Đường vừa thông xe đã lún nứt, trách nhiệm thuộc về ai?

VOV.VN - Nhiều dự án đường bộ dù mới được thông xe vài ngày đã xuất hiện nhiều hư hỏng, thể hiện năng lực yếu kém của tư vấn giám sát.

Dư luận đang đặc biệt quan tâm tới 2 vấn đề nóng trong ngành Giao thông Vận tải (GTVT) được Bộ trưởng Đinh La Thăng quyết liệt chỉ đạo thực hiện đó là câu chuyện thôi giữ chức, điều chuyển người không làm được việc và xử lý mạnh tay đối với những chủ thể tham gia dự án kém chất lượng.

Mặt quốc lộ có nhiều vết lún sâu theo vết xe đi (Ảnh: Vnexpress)

Sở dĩ Bộ trưởng Đinh La Thăng quyết liệt yêu cầu phải đảm bảo chất lượng đường bộ bởi sau 2 năm triển khai, ngày 18/5 vừa qa, dự án mở rộng Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long, Uông Bí, Quảng Ninh, dài 30 km có tổng vốn đầu tư là 2.800 tỷ đồng do Công ty cổ phần Đại Dương đầu tư theo hình thức BOT được phép thông xe kỹ thuật. Tuy nhiên, mới thông xe được vài ngày, đường đã xuất hiện nhiều hư hỏng, nhiều lún nứt từ 3-7 cm, rạn vỡ mặt đường; trong khi đó dự kiến với tuyến đường này, nhà đầu tư sẽ thu phí 30.000-160.000 đồng/lượt tùy từng loại xe.

Trước đó, tại dự án Quốc lộ 1 và 14, tình trạng lún nứt hằn vệt bánh xe cũng đã xảy ra. Đây không phải là những câu chuyện mới, nhưng sẽ là những đổi mới quyết liệt trong việc xử lý như yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết: “Gần đây chúng tôi đã đổi 2 tư vấn quốc lộ 1 ở đoạn Thanh hóa và đoạn Bình thuận. Giai đoạn đầu, chúng tôi đang áp dụng chủ yếu cơ chế phòng ngừa, bây giờ đi vào giai đoạn siết chặt chủ thể ban quản lý dự án như Bộ trưởng vừa yêu cầu. Đây là cơ sở để chúng tôi có đủ điều kiện để làm mạnh hơn các công tác điều tra cá nhân, tổ chức, phối hợp với cơ quan thanh tra chức năng làm rõ thêm về vấn đề chất lượng công trình đường bộ”.

Ông Sanh cũng thừa nhận, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các dự án không đảm bảo chính là do kiểm soát chưa nghiêm khắc của tư vấn giám sát, hay do năng lực thiết bị, nhân lực của nhà thầu được bố trí trên công trường không đúng với cam kết trong hồ sơ dự thầu nhưng vẫn được tư vấn giám sát và ban quản lý chấp nhận. Dự án Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long, Uông Bí sử dụng nhiều nhà thầu chưa chuyên nghiệp nên xảy ra hư hỏng mặt đường với mức độ lớn.

Ông Nguyễn Văn Huyện, nguyên Chánh thanh tra bộ GTVT, Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam nhận định: “Tư vấn giám sát mà để chất lượng công trình không đảm bảo, dễ dãi trong việc mang vật liệu kém chất lượng vào công trường thì phải kiên quyết xử lý. Ví dụ như ở một công trình tại Cần Thơ mới đây, chúng tôi đã xử lí và kiến nghị quản lý công trình và Bộ Xây dựng và thu khoảng 10 chứng chỉ của tư vấn giám sát vì buông lỏng khâu giám sát trong quá trình thi công, dẫn đến công trình phải sửa chữa, phá đi xây lại, gây lãng phí tiền của Nhà nước.”

Rõ ràng việc phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm khắc phải trở thành yêu cầu tiên quyết đối với các cơ quan quản lý, gắn với trách nhiệm cá nhân. Một mặt kiên quyết loại bỏ các nhà thầu không có đủ năng lực, tư vấn giám sát nhập nhằng, “đi đêm”. Mặt khác, công khai minh bạch việc quản lý, giám sát dự án cũng là điều quan trọng để đạt được chất lượng công trình.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết: “Các ban quản lý dự án cần phối hợp với nhau để nắm được năng lực của các nhà thầu, vì nhiều nhà thầu chỉ có năng lực làm 1 dự án nhưng trúng thầu nhiều gói thầu lớn thì có thể sẽ không đảm bảo được chất lượng và thời gian hoàn thành công trình. Do vậy cần phải có sự chia sẻ thông tin giữa các bên. Tư vấn giám sát dự án này bị kiểm điểm, bị đuổi thì lại chạy sang dự án của ban quản lý dự án khác thì những ban quản lý khác đó cần phải xem xét cân nhắc có nên lựa chọn hay không”.

Liên tục trong những năm vừa qua, ngành GTVT đều chọn là năm chất lượng công trình và đưa ra nhiều giải pháp về cả con người và công nghệ. Tuy nhiên đến nay hiệu quả đạt đc vẫn chưa cao, chất lượng công trình luôn có vấn đề.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng luôn nhấn mạnh, mục đích rõ ràng của các công trình giao thông là chất lượng, không thể đánh đổi chất lượng công trình lấy tiến độ.

Để tiến tới chấm dứt tình trạng này, Bộ trưởng yêu cầu phải nâng cao trách nhiệm những người đứng đầu, từ bộ trưởng, thứ trưởng đến cục trưởng, nếu để công trình không đảm bảo chất lượng đều bị xử lý nghiêm, nếu làm không được sẽ bị điều chuyển, thay thế. Và câu chuyện người tốt không làm được việc của nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt việt Nam đã thể hiện sự quyết tâm nói đi đôi với làm của tư lệnh Bộ GTVT./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên