Giá cả là “nút thắt” cân đối năng lượng

Giá năng lượng tại Việt Nam đang vừa là một trở lực thu hút đầu tư, vừa chi phối nhiều đến cân đối cung – cầu của ngành năng lượng.

Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (Ban Tuyên giáo Trung ương) vừa phối hợp tổ chức “Diễn đàn kinh tế năng lượng và Phát triển bền vững”.

Tại đây, nhiều chuyên gia và các nhà quản lý trong lĩnh vực năng lượng đã khẳng định, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ trở lại nhập siêu năng lượng, và giá cả được coi là nút thắt trong việc đảm bảo cân đối cung – cầu năng lượng quốc gia.

Nguy cơ nhập siêu năng lượng từ sau 2015

Trong khi Việt Nam còn đang loay hoay trong việc tìm hướng đi vào các nguồn năng lượng mới (như điện hạt nhân, phong điện, điện mặt trời..) thì trước mắt, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả Việt Nam Đỗ Hữu Hào, hiện tại Việt Nam đang khai thác đồng bộ các nguồn năng lượng sơ cấp: than, điện, dầu khí và nhiên liệu dầu.

Cái vướng nhất để ngành điện phát triển là do giá bán sản phẩm thấp hơn so với giá để ngành điện có thể vận hành và kinh doanh có lãi

Mặc dù lạc quan cho rằng “các nguồn năng lượng này đảm bảo cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong 10-20 năm nữa’, nhưng ông Hào khẳng định: “Việt Nam đã chuyển từ một quốc gia xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu năng lượng là chính". Còn TS Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra nhận định: Việt Nam sẽ trở lại nhập siêu năng lượng vào khoảng từ sau năm 2015 là hoàn toàn có cơ sở dự báo chính xác.

Như một minh chứng cho những nhận định trên, theo Quy hoạch điện VII, tổng lượng than cần cho ngành điện vào năm 2020 là 67,3 triệu tấn để sản xuất khoảng 156 tỷ kWh (chiếm 46,8% sản lượng điện sản xuất). Đến năm 2030 sẽ tiêu thụ 171 triệu tấn than để sản xuất khoảng 394 tỷ kWh (chiếm 56,4% sản lượng điện sản xuất). Với yêu cầu này, từ năm 2015, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 6 triệu tấn than/năm.

Hiện nay, Việt Nam dù cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu về điện, nhưng  việc cung cấp điện vẫn chưa ổn định, với điện áp thấp ở một số khu vực nông thôn, miền núi và thường xuyên thiếu điện do nhu cầu tăng vào mùa hè.

Đối với nguồn năng lượng là dầu lửa và nhiên liệu dầu, thì Chương trình dự trữ dầu hiện tại của Việt Nam đặt mục tiêu 1 triệu kilolitres, tương ứng với việc tiêu thụ dầu lửa và nhiên liệu trong vòng 30 ngày. Song, khả năng dự trữ theo kế hoạch hiện tại sẽ không đủ để ổn định nền kinh tế trong nước nếu thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu về dầu mỏ.

“Nút thắt” về giá năng lượng

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào, ngành năng lượng Việt Nam đang còn nhiều hạn chế: Hiệu suất chung của ngành năng lượng thấp; Sử dụng năng lượng chưa tiết kiệm và chưa hiệu quả, cường độ năng lượng và cường độ điện cao hơn mức trung bình thế giới; Hiệu quả sản xuất và tiếp cận thị trường chưa cao; Chi phí khai thác, biến đổi, truyền tải và phân phối năng lượng cao do công nghệ lạc hậu, quản lý còn nhiều bất cập; Giá năng lượng chưa phản ánh chính xác các yếu tố đầu vào của sản xuất và phân phối sản phẩm năng lượng; Đầu tư cho sự phát triển năng lượng vẫn chưa đáp ứng mong đợi; Tiến độ của nhiều dự án bị chậm so với kế hoạch…

Đồng ý với ông Hào về những hạn chế nêu trên, ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Tiết kiệm năng lượng (Tổng cục Năng lượng) còn chỉ ra rằng: “giá năng lượng Việt Nam là “nút thắt” quan trọng nhất của ngành năng lượng”. Bởi theo ông Kim, với giá năng lượng hiện nay, rất khó thu hút nhà đầu tư “nhằm” vào ngành năng lượng. Vì vậy, dù các dự án năng lượng thiếu vốn cũng rất khó kêu gọi vốn từ bên ngoài.

Đơn cử, nhiều chuyên gia khẳng định, giá điện bán lẻ bình quân ở vào mức 1.242 đồng/kWh điện hiện nay vẫn thấp hơn so với giá để ngành điện có thể vận hành và kinh doanh có lãi. Cho nên, đây là cái vướng cho phát triển ngành điện.

Ông Vũ Hoàng Chương (Công ty tài chính Cổ phần Điện lực) đưa ra ví dụ cụ thể, do thiếu vốn nên việc phát triển nguồn điện trong quy hoạch điện VI chỉ đạt 80% kế hoạch với nhiều dự án nguồn đã và đang triển khai bị kéo lùi tiến độ. Đặc biệt, giá mua điện từ các dự án nguồn điện, kể cả IPP (nguồn độc lập), cũng như BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) còn thấp, đàm phán mua bán điện kéo dài, chưa hấp dẫn với các chủ đầu tư.

Giá phải theo nguyên tắc thị trường

Nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian tới “bài toán về giá” sẽ được giải quyết. Sau xăng dầu, điện, rồi đến than sẽ được điều chỉnh theo nguyên tắc thị trường, đưa giá năng lượng ngang bằng giá thế giới.

Bởi vì, hiện nay giá than rất thấp, thậm chí còn thấp hơn giá thành. Vì thế, “lỗ của ngành than chính là lãi của nhiều ngành khác”. Lý giải cho nhận định này của mình, ông Đỗ Hữu Hào cho biết: Giá xăng dầu đã được vận hành theo nguyên tắc giá thị trường. Giá xăng dầu quốc tế tăng, giảm, giá xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh theo. Giá điện cũng đang được từng bước điều chỉnh theo nguyên tắc thị trường.

Đây là chủ trương của Chính phủ để đảm bảo các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đưa lộ trình để giá than ít nhất bằng giá thành. Song, “cũng phải tính toán kỹ vì giá than ảnh hưởng tới giá đầu vào của rất nhiều ngành kinh tế. Như vậy, sẽ ảnh hưởng lớn đến CPI và rất nhiều mặt khác của nền kinh tế”, ông Hào nhấn mạnh.

Như vậy, để có một cơ chế giá năng lượng phù hợp, phản ánh đầy đủ các chi phí đầu vào của ngành năng lượng trong khi phải đảm bảo cân đối các yếu tố kinh tế vĩ mô là rất khó. Bởi trước đây, Việt Nam là nước xuất khẩu năng lượng, nhu cầu về năng lượng không “nóng” như bây giờ. Vì thế, khi đó, giá năng lượng rất rẻ. “Giờ phải tăng giá theo quốc tế, tâm lý người dân đương nhiên khó chấp nhận. Ngay cả bản thân tôi cũng thấy khó chịu khi tăng giá các mặt hàng này”, ông Hào chia sẻ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên