Giá thức ăn chăn nuôi thủy sản: Chỉ tăng không giảm

Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn đã tăng 35% dù giá các nguyên liệu đầu vào đều giảm.

Trong cơ cấu giá thành của sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản, thức ăn chiếm từ 60-80% chi phí sản xuất. Chính vì vậy, giá thức ăn là chủ đề được những người nuôi trồng thủy sản quan tâm đặc biệt.

Giá tăng trên 30%

Theo thống kê của Cục chăn nuôi (Bộ NN& PTNT), hiện nay Việt Nam phải nhập từ nước ngoài trên 50% số lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (bao gồm cả nguyên liệu sản xuất thức ăn thuỷ sản). Trong đó, ngô nhập khoảng 25%, đậu tương, khô dầu đậu tương phải nhập khẩu 90-95%. Các loại premix khoáng, vitamin, dầu cá, các chất tạo mầu, mùi phải nhập khẩu 95-98% từ nước ngoài. Như vậy, tuy việc nhập khẩu thức ăn hỗn hỗn hợp hoàn chỉnh đã ngày một giảm thay bằng việc tự sản xuất trong nước, nhưng ngành sản xuất thức ăn thuỷ sản của Việt Nam vẫn phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Năm 2011 giá thức ăn thủy sản tăng trung bình từ 500 – 1.100 đồng/kg so với giá năm 2010. Nguyên nhân do giá nguyên liệu thức ăn tăng trung bình 5% so với năm 2010 và chính sách thắt chặt tín dụng của nhà nước cộng với biến động tăng của ngoại tệ, do vậy có thời điểm giá thức ăn thủy sản tăng tới 16 - 30% so với những năm trước. Nhìn chung, giá thức ăn trong nước năm 2011 cao hơn thời điểm cao nhất của năm 2010. Giá thức ăn thuỷ sản luôn có xu hướng tăng do phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Theo thống kê của Bộ NN & PTNT, so với thời điểm Quý 2, giá một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã giảm, giá nhiều loại nguyên liệu đầu vào, tỷ giá USD/VND cũng giảm. Cụ thể đậu tương giảm 7,4%, lúa mì giảm 6,9%, ngô giảm 7,7%, bột cá giảm 5,3%... nhưng giá bán thức ăn không giảm hoặc có giảm thì không đáng kể và giảm rất chậm. Đó là chưa kể đến từ ngày 1/1/2011 thuế nhập khẩu một số loại nguyên liệu như bột cá, bột thịt, dầu cá... đều giảm từ 5-10% về 0% và thuế VAT cho nguyên liệu sản xuất thức ăn thuỷ sản là 5%.

Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi thủy sản lại không có dấu hiệu giảm. Thực tế này khiến ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, bức xúc: “Từ đầu năm đến nay giá thức ăn tăng 6-7 lần, mỗi lần tăng từ 200-300 đồng/kg và lâu nay chỉ có tăng chứ chưa hề giảm. Tính đến nay giá thức ăn đã tăng 35% và điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến người nuôi trồng thủy sản”.

Theo nhìn nhận của Tổng Cục thủy sản, việc vẫn giữ giá bán thức ăn cao trong khi giá nguyên liệu giảm là do chủ quan của doanh nghiệp sản xuất thức ăn, trong trường hợp này người nuôi thuỷ sản hoàn toàn chịu thiệt. Đây cũng là tồn tại đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội thức ăn chăn nuôi và doanh nghiệp phải cùng nhau giải quyết nhằm đàm bảo ổn định thị trường và quyền lợi chính đáng của người nuôi.

Giảm hoa hồng đại lý

Chính sách bình ổn giá thức ăn chăn nuôi hiện nay chưa phát huy hiệu quả vì theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam hiện chỉ có 10/130 nhà máy sản xuất thức ăn nằm trong danh sách những nhà máy có nhiệm vụ bình ổn giá thức ăn.

Thực tế các nhà máy nằm trong danh sách bình ổn giá được tăng giá mỗi lần không quá 4% giá trị sản phẩm, nhưng do giá nguyên liệu tăng cao, tỷ giá và lãi suất ngân hàng tăng cao nên bắt buộc các doanh nghiệp tăng giá thức ăn cao hơn nhiều so với mức quy định.

“Như vậy, chính sách bình ổn giá thức ăn chưa thực sự phát huy được hiệu quả như mong muốn” - ông Bùi Đức Quý, Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm - Kiểm nghiệm và Kiểm định nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) khẳng định.

Vì vậy, theo đại diện của Tổng cục Thủy sản, để bình ổn được giá cả thức ăn, nguyên liệu sản xuất thức ăn cùng với việc giảm thuế nhập khẩu phải đưa tất cả các nhà máy sản xuất thức ăn vào diện bình ổn giá. Nhà nước cần đưa thức ăn chăn nuôi là mặt hàng thiết yếu an ninh thực phẩm, để được hưởng mọi quyền lợi ưu tiên như lương thực và phân bón trong 10 mặt hàng thiết yếu mà Bộ Công Thương quy định.

Ngoài ra, việc tổ chức, quản lý mạng lưới đại lý phân phối thức ăn cho nuôi trồng thuỷ sản của các công ty sản xuất thức ăn còn chưa hợp lý; tỷ lệ hoa hồng chi cho các đại lý chiếm từ 15 – 18% dẫn đến người nuôi phải chịu thêm chi phí trung gian.

Ông Bùi Đức Quý cho rằng: “Giảm thuế nhập khẩu chưa đủ ảnh hưởng để giảm giá thành sản xuất, thêm vào đó người nuôi thuỷ sản phải chịu 5% thuế VAT. Do vậy, giá bán thức ăn vẫn không giảm hoặc có giảm thì không đáng kể”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên