Giá ô tô ở Việt Nam đắt nhất thế giới vì thuế và phí

(VOV) - Thuế, phí và chính sách bất ổn luôn là rào cản lớn nhất cho ngành ôtô Việt Nam trong nhiều năm qua…


Thị trường và ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đang đi ngược lại với các nước khác trong khu vực và thế giới. Thuế và phí đối với một chiếc xe hiện nay cao, thiếu ổn định khiến giá xe ô tô ở Việt Nam vào loại cao nhất thế giới. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA), sản lượng ôtô bán ra tại Việt Nam 8 tháng năm 2012 đã giảm 30% so với cùng kỳ 2011, trong khi sản lượng tiêu thụ của thế giới tăng 30%, Châu Á tăng 40%, thị trường ôtô ASEAN tăng 151% Thái Lan tăng 208% …

Thuế và phí khiến ô tô “xa” người Việt

Tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển ngành công nghiệp ôtô và thị trường ôtô Việt Nam”, các chuyên gia, các nhà sản xuất ô tô đề nghị cần có chính sách dài hạn, ổn định cả vĩ mô cũng như chuyên ngành, phát triển hạ tầng, công nghiệp phụ trợ để thúc đẩy công nghiệp ô tô. 

Một gian trưng bày ô tô của Mercedes Benz

Ông Đỗ Hữu Hào, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội Kỹ sư ô tô Việt Nam nhận định: “Nếu muốn khuyến khích nội địa hoá ngành công nghiệp ôtô, cần phải có chính sách thuế phù hợp. Nên đánh thuế theo công suất xe, doanh nghiệp nào tăng tỷ lệ nội địa hóa nhiều hơn, tốt hơn sẽ có chính sách thuế tốt hơn”.

Theo nhận định của Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), tác động chính đến thị trường ôtô Việt Nam vẫn là các yếu tố nội tại. “Ở Việt Nam, cách tính thuế và phí chỉ mang tính cục bộ, chưa có sự thống nhất trong quản lý”. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Khánh Toàn, mỗi chiếc ô tô nhập vào Việt Nam chịu đến 5 loại thuế, 9 loại phí…

Ông Nguyễn Khánh Toàn cho biết: “Chính sách thuế đang ảnh hưởng quá nhiều tới các doanh nghiệp. Vì thuế và phí nên giá thành ô tô cao hơn gấp từ 2 đến 4 lần các nước khác, trong khi thu nhập của người dân chưa cao... Vì vậy, cần xem xét lại vấn đề về thuế nhập khẩu. Hiệp hội đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT...”.

Đại diện các hãng xe cũng nhận thấy sự nặng nề của thuế và phí mà ô tô phải chịu tại Việt Nam, Ông Andreas Klingler - TGĐ Porsche Việt Nam - nhấn mạnh: “Có hai lý do chính trong việc thị trường ôtô ở Việt Nam suy giảm. Đó là giá ôtô ở đây rất đắt bởi yếu tố thuế, cho dù đã có những cam kết với WTO về việc giảm dần thuế nhập khẩu và toàn bộ các loại thuế, nhưng trên thực tế, thuế và phí lại tăng dần hằng năm”. 

“Như hiện nay, vấn đề sở hữu một chiếc ô tô đối với mỗi người Việt vẫn chỉ là mơ ước – đơn giản chỉ vì thuế và phí. Thử nhìn xem nếu là bạn khi đi mua một chiếc xe cho gia đình bạn quan tâm nhất là vẫn đề gì? Chắc chắn họ sẽ tìm hiểu xem khi sở hữu chiếc xe đó họ cần phải đóng những mức thuế gì” -Ông Andreas  Klingler cho biêt thêm.

Tuy nhiên, tại buổi hội thảo, những chuyên gia, nhà sản xuất, nhà phân phối... tham gia không chỉ chú ý tới thuế và phí mà các chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư cũng được đưa ra.

Cần có chính sách dài hạn

Thị trường ô tô ảm đạm và liên tục sụt giảm trong thời gian qua khiến các nhà sản xuất ô tô cũng như nhập khẩu luôn… đau đầu.

Sản lượng tiêu thụ của các hãng sụt giảm chủ yếu do chính sách thuế, phí liên tục thay đổi. Đã thế, việc đưa ra dự thảo các loại phí, thuế mới khiến không chỉ nhà sản xuất cảm thấy áp lực mà chính người tiêu dùng cũng thấy dè chừng. Bởi nếu mua một chiếc xe với thời điểm hiện tại, họ có thể đủ sức mua và “nuôi”, nhưng khi có dự thảo các loại thuế, phí mới trong tương lai khiến họ trở thêm đắn đo.

Năm 2011, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 20 muốn hướng các doanh nghiệp nhập khẩu xe nhỏ lẻ phải có giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu, nhà phân phối chính hãng. Thông tư này đã khiến các doanh nghiệp nhập khẩu xe nhỏ lẻ phải rút lui khỏi thị trường ô tô. 

Các chuyên gia tại hội thảo "Thực trạng và giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển ngành công nghiệp ôtô và thị trường ôtô Việt Nam"

Nhưng mới đây, Tổng cục Hải quan lại đề nghị nới lỏng quy định trong Thông tư 20 theo hướng bỏ giấy ủy quyền đó để các doanh nghiệp “con” có thể góp mặt trong sân chơi này, giúp tăng thu cho ngân sách, hạn chế độc quyền và tránh lách luật trong nhập khẩu ô tô.

Sự thay đổi quá nhanh của các chính sách đó, khiến các hãng sản xuất xe khó đưa ra các định hướng lâu dài cho thị trường. 

Ông Michael Behrens, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam cho biết: “Mức thuế, phí thay đổi hằng năm khiến các doanh nghiệp vất vả chạy theo thực hiện, ảnh hưởng đến kế hoạch đã định. Theo tôi, cần có chính sách dài hạn, minh bạch hơn sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hơn”.

Đại diện của Vinaxuki, ông Bùi Ngọc Huyên thẳng thắn: “Bộ Tài chính hiện chưa thấy ngành công nghiệp ô tô là cần thiết với Việt Nam nên có chính sách không ổn định, doanh nghiệp khó tồn tại”. 

Có lẽ vì thế mà những doanh nghiệp sản xuất ôtô như của ông Huyên, cho dù đang cố gắng nội địa hoá rất nhiều chi tiết, nhưng vẫn chịu chung mức thuế với các doanh nghiệp liên doanh khác./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên