Đường Vành đai 3 TP.HCM chậm tiến độ: Không làm thì có tội với dân các tỉnh

VOV.VN - Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM được phê duyệt từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đây là điểm nghẽn kéo giảm sự phát triển của TP.HCM và các tỉnh, thành xung quanh. Do đó, việc tháo gỡ các vướng mắc và có 1 cơ chế đặc biệt để triển khai dự án Vành đai 3 là việc làm rất cấp thiết.

Vành đai 3 là dự án “rất cấp thiết”, không thể chậm trễ

Theo quy hoạch, TP.HCM có 3 tuyến Vành đai (Vành đai 2, 3 và 4) với tổng chiều dài khoảng 356 Km, nhưng đến nay, chỉ đưa vào khai thác được khoảng 71 Km (trong đó Vành đai 2 khoảng 55 Km và Vành đai 3 khoảng 16 Km), riêng Vành đai 4 còn đang trong quá trình nghiên cứu chuẩn bị dự án, chưa được đầu tư xây dựng. Việc đầu tư thiếu đồng bộ hệ thống đường Vành đai TP.HCM như hiện nay đã trở thành điểm nghẽn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và cả khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Do đó, việc tiếp tục và đẩy mạnh đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường Vành đai của TP.HCM là rất quan trọng, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM, các tỉnh:  Đồng Nai, Bình Dương, Long An, của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo ông Ngô Thịnh Đức, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, thực tế từ lâu đã có quy hoạch di dời hệ thống cảng của TP.HCM ra khỏi nội đô nhưng bây giờ vẫn ùn ùn container đi vào thành phố bởi không có đường Vành đai 3. Dẫn đến tình trạng giao thông từ các tỉnh vào TP.HCM hiện nay chỉ hướng tâm mà không có kết nối các hệ thống hạ tầng. Ông Đức cho rằng, thiếu kết nối dẫn tới hàng loạt các vấn đề khác nên thực hiện dự án Vành đai 3 hiện đang “quá cấp thiết”.

“Bây giờ không phải cần thiết mà là quá cấp thiết, chúng ta đã quá trễ. Dự án này chúng ta không làm thì có tội với dân các tỉnh. Chúng ta đã quá lâu không làm dự án này, lí do chậm không bàn nữa, giờ chúng ta làm thôi”, ông Ngô Thịnh Đức.

Còn PGS. TS. Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM cho rằng, Vành đai 3 ngoài hiệu quả kinh tế - xã hội còn hiệu quả về môi trường và sức khoẻ cộng đồng, trước hết là giảm ô nhiễm không khí ở TP.HCM. Hiện dự án Vành đai 3 đang đối mặt với 2 rủi ro là về pháp lý và giải phóng mặt bằng nên cần phải làm rõ các vấn đề về pháp lý, tuyên truyền tạo sự đồng thuận. Để tránh rủi ro về giải phóng mặt bằng thì cần phải sạch về pháp lý. Trong thực hiện, TP.HCM cần có cơ chế lựa chọn nhà thầu, có trách nhiệm rõ ràng, phải đánh giá, lựa chọn quy mô, năng lực các nhà thầu sao cho phù hợp, tránh lợi ích nhóm sẽ kéo dài dự án này.

“Hồi xưa thời gian là tiền bạc, giờ có lẽ là giá trị hơn nữa là sự phát triển đất nước. Cho nên cần phải có cơ chế, giải pháp để cân đối, lựa chọn nhà thầu, đưa ra những yêu cầu trách nhiệm ràng buộc rõ ràng”, PGS. TS. Nguyễn Văn Phước nói.

Nên có cơ chế đặc biệt cho Vùng TP.HCM để thực hiện dự án

Các chuyên gia cũng khẳng định, đường Vành đai 3 có tầm quan trọng trọng trong kết nối các đô thị vệ tinh của TP.HCM với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vai trò kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và hành lang xuyên Á, nhằm phát huy tối đa hiệu quả lợi thế các tỉnh, phát triển dịch vụ vận tải liên vùng, phục vụ công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh. Do đó, câu chuyện nên nhìn rộng ra ở khía cạnh vùng chứ không phải chỉ ở TP.HCM. PGS. TS. Phạm Xuân Mai, Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng: “Nên quy hoạch giao thông vùng TP.HCM, mời các chuyên gia trong vùng cùng làm, cùng bàn để xây dựng nên một hệ thống hoàn chỉnh và từ đó, TP.HCM sẽ đứng đầu tàu, lấy vốn ở đâu, làm cái gì trước, cái gì sau”.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, từ 2013, đô thị vùng TP.HCM đã hình thành nhưng không phát triển được. Lí do ở đây là tắc nghẽn về giao thông và điều này làm cho doanh nghiệp trong khu vực phải gánh chi phí logistic rất lớn. Có doanh nghiệp từng phản ánh “chi phí chở hàng từ cảng Cái Mép – Thị Vải lên Tây Ninh còn mắc hơn từ Trung Quốc về Thị Vải”.

Theo ông Trần Du Lịch, về chỉ định thầu thì kinh nghiệm ở đây là vận dụng cơ chế, mà cụ thể là làm theo Nghị quyết 44/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 18/NQ-CP của Chính phủ,  cứ xin phép làm đúng như vậy và không xin gì thêm.

Đặc biệt, ông Trần Du Lịch cho rằng, thay vì ngồi tính thu hồi vốn bằng bao nhiêu năm thu phí thì cần phải tận dụng nguồn đấu giá quỹ đất dọc tuyến và nếu khai thác được thì chi phí cho Vành đai 3 và thậm chí Vành đai 4 không thành vấn đề. Các địa phương cần giao vấn đề điều phối ngân sách cho Chính phủ để không bị vướng khi triển khai 8 thành phần…

Để giải bài toán nguồn vốn không chỉ Vành đai 3 mà còn một loạt dự án khác, ông Trần Du Lịch đề nghị Vùng TP.HCM có thể hình thành một quỹ hoặc tổ chức, cho phép phát hành trái phiếu để làm đường, giao cho TP.HCM đứng ra điều phối chung. Lúc đấy các địa phương của vùng sẽ giảm áp lực cho phân bổ nguồn vốn của Trung ương và vùng này sẽ có được sự tự chủ để cất cánh.

“Nếu có cơ chế huy động vốn tốt thì trong giai đoạn từ nay đến 2030 sẽ hoàn thành được mạng lưới giao thông toàn vùng này. Đây là một điểm rất quan trọng để vùng này cất cánh và tôi tin rằng không phải đóng góp 43% ngân sách quốc gia đâu, nó sẽ nhiều hơn nữa nếu như giải quyết được bài toán này”, Tiến sỹ Trần Du Lịch nêu ý kiến.

Còn PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích, cần phải nhìn ở góc độ là “TP.HCM phát triển cao mức nào thì cả nước sẽ phát triển cao mức đó”. Đầu tư cho TP.HCM là đầu tư cho cả nước nên phải nhìn rộng ra, mà muốn phát triển thì hạ tầng là then chốt bởi không có giao thông thì không làm gì được. Theo ông Trần Đình Thiên, vừa qua vùng TP.HCM tăng trưởng chậm so với vùng Hà Nội là vì giao thông, trong đó có câu chuyện cơ chế.

Ủng hộ tuyệt đối cơ chế chỉ định thầu, ông Thiên đề nghị cần phải có những điều kiện ràng buộc phải thật sự chặt chẽ, làm tốt được thưởng, không tốt thì phạt, đặc biệt lưu ý đến vấn đề thời gian hoàn thành dự án. Cần phải có đột phá, thay đổi cách làm về hạ tầng, khuyến khích chủ động, huy động nguồn lực xã hội để giải quyết vấn đề.

Đồng tình với Tiến sỹ Trần Du Lịch, ông Trần Đình Thiên cho rằng, vùng TP.HCM cần phải có một cơ chế đặc biệt: “Vùng này nên có thể chế vượt trội để tự giải quyết những giải pháp của mình bằng quỹ tài chính. Tới đây, chúng tôi sẽ mạnh dạn đề xuất thành một vùng thể chế đặc thù chứ không phải chỉ riêng TP.HCM. Đơn độc TP.HCM khó, thì cái đấy là cái mà tôi cũng rất mong, rất tin và cũng chúc cho đó là tuyến đường vành đai của chúng ta là một trong những cái mẫu mực cho một cuộc đua mới của Việt Nam mà bắt đầu từ đây”.

Dự án Vành đai 3 hiện đã hoàn thành báo cáo tiền khả thi và dự kiến sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 5/2022, dự án sẽ khởi công năm 2023, thông xe năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, thành phố sẽ cùng 3 tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương quyết tâm làm cho bằng được dự án Vành đai 3 sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, thành phố và các tỉnh trong khu vực vùng kinh tế trong điểm phía Nam sẽ rà soát lại chiến lược quy hoạch phát triển giao thông vùng, khởi động dự án Vành đai 4 và các tuyến cao tốc kết nối.

Rõ ràng, nếu tháo gỡ các điểm nghẽn cũng như có một cơ chế phù hợp để đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ thật sự cất cánh như kỳ vọng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đường vành đai 3 TP.HCM tạo cơ hội phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Đường vành đai 3 TP.HCM tạo cơ hội phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

VOV.VN - Giai đoạn 1 của đường vành đai 3 có chiều dài 76km, trong đó đoạn đi thấp có tổng chiều dài 53km, đoạn trên cao 13km với tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 là 75.377 tỉ đồng.

Đường vành đai 3 TP.HCM tạo cơ hội phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Đường vành đai 3 TP.HCM tạo cơ hội phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

VOV.VN - Giai đoạn 1 của đường vành đai 3 có chiều dài 76km, trong đó đoạn đi thấp có tổng chiều dài 53km, đoạn trên cao 13km với tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 là 75.377 tỉ đồng.

TP.HCM rà soát bố trí hơn 13.600 tỷ đồng làm đường Vành đai 2
TP.HCM rà soát bố trí hơn 13.600 tỷ đồng làm đường Vành đai 2

VOV.VN - UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất về một số nội dung cấp bách lĩnh vực giao thông vận tải để trình HĐND TP.HCM tại kỳ họp tháng 3/2022 này, trong đó có việc rà soát bố trí hơn 13.600 tỷ đồng làm đường Vành đai 2.

TP.HCM rà soát bố trí hơn 13.600 tỷ đồng làm đường Vành đai 2

TP.HCM rà soát bố trí hơn 13.600 tỷ đồng làm đường Vành đai 2

VOV.VN - UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất về một số nội dung cấp bách lĩnh vực giao thông vận tải để trình HĐND TP.HCM tại kỳ họp tháng 3/2022 này, trong đó có việc rà soát bố trí hơn 13.600 tỷ đồng làm đường Vành đai 2.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì họp về triển khai Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì họp về triển khai Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM

VOV.VN - Chiều nay (24/1), tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến về tình hình triển khai thực hiện Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì họp về triển khai Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì họp về triển khai Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM

VOV.VN - Chiều nay (24/1), tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến về tình hình triển khai thực hiện Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.