FTA: Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa để hưởng lợi

VOV.VN -Các cơ chế tự chứng nhận xuất xứ nếu được áp dụng, thương nhân sẽ được quyền tự khai báo xuất xứ của hàng hóa trên hóa đơn thương mại.

Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Tổng Cục Hải Quan tổ chức “Hội thảo về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong các Hiệp định thương mại tự do” tại Hà Nội ngày 2/4, nhằm giới thiệu đến doanh nghiệp cách thức kiểm tra và xác định xuất xứ một cách hiệu quả nhằm tạo thuận lợi thương mại và chống gian lận xuất xứ.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ thông tin và thảo luận về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam và sự tham gia của Việt Nam vào cơ chế này. Đồng thời, giới thiệu về quy trình kiểm tra và xác định xuất xứ trong cơ chế tự chứng nhận xuất xứ một cách hiệu quả nhằm chống gian lận xuất xứ.

Hội thảo Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong các Hiệp định thương mại tự do

Các cơ chế tự chứng nhận xuất xứ nếu được áp dụng, thương nhân sẽ được quyền tự khai báo xuất xứ của hàng hóa trên hóa đơn thương mại hoặc bất kỳ chứng từ nào khác thay cho Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hiện hành. Việc làm này sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư giữa các nước. Doanh nghiệp sẽ không phải đi chứng nhận xuất xứ cho từng lô hàng xuất khẩu, mà có thể sử dụng quyền tự chứng nhận xuất xứ để áp dụng cho các lô hàng xuất khẩu trong một thời gian nhất định.

Bà Doãn Thúy Hoa, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn ABB, doanh nghiệp chuyên sản xuất các thiết bị, hệ thống kỹ thuật điện tại Hà Nội cho biết, Việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa có nhiều thuận lợi, thứ nhất là để nhập các thiết bị được giảm thuế. Thuận lợi thứ hai, theo như luật hiện hành tại thời điểm này, trong trường hợp chưa có giấy chứng nhận ấy thì doanh nghiệp sẽ được nợ và có thể nộp thuế ngay sau đó được giảm trừ thuế.

Theo Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan), việc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu rất quan trọng với doanh nghiệp. Người khai hải quan phải tự khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Bên cạnh những thuận lợi của Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là dễ xảy ra tình trạng gian lận thương mại. Doanh nghiệp có thể lợi dụng để đưa hàng hóa không đạt quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi khi nhập khẩu vào Việt Nam.


Ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải Quan, cho rằng việc xét cơ chế tự chứng nhận xuất xứ phụ thuộc vào mức độ tuân thủ quy định của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan, quy mô sản xuất, lĩnh vực sản xuất hoặc sản phẩm họ xuất ra rủi ro thấp, ít gian lận, thì bộ Công Thương sẽ xem xét yếu tố đó để quyết định danh sách doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu của mình.

Ông Tuấn nói: “Đối với rủi ro đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ không đúng có thể ảnh hưởng đến hàng hóa xuất khẩu tương tự của Việt Nam sang nước đó. Một số hiệp định đang đàm phán khi cơ quan hải quan của nước nhập khẩu phát hiện xuất xứ hàng hóa không đúng thì có thể thực hiện lệnh tạm ngừng hàng hóa của quốc gia đó xuất khẩu sang nước nhập khẩu. Nếu kiểm soát không tốt sẽ ảnh hưởng tới hàng hóa của Việt Nam, ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính.”

Trước những lợi ích từ việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa mang lại, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần bố trí nguồn nhân lực hợp lý để thực hiện tốt cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Chỉ khi thực hiện bài bản, đầy đủ thì doanh nghiệp mới được hưởng hết những lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên