2020”

VOV.VN-Các chuyên gia trao đổi về việc làm thế nào để thực hiện mục tiêu dừng sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp vào năm 2020.

 

MC: Thưa quý vị và các bạn!

Khoa học đã chứng minh tất cả các loại amiăng dù là xanh, nâu hay trắng đều gây ung thư cho con người. Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Lao động Quốc tế và Bộ Y tế Việt Nam cũng đồng quan điểm này. Đặc biệt, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo tại công văn 7307/VPCP-KGVX ngày 19/9/2014.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao các Bộ: Xây dựng, Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm quản lý quốc tế và tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động sản xuất và sử dụng amiăng trắng về môi trường làm việc; điều kiện an toàn, bảo hộ lao động; điều kiện và tiêu chí bệnh nghề nghiệp; tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm (tiêu chuẩn về độ cứng vững, không giải phóng amiăng ra môi trường trong quá trình sử dụng); quy định về xử lý môi trường với các sản phẩm thải bỏ có chứa amiăng trắng là chất thải nguy hại.

Phó Thủ tướng còn giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 11 năm 2014 về phương án không phản đối đề xuất đưa amiăng trắng vào phụ lục 3 Công ước Rotterdam trong kỳ họp năm 2015

Cũng liên quan đến nhiệm vụ này, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện mục tiêu dừng sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp vào năm 2020.

Còn Bộ Y tế được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng; tổ chức triển khai nghiên cứu nhằm đánh giá ảnh hưởng lâu dài và xác định các biện pháp giảm thiểu tác động độc hại của amiăng trắng đối với sức khỏe và môi trường Việt Nam.

Vậy làm thế nào xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện mục tiêu dừng sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp vào năm 2020?

Hôm nay, Báo điện tử VOV tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề Dừng sử dụng amiăng trắng vào năm 2020”.


Tham gia tọa đàm: Từ trái sang, TS Đỗ Quốc Quang, TS Nguyễn Thị Hồng Tú, Ông Nguyễn Mạnh Hùng, TS Trần Tuấn và MC Vũ Hạnh. 

Trao đổi về chủ đề này trong chương trình, xin trân trọng giới thiệu sự tham gia của 4 vị khách mời:

1. TS Nguyễn Thị Hồng Tú, Tổ chức Y tế Thế giới;

2. TS.Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo và Phát triển cộng đồng;

3. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam;

4. TS Đỗ Quốc Quang, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Công nghệ, Bộ Công Thương;

Trước hết, trân trọng cảm ơn các vị khách mời tham gia tọa đàm!

Sau đây là nội dung chi tiết tọa đàm:

MC: Thưa quý khán giả và các vị khách mời! Câu hỏi đầu tiên xin được đặt ra để bắt đầu cuộc tọa đàm này là: Amiăng trắng là gì? Tổ chức Y tế Thế giới đã nhiều lần lên tiếng về amiăng trắng, xin dành câu hỏi này cho TS Nguyễn Thị Hồng Tú.


TS Nguyễn Thị Hồng Tú (trái) và Ông Nguyễn Mạnh Hùng

TS Nguyễn Thị Hồng Tú: Các chuyên gia, tổ chức nghiên cứu ung thư thế giới đã khẳng định amiăng trắng cũng như tất cả các loại amiăng màu đều có hại cho sức khỏe. Nghiên cứu của WHO năm 1973 đến nay và nhiều nghiên cứu khác đã khẳng định amiăng trắng có ảnh hưởng đến sức khỏe con người và gây ung thư phổi trên biểu mô, ung thư thanh quản, ung thư buồng trứng…

Hiện nay, đã có 55 nước cấm sử dụng amiăng. Cho nên, việc càng ngày càng gia tăng các nước cấm sử dụng amiăng đã cho thấy amiăng trắng rất có hại cho sức khỏe con người, chủ yếu là người lao động, cộng đồng dân cư cũng như là trong môi trường. Cho nên, WHO và ILO khuyến cáo các tổ chức quốc tế khác như cộng đồng châu Âu, kể cả Đức, các tổ chức quốc tế khác đều khẳng định và đưa vào thành phong trào trên thế giới là ngừng sử dụng amiăng.

MC: Từ góc độ nghiên cứu, TS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo và phát triển cộng đồng, chắc chắn cũng có nhiều thông tin liên quan đến amiăng trắng. Xin mời TS Tuấn cho biết, tại sao gần đây cơ quan chức năng và báo chí đề cập rất nhiều tới amiăng trắng?

TS Trần Tuấn: Amiăng trắng vào Việt Nam, có thể nói bắt đầu sử dụng ở phía Nam từ những năm 1960. Lúc đó, kiến thức về mặt khoa học sử dụng tấm vật liệu có chứa amiăng, gọi là tấm fibro xi măng, chưa rõ tác hại gây ung thư. Cho nên, người ta mong đợi sử dụng loại tấm vật liệu này để thay thế các mái nhà lợp lá ở ĐBSCL.

Sau đó, từ sau khi đất nước thống nhất, bắt đầu có sự sử dụng tấm vật liệu này, và thực sự bùng nổ từ những năm 2000 trở đi. Bởi vì lúc đó thị trường thế giới có sự co hẹp, vì trước đó ami ăng xanh, ami ăng nâu đã bị cấm. Trước đó, từ những năm 1990, WHO đã bắt đầu đưa ra những tài liệu nói về nguyên nhân gây ung thư và tác động của nó tới sức khỏe cộng đồng.

Thực ra, từ những năm 1980, việc cấm sử dụng ami ăng trắng đã bắt đầu thực hiện. Nó được bắt đầu từ những nước ở khu vực Bắc Âu có sự tôn trọng quyền của người sử dụng. Sau đó, đến những năm 1990, bắt đầu lan sang khắp các nước châu Âu có việc cấm sử dụng ami ăng trắng. Đồng thời, cũng có sự kiểm soát rất chặt chẽ vật liệu này ở các nước như Mỹ, Úc, Canada. Vì thế mà thị trường bị thu hẹp. Từ đó, các nước sản xuất ami ăng bắt đầu xuất khẩu nó sang các nước đang phát triển, trong đó có thị trường Việt Nam. Chính vì thế, thị trường Việt Nam bắt đầu trở thành nơi tiêu thụ ami ăng trắng.

Đầu những năm 1990, thực ra ở Việt Nam, việc tiếp cận thông tin khoa học cũng tương đối tốt, nên ngay từ năm 1976, Bộ Y tế, Chính phủ Việt Nam đã nói đến tác hại của ami ăng gây ra bụi phổi và công nhận bệnh này là một bệnh nghề nghiệp. Như thế là đã bắt đầu có sự kiểm soát trong môi trường sản xuất. Sau đó, đến năm 2001, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định đến năm 2004 sẽ dừng hết các loại ami ăng.

Quyết định này thể hiện Chính phủ Việt Nam đã có một sự hiểu biết đúng và tiến kịp thế giới. Nhưng khi thị trường quốc tế bị thu hẹp lại, vật liệu này bắt đầu đổ xô sang các nước châu Á, các thị trường đang phát triển, tức là có sự can thiệp của các nhà sản xuất công nghiệp của nước ngoài. Cho nên, đã có sự dịch chuyển về mặt chính sách làm cho những thông tin, kể cả thông tin quốc tế, về tác hại của ami ăng trắng đã bị thay đổi, lệch lạc đi. Vì thế, đã có sự dịch lùi các mốc để cho ami ăng nhập vào Việt Nam, từ 2004 đã chuyển sang 2010 và 2020, thậm chí còn có ý định đẩy lùi đến năm 2030.

Điểm thứ hai là trong thời gian vừa qua, có sự gia tăng sử dụng ami ăng trắng vì đã có cách nào đó mà người ta đưa tấm lợp có chất ami ăng trắng này vào chương trình xóa đói giảm nghèo. Đây là chương trình quốc gia về an sinh xã hội để giúp cho các đồng bào nghèo khu vực bão lụt, miền núi để có những ngôi nhà bền vững, chống bão lụt, chống thời tiết.

Có thể nói, việc đưa vật liệu này vào với đồng bào miền núi… , nếu không có sự can thiệp vào chương trình như thế, có thể người dân chưa chắc đã sử dụng. Nhưng chính vì có sự can thiệp đưa vật liệu này vào như một sự trợ giá, cho nên, người dân sử dụng nó đã tăng cao.

Có thể thấy, qua nghiên cứu, tới 80% các ngôi nhà ở miền núi Yên Bái có sử dụng vật liệu amiăng. Và như thế, chúng ta đang thấy ta mất đi một cảnh quan sinh thái rất đặc trưng của đồng bào miền núi bằng ngôi nhà sàn với các mái lợp truyền thống đã bị thay bằng mái lợp ami ăng.

Và gần đây, những thông tin về tác hại của ami ăng gây ung thư khiến khách du lịch đến từ Âu châu, các nước phát triển, đã từ chối đi du lịch ở những vùng có các ngôi nhà lợp amiăng vì họ thấy nó có thể gây tác hại cho sức khỏe. 

MC: Hệ lụy của amiăng rất lớn như vậy. Thưa ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệp hội của ông đã bao giờ nhận được phản hồi của người tiêu dùng về vấn đề này chưa?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Đáng tiếc là chưa có người tiêu dùng phản hồi về với chúng tôi. Bởi lẽ thông tin về amiăng và độc hại của nó có khả năng dẫn đến ung thư thì hiện nay người tiêu dùng nắm thông tin còn chưa rõ. Gần đây báo chí mới đăng tải nhiều thông tin và đặc biệt là các tổ chức đứng ra tổ chức các hội thảo cũng đã đưa ra thông tin.


Ông Nguyễn Mạnh Hùng

Nhưng bản thân tấm lợp có chứa ami ăng cũng đã vào Việt Nam từ 1963 với sự xuất hiện của nhà máy đầu tiên ở Đồng Nai. Đến nay, sau 53 năm, đặc biệt là khoảng 20-25 năm gần đây, nó phát triển rất mạnh. Ai cũng biết, giá thành của tấm lợp này rẻ, độ bền cao, chịu được nắng, độ ẩm cao, phù hợp thời tiết Việt Nam. Cho nên, nó được người tiêu dùng Việt Nam sử dụng rất rộng rãi. 

Nếu chúng ta có dịp đi dọc đường Trường Sơn, nhất là vùng đồng bào miền núi, nông thôn, ven biển, thì thấy họ sử dụng tấm lợp này rất nhiều. Đây là điều rất đáng lo ngại, vì người sử dụng vẫn vô tư mà không biết nhà khoa học đã chỉ ra rằng khi bị phơi nhiễm thì 15-20 năm sau nó mới phát bệnh. Tức là đây là thứ giết người thầm lặng. 

Cho nên, cũng dễ hiểu vì sao đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được khiếu nại nào từ người tiêu dùng về việc bị phơi nhiễm, bị hậu quả ung thư do amiăng gây ra. 

MC: Trở lại vấn đề chuyên môn, thưa TS Nguyễn Thị Hồng Tú, nếu như một người dân bình thường sử dụng sản phẩm amiăng mà họ nghĩ không ăn, không sờ, không làm gì liên quan đến nó, mà chỉ lợp mái nhà. Vậy tại sao nó có thể nhiễm bệnh vào cơ thể mình những căn bệnh rất nguy hiểm?

TS Nguyễn Thị Hồng Tú: Amiăng thường thông qua con đường hô hấp, hít thở. Mà bụi thì ít khi chúng ta nhìn thấy. Cho nên, khi người dân sử dụng, kể cả người lao động, các bụi ami ăng phát tán ra. Do chất lượng sản phẩm ami ăng không được tốt, nhất là trong 41 cơ sở sản xuất amiăng hiện tại chỉ khoảng 20% có thể sử dụng công nghệ tương đối hiện đại, còn lại đa số công nghệ cũ, lạc hậu. Do đó, tỉ lệ vỡ mảnh rất cao. Khi người dân sử dụng sản phẩm này để lợp nhà, cưa các tấm lợp, kể cả các tấm lợp hỏng do lũ lụt thì đều có thể phát tán ra môi trường. Người công nhân làm việc liên quan đến amiăng, bụi nó dính vào quần áo, khi đó đem về nhà giặt, các bụi đó cũng thấm qua. Hoặc khi sử dụng tấm lợp để hứng nước mưa cũng có thể amiăng vào đường tiêu hóa, dẫn đến các ung thư thanh quản, phổi.

Chính vì vậy, vô hình chung, các bệnh ung thư phổi, ung thư trung biểu mô… cũng có biểu hiện như các bệnh ung thư khác thôi, không có gì khác biệt. Do đó, khi người ta bị bệnh cũng không biết nguyên nhân do amiăng. Chỉ khi nghiên cứu mới có thể phát hiện ra. Còn bình thường, người ta chỉ nghĩ ung thư là tự có.

MC: Thưa TS Đỗ Quốc Quang, với tư cách là một nhà nghiên cứu, từ khi amiăng xuất hiện ở Việt Nam, các ông đã có khuyến cáo như thế nào đối việc xây dựng chính sách liên quan đến việc sử dụng amiăng đối với Chính phủ Việt Nam? 

TS Đỗ Quốc Quang: Nghiệp vụ của chúng tôi là sản xuất các thiết bị để từ các thiết bị đó sản xuất ra các tấm lợp. Ví dụ, trước đây là tấm lợp amiăng, gần đây là ác thiết bị sản xuất ra các tấm lợp không amiăng. 

Một trong những cảnh báo của chúng tôi trong một số hội nghị xin được nói tóm tắt thế này: Việc amiăng  có độc hay không độc đối với sức khỏe con người thì hiện vẫn đang còn tranh luận. Nhưng có những chỉ dấu cho thấy ta phải rất thận trọng và phải rất nghiêm túc nhìn nhận độc hại  của amiăng. Chỉ dấu đầu tiên là trên tất cả bao bì amiăng nhập vào Việt Nam (hiện nay chúng ta chủ yếu nhập vào Việt Nam  từ các nước Nga, Kazakhstan) đều có những cảnh báo ghi bằng tiếng Anh và tiếng Nga, với nội dung cảnh báo là ở trong có chứa amiăng; hít phải bụi amiăng thì nguy hiểm, có tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn, đặc biệt là nghiêm trọng hơn đối với người có hút thuốc lá. 


TS Đỗ Quốc Quang

Cảnh báo này rất đáng chú ý ở 2 khía cạnh: Thứ nhất, cảnh báo này không phải do chính phủ nước nào buộc phải in lên. Đó là do đích thân nhà sản xuất in lên. Chứng tỏ họ có ý thức về sản phẩm của họ là có thể gây hại cho sức khỏe. 

Thứ hai, cá nhân tôi và một số đồng nghiệp nghiên cứu nhận thấy, Nga và Kazakhstan có xuất khẩu vật liệu này, họ đã có nghiên cứu sâu và biết tác động ảnh hưởng, kể cả việc người hút thuốc lá mà hít phải bụi ami ăng thì nguy hiểm hơn những người không hút thuốc lá. Đó là chỉ dấu về cảnh báo độc hại của ami ăng mà chúng ta phải rất chú ý. 

Còn loại chỉ dấu thứ 2 có thể nhìn thấy rõ hơn. Ví dụ, trong năm 2014, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO và Giám đốc châu Á của ILO đều ký thư gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng, Việt Nam cần ngừng ngay việc sử dụng amiăng trắng trong sản xuất công nghiệp và sản xuất tấm lợp. 

Tức là sau 40 năm nghiên cứu, WHO và ILO đã đưa ra những cảnh báo rất quan trọng. Đó là những cảnh báo không thừa với Việt Nam.  

Ngoài ra, còn những chỉ dấu khác, như trong công nghiệp tàu thủy, Hiệp hội chủ tàu thế giới đã quy định, tất cả tàu đóng sau năm 2012, bắt buộc không sử dụng amiăng.  Nếu tìm thấy amiăng, họ có quyền phạt nhà đóng tàu. 

Từ những chỉ dấu đó, chúng tôi thấy, độc hại của amiăng khá lớn. Trên các hội thảo, trong các bài viết của mình, chúng tôi đều công bố các thông tin đó. 

MC: Theo ông, có phải chúng ta đang cân nhắc quá nhiều giữa sức khỏe của người sử dụng với quyền lợi của nhà sản xuất không, khi mà lộ trình dừng sử dụng loại vật liệu này cứ quanh co, từ mốc 2004, rồi lại là 2020?

TS Đỗ Quốc Quang: Tôi không dám quy kết, nhưng đây cũng là chỉ dấu thứ hai cho chúng ta thấy rằng, phải chăng chúng ta đã có phần nào không phải coi thường mà là coi nhẹ sức khỏe cộng đồng. Có thể do ý thức về việc amiăng có độc nhưng không chết ngay được.  Điều thứ hai, có thể do chưa nhìn thấy tầm ảnh hưởng lớn của amiăng.  

Tôi rất buồn là năm 2001, khi chúng tôi bắt đầu nghiên cứu vật liệu thay thế amiăng thì đã có lộ trình tới 2004 Việt Nam sẽ cấm hoàn toàn. Nhưng đến  bây giờ, sau 14 năm, lộ trình đó vẫn cứ trượt và chưa biết sẽ trượt đến bao giờ.

MC: Ông có tin tưởng mốc 2020 sẽ đạt được?

TS Đỗ Quốc Quang:  Trong tôi có 2 suy nghĩ: Tin tưởng, vì Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, năm 2014, vừa ký công văn 7307 và nói rất kiên quyết 2020 là thời hạn cuối cùng, không được sử dụng amiăng nữa. Tuy nhiên, suy nghĩ thứ 2 của tôi là, sau kinh nghiệm của 14 năm, tôi nghĩ nếu chúng ta không vào cuộc một cách kiên quyết thì chưa chắc lộ trình đến năm 2020 cớ thể thực hiện được.

MC: Thưa TS Trần Tuấn, với những ý kiến mà TS Quang đưa ra, ông có bổ sung vấn đề gì thêm?

TS Trần Tuấn:  Tôi nghĩ, bối cảnh bây giờ đã khác so với 10 năm về trước. Điểm thứ nhất, là sự vào cuộc của cộng đồng quốc tế mạnh mẽ hơn. Bằng chứng là ngày 5/8/2014, đại diện WHO và ILO đã cùng ký thư gửi thẳng Thủ tướng Việt Nam và các bộ liên quan để thể hiện rằng, Việt Nam cần cấm sử dụng amiăng, với mốc là 2020. Như thế, cũng đã cho ta một lộ trình đủ để điều chỉnh cả 1 hệ thống. 

Điểm thứ 2, ở trong nước, bây giờ vấn đề là hội nhập và toàn cầu hóa, chúng ta không thể đi ngược lại chiều hướng thời đại. Ví dụ, như TS Quang đã nói trong ngành công nghiệp tàu thủy, nếu giờ ta mà sử dụng các tàu có sử dụng vật liệu ami ăng thì lập tức khi tới bến cảng nào cũng sẽ bị phạt. Ví dụ vừa qua một số tàu đi tới cảng Amsterdam đã bị giữ tàu và phạt. 


TS Trần Tuấn

Điểm thứ 3, là kiến thức về amiăng cho người dân thấy amiăng tồn tại trong dạng vật liệu nào, đã được giới truyền thông vào cuộc mạnh và chuyển tải thông tin một cách rõ ràng. Nhận thức người dân đã bắt đầu tăng lên. Như thế, không còn nghi ngại gì việc năm 2020 không thể thực hiện được việc này. Nhất là năm 2015, Chính phủ đã kiên quyết hơn. Nếu như năm 2013, Việt Nam còn là 1 trong 7 nước phản đối việc đưa ami ăng trắng vào Phụ lục 3 của Công ước Rotterdam, thì năm vừa rồi, công văn 7307 do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký đã khẳng định từ 2-5/5/2015, Đại diện Bộ Công Thương sẽ đi dự hội nghị công ước này và chắc chắn Việt Nam sẽ phải đứng vào hàng ngũ các quốc gia đồng thuận đưa ami ăng trắng vào Phụ lục 3 Công ước Rotterdam để kiểm soát thương mại quốc tế, tiến tới hoàn thiện mốc cấm vào năm 2020.

MC: Thưa ông Nguyễn Mạnh Hùng, như ông nói, đến nay Hiệp hội chưa nhận được đơn khiếu nại nào từ người tiêu dùng liên quan đến amiăng trắng. Như TS Tuấn vừa chia sẻ, đa phần người dân sử dụng vật liệu có amiăng trắng lại ở vùng sâu, xa. Trước thực trạng này, Hiệp hội của ông sẽ có tiếng nói như thế nào đóng góp vào việc phản đối sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam được mạnh mẽ hơn?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Sở dĩ người dân chưa có khiếu nại nào liên quan là do người ta chưa có thông tin. Năm vừa qua, nhiều cuộc hội thảo liên tiếp được tổ chức bởi Bộ Y tế, Bộ KHCN, Bộ Công Thương, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam... bản thân chúng tôi cũng phối hợp với các tổ chức để hội thảo. Sau đó, báo chí vào cuộc đăng tải rất nhiều thông tin liên quan đến amiăng. Dần dần, những thông tin này người dân đã nắm được. Đây là điều rất đáng mừng. Vì trước hết, người dân, tạm gọi là nạn nhân, chịu hậu quả việc dùng amiăng mà không biết, không ý thức được nó nguy hại đến mức nào, thậm chí có nói ung thư thì cũng không biết nguyên nhân từ đâu. Đây là điều đáng tiếc.

Tôi tin rằng, xu thế thế giới, Việt Nam cũng không thể cưỡng lại được. Ngay cả khách du lịch sang Việt Nam họ còn từ chối khu vực có tấm lợp amiăng... Thực ra, người dân không biết là dùng tấm lợp amiăng là nguy hiểm. Ngay cả việc hứng nước mưa bằng tấm lợp này là rất nguy hiểm. Nhưng chẳng qua người dân không biết, còn nếu biết, họ cũng sẽ không làm thế. Tức là, khi có thông tin tới người dân, họ sẽ không dùng loại vật liệu này nữa. Khi đó, nếu sản xuất không chủ động chuyển hướng sang sản xuất mặt hàng không có amiăng thì sản phẩm cũng sẽ không tiêu thụ được. 

Lộ trình đến năm 2020 không sử dụng amiăng tại Việt Nam thì tôi cũng tin tưởng có thể làm được. Tất nhiên, phải có biện pháp cụ thể, còn nếu không sẽ lại dẫm chân tại chỗ như trước. Tức là có lộ trình thực hiện thì phải có giám sát, kiểm tra thực hiện nghiêm túc.

TS Trần Tuấn: Cho tôi thêm ý kiến về vấn đề này. Về phía hội bảo vệ người tiêu dùng, tôi kiến nghị tới ông Hùng thế này: Có lẽ Hội cũng nên có kiến nghị chính thức trong vấn đề về chương trình giảm nghèo cho đồng bào dân tộc miền núi, chương trình nông thôn mới... cần nhìn nhận rằng, hỗ trợ xây dựng nhà cửa phải theo sự bền vững, đó là giữ được cảnh quan sinh thái. Nếu sử dụng tấm lợp có chứa amiăng thì không đảm bảo được điều đó. Cho nên, không nên trợ giá cho loại vật liệu này qua hình thức bán giá rẻ, hoặc không hỗ trợ cho người dân bằng cách cấp tấm lợp này miễn phí nữa.

Hiệp hội cũng nên vận động các doanh nghiệp, nhà hỗ trợ phát triển hỗ trợ đồng bào tạo ra nguồn an sinh thông qua việc giữ gìn cảnh quan của mình. Có thể tạo quỹ để người dân có thể được hỗ trợ sửa chữa nhà cửa không dùng tấm lợp có chứa amiăng nữa, thay thế nó bằng các vật liệu xây dựng truyền thống.

Theo tôi, nếu làm được việc này, tạo ra được cảnh quan truyền thống. Đơn cử, lên Sapa mà thấy ruộng bậc thang, nhà truyền thống lợp mái bằng lá cọ... chắc chắc khách du lịch sẽ thích. Mà nếu làm chi tiết, các mạnh thường quân trong nước cũng có thể ủng hộ được. Vì việc làm này tạo nguồn thu về du lịch, phát triển bền vững. 

MC: Thưa ông Đỗ Quốc Quang, theo cảm nhận của ông, liệu các doanh nghiệp đã thực sự tham gia vào việc này chưa, hay họ vẫn đang nghe ngóng, xem xét nếu thấy mình có lợi ở đó thì họ vẫn tiến hành sản xuất?

TS Đỗ Quốc Quang: Thực ra, các nhà sản xuất tấm lợp của Việt Nam, theo thống kê có 41 đơn vị, họ đều hiểu amiăng là chất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nhưng người ta rất nhạy cảm với các thông tin về sự ảnh hưởng của sản phẩm.

Tất cả 41 nhà sản xuất này không ai ghi rằng, “xuất tấm lợp amiăng xi măng” mà họ ghi là “sản xuất tấm lợp AC”, đây là cách tránh trực tiếp dùng từ amiăng. Nhưng cũng phải nói thật, không riêng nhà sản xuất tấm lợp, mà cả các nhà sản xuất khác đều trông vào chính sách của Chính phủ. Nếu Chính phủ làm căng thì họ sẽ chuyển hướng. Còn Chính phủ vẫn từ từ thì họ cũng cứ đợi đã.

Bản thân tôi có nhiều bạn bè làm trong lĩnh vực sản xuất tấm lợp nên biết rõ, phần lớn doanh nghiệp là khó khăn, ít người có của ăn của để vì hàng này nó rẻ. Khi họ đã đầu tư vào, họ ngại chuyển đổi. Tuy nhiên, từ 2014 đến nay, có sự phân hóa rất rõ. Có một số anh em đã mời chúng tôi tư vấn để chuyển sang sản xuất tấm lợp không có amiăng.

Tuy nhiên, hiện giá tấm lợp không có amiăng thì cao hơn khoảng 20%. Việc bán tấm lợp loại mới này không dễ. Bản thân doanh nghiệp có công nghệ, thiết bị sản xuất tấm lợp mới này cũng chỉ làm khoảng dưới 10% công suất.

Tóm lại, các nhà sản xuất tấm lợp rất quan tâm đến amiăng, nhưng họ nhìn vào cây gậy chỉ huy của Chính phủ.

TS Nguyễn Thị Hồng Tú: Tôi xin bổ sung thêm. Ngay từ những năm 2001, Chính phủ đã chỉ đạo 2004 sẽ cấm sử dụng amiăng. Tuy nhiên, thống kê lại thì thấy, trước 2001 chỉ có 13 tỉnh có cơ sở sản xuất amiăng, đến 2004 có 16 tỉnh, đến 2005 đã là 19 tỉnh. Về cơ sở sản xuất cũng có tăng thêm dây chuyền sản xuất.

Tức là, mặc dù Chính phủ để thể hiện chỉ đạo việc không mở rộng sản xuất, nhưng trong thực tế lại ngược lại hết. Rõ ràng, không có việc thanh kiểm tra chặt chẽ của các cơ quan thì khó thực hiện nghiêm.

TS Trần Tuấn: Theo tôi, vấn đề nằm ở chỗ kiểm tra, giám sát. Kể cả có chế tài rồi mà chỉ kiểm tra kiểu nội bộ, ví dụ Bộ Xây dựng lại kiểm tra các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, thì không giải quyết vấn đề gì.

Chúng tôi nghĩ rằng, trong trường hợp này, Mặt trận Tổ quốc phải phát huy vai trò phản biện độc lập, và các cơ sở khoa học kỹ thuật độc lập cũng phải phản biện.

Để thực hiện được mục tiêu năm 2020, thời gian tới, phải đẩy rất mạnh vai trò giám sát, đánh giá, phản biện độc lập của MTTQ và các tổ chức KHKT độc lập.

MC: Tôi nghĩ vấn đề này cần sự phối hợp liên ngành, cần một quyết tâm chính trị.

Thưa quý vị, Tọa đàm của chúng ta đã và đang nhận được nhiều câu hỏi của độc giả. Chúng ta sẽ dành một chút thời gian nghe ý kiến và giải đáp thắc mắc của độc giả. Trước hết, một độc giả có địa chỉ email: le.hoangoanh@gmail.com hỏi: Những thông tin mà các vị vừa chia sẻ cho thấy, Việt Nam cũng đang tìm cách dần loại bỏ amiăng trắng ra khỏi đời sống xã hội. Vậy trong thực tế, đã có những nghiên cứu, khảo sát nào về tác hại của amiăng trắng đối với con người ở Việt Nam chưa? Và nếu có, những biểu hiện tác hại đó là gì?

Câu hỏi này xin được dành cho TS Nguyễn Thị Hồng Tú,

TS Nguyễn Thị Hồng Tú: Bộ Y tế, được hỗ trợ của WHO và các tổ chức khoa học khác, đã cố gắng cùng nghiên cứu về amiăng. Thực ra nghiên cứu về ung thư đã khó, nghiên cứu về amiăng còn khó hơn. Nó cần các thiết bị, con người để tập huấn bài bản và công nghệ chuyên sâu mới có thể tìm được mối liên quan amiăng và ung thư. Trong những năm gần đây, Bộ Y tế đã cùng các chuyên gia Nhật Bản đã nghiên cứu và khẳng định trên 80% ung thư trên biểu mô liên quan đến amiăng có ở Việt Nam, và hằng năm tỷ lệ này có gia tăng.

Bộ Y tế phối hợp với các tổ chức quốc tế đã được giao nghiên cứu cùng Bộ KHCN tìm các ảnh hưởng tới cộng đồng và môi trường của amiăng, để loại trừ amiăng. Các trung tâm ung thư của Bộ Y tế tiếp tục ghi nhận các trường hợp ung thư, đặc biệt là những người tiếp xúc với amiăng.

Bộ Y tế cũng đã cử cán bộ y tế đến Nhật Bản, Úc để học tập để phát hiện sớm ung thư liên quan đến amiăng.

TS Trần Tuấn: Lập luận lâu nay mọi người cho rằng, phải có bằng chứng về tác hại thì mới phòng chống là loại lập luận được chúng tôi gọi là giới vụ lợi amiăng.

Tôi được biết, tới đây, tại hội nghị về Công ước Rotterdam tại Geneve có nêu khẩu hiệu: Nếu amiăng trắng đã giết hại công nhân các nước Âu, Mỹ thì không có lý gì lại không giết hại công nhân, người dân ở các nước châu Á, Phi, Nam Mỹ.

MC: Thưa quý khán giả, thưa các vị khách mời! Chúng ta sẽ tiếp tục dành thời gian cho một số câu hỏi của độc giả gửi về chương trình.

Một độc giả khác có địa chỉ email là lethuyquynh@gmail.com gửi câu hỏi cho chương trình với thắc mắc: Chúng tôi cũng đã có nghe bàn nhiều về amiăng, nhưng chỗ này bảo độc, chỗ kia lại bảo không. Vậy xin các vị khách mời của tọa đàm này cho biết, tấm lợp fibro xi măng được làm từ amiăng thì có độc hại không? Chúng tôi có nên sử dụng nữa không?

Vâng, độc giả này đề cập cụ thể đến một trường hợp rất cụ thể về sản phẩm từ amiăng. Xin các vị khách mời cho ý kiến:

Mời TS Đỗ Quốc Quang,

TS Đỗ Quốc Quang: Trong tấm lợp này có chứa khoảng 10% chất amiăng, như thế là khá cao. Cho nên khả năng amiăng có thể phát tán ra trong quá trình sử dụng do bể vỡ... và ra môi trường. Câu chuyện amiăng có độc hay không, từ đầu tọa đàm đã nói, nhiều tổ chức như WHO, ILO đã khẳng định amiăng trắng gây độc hại cho con người.

MC: Một câu hỏi gửi tới đích danh ông Nguyễn Mạnh Hùng thế này: Thưa ông Hùng, là đại diện của Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Khi có thông tin về độc hại của amiăng trắng, ông và tổ chức của ông đã có hành động gì thiết thực để bảo vệ người tiêu dùng chưa? Xin ông cho biết, người dân cần phải làm gì khi mà rất nhiều thông tin trái chiều về amiăng?

Đây là câu hỏi của độc giả Lê Thanh Bình, tại Hoàng Mai, Hà Nội, gửi đến chương trình từ địa chỉ: binh_le@yahoo.com.vn

Vâng, xin mời ông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời độc giả Lê Thanh Bình.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Chúng tôi đã làm hết khả năng của mình trong phạm vi trách nhiệm luật pháp cho phép. Cụ thể, chúng tôi thể hiện tiếng nói đại diện người tiêu dùng trong nhiều hội thảo do WHO, Bộ Y tế, Bộ KHCN tổ chức. Tôi đã dựa vào các quyền của người tiêu dùng đã được Luật bảo vệ người tiêu dùng khẳng định, như quyền quyền được an toàn, quyền được thông tin, quyền được lựa chọn... đưa ra khiến nghị cụ thể. Đó là các nhà sản xuất vật liệu xâu dựng nhanh chóng chuyển đổi, đưa ra vật liệu thay thế amiang, hạ giá thành sản phẩm thay thế.

Tôi cũng đã kiến nghị là người tiêu dùng được quyền được thông tin. Vì thực tế hiện nay, trên các tấm lợp không hề có cảnh báo, trong khi nó chiếm 10% amiăng. Nhiều nước đã có quy định rất nghiêm ngặt về việc sử dụng tấm lợp có amiăng. Còn ở nước ta, ví dụ ngay tại trung tâm Hà Nội, vụ nổ bình gas tại phố Lạc Long Quân, có mái lợp bằng fibro xi măng, đương nhiên tấm lợp khô như vậy khi vụ nổ gây vỡ thì bụi amiang, sợi amiang phát tán ra môi trường rõ ràng gây ảnh hưởng môi trường và có thể gây độc hại cho người khác. Trong khi đó, các bao nguyên liệu nhập về (hiện nay ta chủ yếu nhập từ Nga) thì theo quan sát của chúng tôi tại các nhà máy cho thấy, đây là thứ hóa chất độc hại cho sức khỏe. Khi làm ra sản phẩm, theo Luật bảo vệ người tiêu dùng, đối với những sản phẩm độc hại thì phải ghi cảnh báo, và phải hướng dẫn sử dụng. Nhưng khi chúng tôi đi kiểm tra thì không hề thấy tấm fibro xi măng nào có ghi cảnh báo độc hại cũng như hướng dẫn sử dụng. Bởi vì quá trình đưa lên lợp mái thì phải khoan, bụi sẽ bay ra, vậy cần hướng dẫn họ sử dụng như thế nào, chưa kể là khi đã đến giai đoạn phải thay, nó thành phế liệu rồi. 

Mỗi năm Việt Nam nhập 65.000 -70.000 tấn, mà ta dùng 20-25 năm nay, vậy phế thải lên đến hàng triệu tấn. Vấn đề là xử lý nó như thế nào? Quan sát nhiều nơi, kể cả tại Hà Nội, những tấm mảnh fibro xi măng thải ra còn vứt lung tung, thậm chí ở nông thôn còn đưa ra lát đường. Khi đó, bụi của nó sẽ như thế nào? Đây là một vấn đề. 

Tôi nghĩ, hiệu quả hơn là phải từ Bộ LĐTBXH, Bộ hiểu biết về độc hại này, Bộ phải có ý thức được rằng, hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo, nhưng bảo vệ sức khỏe cho họ phải được đặt lên hàng đầu. Nếu vẫn tiếp tục đưa sản phẩm nào vào cho đồng bào thì không được. Tức là Bộ này phải chủ động hành động, không thể ngồi chờ chúng tôi có ý kiến nữa.

MC: Thưa bà Hồng Tú, bà có thấy đồng bào gặp khó khăn trong chuyển đổi vật liệu thay thế amiăng?

TS Nguyễn Thị Hồng Tú: Không chỉ ở Việt Nam mà các nước trong khu vực châu Á gặp nhiều khó khăn trong việc thay thế trong thời gian ngắn, vì trong cộng đồng còn sử dụng rất nhiều tấm lợp amiăng, nhất là sản phẩm thay thế chưa nhiều.

WHO kêu gọi các quốc gia đưa ra chương trình hành động để loại bỏ amiăng dần dần; khuyến cáo nếu người dân đang sử dụng thì không được đập vỡ, nếu có mảnh vỡ thì gom lại và báo cho cơ quan bảo vệ môi trường, đặc biệt không sử dụng lát chuồng trâu bò, lát đường đi, hứng nước mưa…

Bộ Y tế cũng phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng chương trình làm sao loại bỏ được amiăng. Chính phủ đặt ra lộ trình năm 2020 dừng hẳn, vậy thì hằng năm cần có kế hoạch loại 20% amiăng nhập khẩu. Bộ Công Thương phải đưa ami ăng vào danh mục kiểm soát nghiêm ngặt, còn hiện tại nó vẫn trôi nổi, chưa có danh mục quản lý.

Bộ Y tế cũng cần nghiên cứu, đào tạo cán bộ y tế để có thể chẩn đoán và phát hiện sớm mối liên quan giữa amiăng và bệnh tật.

MC: Thưa TS Đỗ Quốc Quang: Ông là người hiểu tâm tư của doanh nghiệp và người dân trong việc sử dụng amiăng, ông có cảm nhận như thế nào về khó khăn khi họ phải chuyển đổi vật liệu mới?

TS Đỗ Quốc Quang: Tôi đứng về phía người dân. Tấm lợp fibro xi măng rất ít được dùng ở thành phố, chủ yếu ở nông thôn. Bà con có điều kiện khó khăn. Trước đây Chương trình 135 đã trang bị cho bà con mái nhà. Thực ra, cả nhà tài sản giá trị nhất là mái fibro xi măng. Nay du biết độc hại không thể sớm thay thế ngay được. Nhưng chúng ta không thể dựa vào việc vì đồng bào nghèo nên phải chịu độc hại.

Bài toán này xã hội phải giải. Chính phủ có thể đứng ra chủ trì hoặc có ý kiến huy động lực lượng, còn các nguồn lực khác vào giúp bà con. Nếu bà con đã nghèo, sức khỏe kém mà sống trong môi trường kề cận chất độc hại thì tính nhân đạo là chưa đạt yêu cầu.

Còn ở nông thôn, dù có tiền cũng không dễ thay mái nhà. Cần có sự chia sẻ thông tin, động viên họ.

Còn với doanh nghiệp, họ có 2 vai trò. Thứ nhất, khi bắt buộc họ sử dụng vật liệu có chất độc hại thì bản thân họ cũng không muốn. Thứ hai, việc thay thế vật liệu cũng không thể một sớm một chiều. Ở Việt Nam, rất mừng là chúng ta đã có công nghệ, thiết bị có thể làm được để chuyển đổi sản xuất tấm lợp không dùng amiăng. Có thông tin không chính xác rằng, để chuyển đối dây chuyền sản xuất cần vài triệu USD. Tôi khẳng định, tại Việt Nam, một dây chuyền sản xuất tấm lợp có amiăng, chỉ cần thêm phần kinh phí nhỏ (20-30% giá trị dây chuyền) là có thể chuyển đổi được.

Tuy nhiên, nếu không có “nhạc trưởng” là nhà nước thì quá trình này vẫn chỉ dừng tại đây thôi! Chính phủ mới là người quyết định thành hay bại lộ trình loại bỏ amiăng vào 2020.

MC: Về phía người sử dụng, xin ông Quang cho biết thêm, tuổi thọ của tấm lợp fibro xi măng? Từ khi cấm sản xuất đến 2020 phải dừng hẳn, liệu tác động của amiăng đã chấm dứt hay chưa?

TS Đỗ Quốc Quang: 5 năm nữa là khoảng thời gian không dài so với mấy chục năm chúng ta đã dùng amiăng. Không kỳ vọng sau 5 năm nữa, tất cả mái nhà có fibro xi măng sẽ được thay thế. Nhưng chúng ta đang có lợi thế, vì đã có nhiều vật liệu thay thế mà trong nước sản xuất được.

Còn về tác hại của amiăng phế thải còn lại sau thay thế thì cần nhìn nhận rất nghiêm túc.

Tôi biết chính xác là tháng 5 năm nay, Hàn Quốc sẽ có đoàn sang Việt Nam tìm hiểu xem Việt Nam xử lý phế thải amiăng thế nào. Đây là vấn đề Việt Nam và Hàn Quốc đều chưa làm. Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu tấm lợp không chứa amiăng sang Hàn Quốc.

TS Nguyễn Thị Hồng Tú: Dù chúng ta hiện nay sẽ không sử dụng tấm lợp có chứa amiăng nữa, nhưng hậu quả của nó đối với sức khỏe là rất to lớn. Nó còn kéo dài trong vài chục năm nữa. Ví dụ, châu Âu đã cấm từ 1980, nhưng đến nay các ca ung thư biểu mô liên quan amiăng vẫn gia tăng.

Bây giờ ngừng sử dụng amiăng chính là để bảo vệ con cháu chúng ta trong tương lai, không phải bảo vệ chúng ta ngay.

TS Trần Tuấn: Âu châu bao giờ cũng đi trước ta, những bài học của họ ta nên học. Họ đa tính lợi ích của việc sử dụng vật liệu amiăng là khoảng 800 triệu USD/năm, nhưng chi phí giải quyết vấn đề bật tật do nó gây ra tốn khoảng 2,4 tỷ USD, chưa kể vấn đề về môi trường. Do đó, việc ngừng sử dụng amiăng trắng mới là giải pháp tiết kiệm nhất.

Việt Nam còn lăn tăn việc cấm thì mái lợp của người dân nghèo lấy gì thay thế. Theo tôi, đây là lo có tính chất duy ý chí. Bởi vì, trước khi có tấm lợp fibro xi măng, chẳng lẽ người dân ta không lợp nhà? Xu hướng hiện nay đang quay lại mái nhà vật liệu truyền thống. Hơn nữa, tuổi thọ lợp fibro cũng chỉ 10-15 năm, còn mái lá cọ cũng tuổi thọ tương tự nhưng phế thải của nó còn có thể làm chất đốt, có ích, không hại môi trường.

Hãy dũng cảm nói không với amiăng vì quyền lợi sức khỏe, kinh tế, môi trường.

MC: Khi các vị đề cập đến việc thay thế amiăng hiện nay, đặc biệt là tư vấn chính sách, đã có lường trước rằng, liệu 10-20 năm nữa, ta có lặp lại bài toán đối với vật liệu thay thế như với amiăng?

TS Đỗ Quốc Quang: Không phải chỉ có 1 vật liệu thay thế amiăng, giờ có nhiều vật liệu khác.

TS Trần Tuấn: Mỗi nước có nền văn hóa khác nhau. Trong xu thế hiện nay, thế giới đang quay về phát triển sinh thái. Vật liệu truyền thống đang được dùng trở lại để hướng tới phát triển bền vững, thân thiện môi trường, bảo vệ sinh thái. Có thể vài năm nữa, người quay lại với lá dừa, lá cọ.... không dùng mái tôn nữa... Nếu biết amiăng độc hại, cần nhanh chóng chấm dứt sử dụng nó.

MC: Bản thân Công văn 7307 của Văn phòng Chính phủ cũng đã thể hiện rõ quan điểm của Chính phủ Việt Nam là không phản đối đưa amiăng trắng vào phụ lục 3 Của công ước Rotterdam.

Xin được hỏi các vị khách mời, ý nghĩa của Công ước Rotterdam trong vấn đề này là gì? Thực thi công ước này sẽ có tác động gì tới Việt Nam không?

Xin mời TS Trần Tuấn, đến từ  Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo và phát triển cộng đồng, có những giải thích cụ thể hơn.

TS Trần Tuấn: Công ước này cùng 3 công ước khác tập trung vào quản lý hóa chất độc hại và ảnh hưởng của nó trong vấn đề thương mại từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, gồm cả vấn đề vận chuyển rác thải.

Liên quan đến amiăng, có Công ước Rotterdam quy định về xuất sản phẩm có hóa chất độc hài từ nước phát triển đang phát triển, trong đó đang vận động đưa amiăng trắng vào danh mục này. Nếu thành công, lợi ích đưa lại của công ước này là nhằm vào chính các nước nhập khẩu có thông tin đầy đủ và tác hại của amiăng. Các quốc gia chào mời sản phẩm này phải công bố đủ thông tin về nó. Điều đó làm quá trình nhập khẩu sản phẩm này được kiểm soát nghiêm ngặt. Đó là quá trình minh bạch hóa quá trình sử dụng vật liệu có chất độc hại này.

Nếu Việt Nam ủng hộ quan điểm này thì rất đúng đắn. Hiện có 143 nước không phản đối, có 7 quốc gia phản đối, trong đó có Việt Nam. Đến năm 2015, Việt Nam đã không phản đối.

TS Đỗ Quốc Quang: Không phản đối đã thể hiện một quyết tâm chính trị của Việt Nam. Đây là vấn đề rất mới, mới chỉ được xới lên từ 2014. Cần chờ để có thể chuyển giai đoạn tiếp theo.

MC: Theo lộ trình, đến năm 2020, Việt Nam sẽ dừng sử dụng amiăng trắng. Đến thời điểm này, vẫn còn không ít thông tin đa chiều về amiăng trắng. Xin hỏi các vị khách mời, muốn tìm hiểu thông tin về amiăng, người dân có thể tìm ở đâu? Các vị có lời khuyên gì với người dân trong việc cùng với Chính phủ nỗ lực thực hiện lộ trình dừng sử dụng amiang trắng vào năm 2020?

Xin mời các vị chia sẻ,

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Việc đưa thông tin đến người dân là vô cùng quan trọng. Không ai khác, vì thiếu thông tin mà người dân mới sử dụng nó vô tư. Thông tin cần đến được người dân theo luật.

Nói về sức khỏe, thông tin phải đến từ nguồn chính thống là cơ quan y tế. Và cả cơ quan khoa học từ Bộ KHCN, Liên hiệp hội KHKT. Còn thông tin từ các nhà sản xuất sẽ kém khách quan. Hội chúng tôi cũng luôn đứng ra bảo vệ người tiêu dùng và sẵn sàng chia sẻ.

TS Nguyễn Thị Hồng Tú: Trên website của Bộ Y tế có thông tin về amiăng. Dự kiến trong tháng 5/2015 sẽ có website riêng chuyên thông tin về amiăng. Đó là những nguồn thông tin cập nhật, hữu ích cho người dân, kể cả giải đáp thắc mắc cho người dân.

TS Trần Tuấn: Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam có trung tâm thông tin NGOIC. Tại đây đang điều hành nhóm vận động cấm sử dụng amiăng ở Việt Nam. Các thông tin về tác hại của amiăng, khuyến cáo của WHO, ILO, các kinh nghiệm vận động loại bỏ amiăng trên thế giới đều được tập hợp ở đây. Đó là những thông tin chính thống, đúng, khoa học, dễ tiếp cận cho người dân.

Hiện tại trên internet có nhiều thông tin lệch lạc về amiăng. Từ 2001-2014, có tình trạng can thiệp bóp méo thông tin để làm cản trở lộ trình loại bỏ amiăng ở Việt Nam như Chính phủ đề ra.

MC: Thưa quý vị, Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm đến năm 2020 sẽ dừng sử dụng vật liệu này trong xây dựng tại Việt Nam. Hy vọng những thông tin từ tọa đàm này phần nào giúp mọi người hiểu rõ hơn về tác động của amiang trắng đối với xã hội và gợi ý cách ứng xử  của chúng ta với loại vật liệu này.

Tọa đàm xin được khép lại tại đây. Xin trân trọng cảm ơn quý vị đã tham gia và theo dõi tọa đàm.

Theo dõi clip cuộc tọa đàm trực tuyến:


** Sau khi kết thúc cuộc tọa đàm trực tuyến VOV.VN đã nhận được nhiều câu hỏi của độc giả. Chúng tôi xin cập nhật giải đáp cho độc giải của TS Đỗ Quốc Quang:
- Độc giả Bảo Chung (chungbaobt@gmail.com): Thông tin Amiang gây ung thư trên người được báo chí đưa rất nhiều thời gian gần đây. Nhưng nó gây bệnh theo  cơ chế như thế nào thì thông tin lại quá ít? Các chuyên gia có thể cho chúng tôi được biết?

TS Đỗ Quốc Quang: Theo các kết quả nghiên cứu khoa học đã được công bố, cơ chế gây ung thư của Amiăng bao gồm cả cơ chế hóa học và cơ học, trong đó cơ chế cơ học được đánh giá là nguy hiểm hơn.
Cơ chế đó như sau: Amiăng là khoáng vật dạng sợi có khả năng phân tách thành những sợi rất mảnh, tới cỡ micromet (1 micromet bằng 1/1000mm) hoặc nhỏ hơn. Các sợi cực mảnh này có thể dễ dàng vượt qua hàng rào bảo vệ của hệ thống hô hấp và thâm nhập vào phổi, gây ra các vi tổn thương và kích hoạt các cơ chế gây nên các bệnh phổi như bệnh bụi phổi amiăng (asbestosis, ung thư phổi…) và nguy cơ tăng lên đối với những người có tiếp xúc với amiăng có hút thuốc lá. Do đó, hầu như các loại khẩu trang thông thường đều không ngăn chặn được amiăng thâm nhập vào cơ quan hô hấp.
Cơ chế gây ra các bênh ung thư khác (ung thư trung biểu mô, ung thư buồng trứng…) phức tạp hơn và it thấy được mối liên hệ trực tiếp hơn nhưng qua các nghiên cứu thống kê, đã chứng minh có mối liên hệ không thể phủ nhận ở các bệnh nhân có tiền sử phơi nhiễm amiăng.
Các nhà sản xuất amiăng cũng  đã ghi các cảnh báo về mối nguy hiểm với sức khỏe con người lên các bao bì chứa amiăng nhập khẩu vào Việt Nam (khoảng 1,5 triệu bao/năm) bằng tiếng Anh và tiếng Nga.
Cũng nên lưu ý là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo rằng không có ngưỡng an toàn nào khi ta tiếp xúc với amiăng.

Nguyễn Hoàng (Hoangnx@gmail.com): Tum phơi  quần áo tầng 3 nhà tôi lợp tấm fibroximang. Xin hỏi các chuyên gia nó có ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người trong gia đình?
TS Đỗ Quốc Quang: Trong tấm lợp fibroximang có chứa khoảng 10% sợi amiăng. Nếu không bị bể vỡ thì nguy cơ gây phơi nhiễm amiăng cho người sử dụng là thấp.
Tuy nhiên cần thận trọng và lưu ý:
Tuyệt đối không hứng nước mưa từ mái fibroximang này để sử dụng trong sinh hoạt.
Tránh để trẻ nhỏ, người già yếu tiếp xúc trực tiếp với mái fibroximang.
Nếu mái fibroximang không may bị bể vỡ phải thận trọng thu gọn vào một chỗ, tránh để phát tán ra môi trường. 
Cân nhắc thay thế mái fibroximang bằng loại vật liệu lợp khác không chứa amiăng nếu có điều kiện.
  TrangTrung0102@yahoo.com: Quê tôi ở vùng trung du, hầu như nhà nào cũng dùng tấp lợp fibroximang. Xin hỏi amiang ảnh hưởng trực tiếp dến sức khỏe người trong gia đình dùng tấm lợp này và phát tán ra môi trường như thế nào?
TS Đỗ Quốc Quang: Amiăng đã được chứng minh là gây ra các bệnh khá nghiêm trọng cho con người như bệnh bụi phổi amiăng (asbestosis), ung thư phổi, ung thư trung biểu mô, ung thư buồng trứng…Thời gian ủ bệnh kể từ khi phơi nhiễm amiăng khá dài, tới hàng chục năm.
Nguy cơ lớn nhất ảnh hưởng đến sức khỏe là những công nhân khai thác mỏ amiăng hoặc sản xuất các vật liệu có chứa amiăng (sản xuất tấm lợp, má phanh xe máy, ôtô….). Người sử dụng các sản phẩm có chứa amiăng cũng có khả năng bị ảnh hưởng nhưng ở mức độ thấp hơn. Trẻ em và người già yếu sẽ dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe hơn người khỏe mạnh.
Amiăng trongcác tấm lợp fibroximang có thể phát tán ra môi trường trong các trường hợp sau:
Khi lắp đặt tấm lợp có cắt, khoan lỗ để bắt lên mái nhà có thể phát sinh ra bụi.
Quá trình sử dụng do tác động của thời tiết tấm lợp bị bể vỡ, nếu mang ra sử dụng vào những việc như trải đường, vá ổ gà... phương tiện giao thông đi lên làm vỡ vụn thành bụi, nếu con người hít phải sẽ bị phơi nhiễm amiăng.
Một phần rất nhỏ sợi amiăng từ tấm fibroximang có thể đi vào nước mưa chảy qua mái nhà. Nếu hứng nước mưa từ mái fibroximang để dung cho sinh hoạt (ăn uống, tắm giặt …) thì cũng có thể bị phơi nhiễm amiăng.    
-  Nguyen011@gmail.comTôi đọc trên mạng thấy nói rằng đến 80% trường hợp u trung biểu mô là do amiang? Con số này có chính xác không?
TS Đỗ Quốc Quang: Con số này là chính xác, đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức công bố.

Có phải tất cả các loại amiang đều gây ung thư? 
TS Đỗ Quốc Quang: Đúng là tất cả các loại amiăng đều gây ra ung thư, vấn đề này đã được Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WTO) chính thức khẳng định sau một thời gian dài nghiên cứu thận trọng.
Trong Tạp chí chuyên đề số 100C của IARC năm 2012 đã nêu: ”mặc dù có sự khác biệt về mức độ độc hại trong các nghiên cứu của nhiều tác giả được công bố, nhưng kết luận chung là tất cả các loại amiăng, bao gồm cả amiăng trắng, đều gây ung thư”. 

 Đa số người dân quê tôi không được thông tin đầy đủ về tác hại của amiăng tới sức khoẻ. Thậm chí chẳng ai biết  amiăng có trong tấm lợp fibroximang? Xin hỏi các chuyên gia trách nhiệm này thuộc về ai?
TS Đỗ Quốc Quang: Amiăng sử dụng trong sản xuất tấm lợp là amiăng trắng, mặc dù đã được nhận diện từ khá lâu là có tác hại đến sức khỏe, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người nhưng vẫn còn có ý kiến  cho rằng amiăng nâu và xanh mới nguy hiểm, amiăng trắng vẫn an toàn. Ý kiến này chủ yếu là từ 6 nước sản xuất và xuất khẩu amiăng.
Chỉ mới gần đây – năm 2012 - Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WTO) mới chính thức khẳng định “tất cả các loại amiăng, bao gồm cả amiăng trắng, đều gây ung thư”. Do đây là một vấn đề vẫn còn các ý kiến trái chiều ( chủ yếu về thời hạn ngừng sử dụng amiăng) ngay cả trong các Bộ ngành quản lý nhà nước nên thật đáng tiếc là việc thông tin tới người dân chưa được đầy đủ và nhất quán.
Các tấm lợp fibroximang được sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4434:2000 có chứa khoảng 10% amiăng. Tuy nhiên, các nhà sản xuất thường gọi là “tấm AC” do họ sử dụng tên tắt tiếng Anh: Asbestos Cement (tiếng Anh amiăng gọi là Asbestos) để tránh dùng từ tấm lợp amiăng nên người dân cũng khó biết trong tấm fibroximang có chứa amiăng.
Hiện nay Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cùng một số tổ chức phi chính phủ của Việt Nam và quốc tế đang kiến nghị lên chính phủ cần phải ghi nhãn “có chứa amiăng” lên các sản phẩm có chứa chất này để người tiêu dùng nhận diện sản phẩm. Kiến nghị này hoàn toàn hợp lý và đúng luật nhưng có thực hiện được hay không còn tùy thuộc vào quyết định của các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước.  
Nhận thức được vấn đề amiăng là chất gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người nên năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra kế hoạch xây dựng lộ trình chấm dứt việc sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp vào năm 2020. Mặt khác, Việt Nam cũng sẽ không phản đối việc đưa amiăng vào danh mục các hóa chất độc hại (Phụ lục 3) tại Hội nghị lần thứ 7 Công ước Rotterdam họp tại Thụy Sĩ vào tháng 5 năm nay. Do đó, chúng ta có thể hy vọng vấn đề sử dụng amiăng tại Việt Nam sẽ sớm được giải quyết dứt điểm.

-    Xin hỏi hiện nay đã có chiến lược thay thế amiăng bằng vật liệu khác?
TS Đỗ Quốc Quang: Việt Nam đã thành công trong việc sản xuất tấm lợp không sử dụng amiăng trên qui mô công nghiệp. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu các loại tấm lợp không sử dụng amiăng sang thị trường Hàn Quốc, Ấn Độ, Ai Cập …từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, do giá của loại sản phẩm này hiện còn cao hơn tấm lợp amiăng khoảng 20 – 30% nên tiêu thụ trong nước còn chậm.
Năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã giao cho Bộ Xây dựng xây dựng lộ trình đẻ tiến tới ngừng sử dụng amiăng trong sản xuất tấm lợp vào năm 2020 nên chiến lược như bạn hỏi sẽ tùy thuộc vào kế hoạch cụ thể của Bộ Xây dựng.  

Nhiều doanh nghiệp lớn đang tìm cách thoát amiang. Tuy nhiều những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ở quê tôi vẫn chưa có thông tin gì. Xin các chuyên gia lời khuyên?
TS Đỗ Quốc Quang: Công nghệ sản xuất tấm lợp không sử dụng amiăng do các nhà khoa học Việt Nam phát triển có đặc điểm là có thể sử dụng ngay các dây chuyền sản xuất tấm lợp amiăng cũ để sản xuất sản phẩm không sử dụng amiăng. Tất nhiên, phải thêm vào một số thiết bị mới (công nghiệp trong nước sản xuất được) và công nghệ mới đòi hỏi phải tuân thủ các qui trình sản xuất nghiêm ngặt hơn hẳn so với qui trình cũ.
Tâm lý chung, các nhà sản xuất (kể cả các doanh nghiệp lớn) đều muốn sự ổn định, nghĩ rằng Nhà nước sẽ tiếp tục kéo dài thời gian cho phép sử dụng amiăng như trước đây đã từng xảy ra  nên không muốn thay đổi nền nếp cũ. Do đó trở ngại lớn nhất là nằm ngay tại cách tư duy của doanh nghiệp.
Mong rằng với những chính sách mới trong việc ngừng sử dụng amiăng do Nhà nước đang chủ trương, các doanh nghiệp sẽ nhiệt tình hưởng ứng bằng hành động cụ thể để các thế hệ người Việt trong tương lai sẽ được sống trong môi trường sống trong sạch hơn.

-    Amiang chỉ gây độc trong quá trình sản xuất hay cả người dùng nó?
TS Đỗ Quốc Quang: Người sử dụng các sản phẩm có chứa amiăng có thể an toàn hơn so với người sản xuất nó nhưng vì lượng amiăng trong sản phẩm khá cao (10% hoặc cao hơn trong tấm lợp) nên không thể coi đó là sản phẩm an toàn được. Tại Hoa Kỳ, Cơ quan Bảo vệ môi trường quốc gia (EPA) có qui định tất cả các sản phẩm có chứa hơn 1% amiăng đều phải dán nhãn là vật liệu có chứa amiăng (ACM) để người sử dụng biết và áp dụng các biện pháp phòng ngừa.
Ủy ban An toàn hàng hải (MSC) của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) đã có qui định cấm lắp đặt mới các vật liệu có chứa amiăng trên tất cả các tàu biển, không có ngoại lệ từ ngày 1/1/2011.
Hiện một số nước đã cấm sử dụng amiăng trong sản xuất đang phải tiến hành thay thế, thu gom, xử lý các sản phẩm có chứa amiăng với chi phí rất tốn kém. Các đơn vị và công nhân làm công việc này phải có chứng chỉ hành nghề và phải có trang thiết bị phòng hộ đặc biệt.
Các thông tin trên cho thấy amiăng là không an toàn cho ngay cả người sử dụng các sản phẩm có chứa nó.

Có thông tin nói rằng, đường ống nước Sông Đà về Hà Nội có dùng Amiang, các chuyên gia cho biết ý kiến về việc này?
TS Đỗ Quốc Quang: Thông tin này không đúng. Chắc chắn rằng đường ống dẫn nước sông Đà về Hà Nội không dùng vật liệu có chứa amiăng. Chúng được làm làm bằng vật liệu tổ hợp với sợi thủy tinh gia cường. Trong vật liệu này các sợi thủy tinh gia cường nằm trong chất nền polymer, không tiếp xúc trực tiếp với dòng nước.
Đây là loại vật liệu an toàn về sinh học, được sử dụng trong cả trường hợp lọc nước trong các hệ thống y tế, bệnh viện ngay cả ở các nước phát triển.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Amiang “giết” chết hàng vạn người
Amiang “giết” chết hàng vạn người

Trên thế giới mỗi năm có khoảng 90.000 người chết do các bệnh nghề nghiệp liên quan đến tiếp xúc với amiang. Việc tiến tới sản xuất “không amiang” đang được nhiều nước quan tâm

Amiang “giết” chết hàng vạn người

Amiang “giết” chết hàng vạn người

Trên thế giới mỗi năm có khoảng 90.000 người chết do các bệnh nghề nghiệp liên quan đến tiếp xúc với amiang. Việc tiến tới sản xuất “không amiang” đang được nhiều nước quan tâm

Sẽ “nói không” với amiang
Sẽ “nói không” với amiang

Theo các nhà nghiên cứu, dây chuyền công nghệ sản xuất tấm lợp không amiang không có khác biệt lớn so với dây chuyền sản xuất tấm lợp AC. Ước tính giá thành tấm lợp không amiang cao hơn 20% so với tấm lợp AC...

Sẽ “nói không” với amiang

Sẽ “nói không” với amiang

Theo các nhà nghiên cứu, dây chuyền công nghệ sản xuất tấm lợp không amiang không có khác biệt lớn so với dây chuyền sản xuất tấm lợp AC. Ước tính giá thành tấm lợp không amiang cao hơn 20% so với tấm lợp AC...