Doanh nghiệp Việt Nam:

Giải pháp tăng năng suất, chất lượng hàng hóa

Theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn, doanh nghiệp Việt Nam cần tranh thủ tối đa sự hợp tác quốc tế, cần sự phối hợp từ nhiều phía

Nhằm tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

Doanh nghiệp cần mạnh dạn áp dụng tiêu chuẩn, quy hoạch chất lượng để tăng năng suất

Ông Vũ Văn Diện, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ KH&CN: Tranh thủ tối đa sự hợp tác quốc tế

PV: Thời gian gần đây, doanh nghiệp nhận thức như thế nào về việc áp dụng những công nghệ mới, tiêu chuẩn mới trong tổ chức sản xuất, thưa ông?

Ông Vũ Văn Diện: Nhận thức của doanh nghiệp (DN) về việc áp dụng công nghệ mới, tiêu chuẩn mới trong tổ chức sản xuất thời gian gần đây đã có chuyển biến rõ rệt. DN đã nhận thức được muốn sản phẩm hàng hóa của mình có chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu khách hàng không thể không cải tiến công nghệ, áp dụng công nghệ mới, tiêu chuẩn mới.

Việc áp dụng công nghệ mới, tiêu chuẩn mới trong các khâu từ tổ chức quản lý, cung ứng vật tư thiết bị đến sản xuất, tiêu thụ hàng hóa… đem đến cho DN lợi ích kinh tế rõ rệt.

Trong giai đoạn hội nhập kinh tế hiện nay, DN Việt Nam muốn vươn ra biển lớn thì việc áp dụng công nghệ mới, tiêu chuẩn mới càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

PV: Tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Xin ông cho biết mục tiêu chương trình hướng tới?

Ông Vũ Văn Diện: Trước đây, DN muốn tăng năng suất thường tăng vốn và lao động; nhưng ở giai đoạn hiện nay, một số DN đã nhận thức được chất lượng vốn và chất lượng lao động góp phần rất quan trọng vào việc tăng năng suất. Nhiều khi với cùng giá trị vốn và lao động nhưng DN này lại tạo ra nhiều của cải vật chất hơn DN khác nhờ DN đó biết cải tiến chất lượng lao động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của mình.

Năng suất lao động của Việt Nam còn quá thấp so với các nước trên thế giới, kể cả trong khu vực. Muốn phát triển bền vững, DN cần hướng tới mô hình phát triển mở rộng DN không chỉ dựa vào tăng nguồn vốn và lao động đơn thuần (phát triển theo chiều rộng), mà phải chú trọng phát triển theo chiều sâu. Tức là cần tập trung vào các yếu tố nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nguồn lao động. Đây cũng chính là mục tiêu lớn nhất mà chương trình quốc gia này hướng tới.

PV: Chương trình quốc gia này có bao nhiêu dự án và dự án nào là quan trọng nhất, thưa ông?

Ông Vũ Văn Diện: Chương trình có 9 dự án cần thực hiện. Dự án 1: Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Dự án 2: Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng. Dự án 3: Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành công nghiệp. Dự án 4: Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành nông nghiệp. Dự án 5: Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành thông tin và truyền thông. Dự án 6: Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành xây dựng. Dự án 7: Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành y tế. Dự án 8: Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của ngành giao thông - vận tải. Dự án 9: Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương.

Trong đó, dự án 1 có thể coi là nền tảng để xây dựng hạ tầng chất lượng. Theo đó, đến năm 2020, chúng ta phải xây dựng thêm 6.000 tiêu chuẩn mới; trong đó 60% tiêu chuẩn Việt Nam của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn khu vực.

Dự án quan trọng là dự án 9 có mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương trên cơ sở áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng phù hợp với đặc thù của địa phương, DN; hướng dẫn DN khai thác thông tin về tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ, thông tin về sở hữu công nghiệp để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh. Dự án sẽ góp phần làm cho nội lực của DN mạnh hơn.

PV: Mục tiêu của Chương trình là đến năm 2020 hỗ trợ cho 100.000 DN ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Để đạt mục tiêu này, theo ông cần giải pháp gì?

Ông Vũ Văn Diện: Thứ nhất là về nhân lực, trong thời gian sắp tới, phải xây dựng được mạng lưới các tổ chức cá nhân hoạt động chuyên nghiệp về năng suất và chất lượng trên phạm vi toàn quốc. Mạng lưới này sẽ truyền bá nghiệp vụ, kinh nghiệm để DN áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào quá trình sản xuất kinh doanh.

Thứ hai là tranh thủ tối đa sự hợp tác quốc tế. Bởi nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn là mới với DN Việt Nam nhưng nhiều nước trên thế giới đã áp dụng rộng rãi. Vì vậy, cần hợp tác để học hỏi những kinh nghiệm của họ.

Thứ ba, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, làm thế nào để DN tự nhận thấy hiệu quả của việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mang lại.

Ông Nguyễn Nam Hải, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp: Cần sự phối hợp từ nhiều phía

Chương trình quốc gia này xác định tổng thể những giải pháp cần làm để thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Để chương trình thành công, cần sự phối hợp từ nhiều phía.

Phía Nhà nước cần có chính sách cụ thể khuyến khích DN tiếp cận công nghệ mới. Phía các cơ quan chuyên môn như tổ chức tư vấn, cơ quan đào tạo, tổ chức đánh giá chứng nhận thì phải nâng cao năng lực để có thể truyền tải giải pháp tốt nhất đến DN.

Còn bản thân DN cũng phải tính toán, cân nhắc đầu tư nguồn vốn để tiếp cận tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới. Chúng ta đang thiếu một đội ngũ cán bộ có chuyên môn tư vấn về năng suất và chất lượng. Cho đến nay, giáo dục đại học cũng chưa có chuyên ngành đào tạo những chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, đánh giá chứng nhận, áp dụng các công cụ và tiêu chuẩn hệ thống quản lý. Vì vậy, đây cũng là vấn đề mà ngành giáo dục cần quan tâm.

Ông Phạm Văn Tuấn, Phó trưởng phòng quản lý chất lượng, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - UDIC: DN không thể đứng ngoài cuộc

Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cách đây 10 năm còn là một chuyện xa xỉ với DN. Thời gian gần đây, vấn đề này có nhiều thay đổi nhưng thực sự vẫn là thách thức lớn đối với DN. Tuy nhiên, dù có nhiều thách thức, DN vẫn phải tìm cách vượt qua bởi hiện nay mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, thị trường rộng mở hơn, đa dạng phức tạp hơn. DN muốn phát triển không thể đứng ngoài cuộc chơi.

Theo tôi, thách thức lớn nhất trong việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào quá trình sản xuất, kinh doanh của DN là nhiều DN vẫn duy trì làm việc theo nếp cũ, không dễ dàng thay đổi một sớm một chiều. Để chương trình quốc gia này thành công, cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ đối với DN áp dụng hệ thống quản lý chất lượng mới một cách cụ thể, thiết thực hơn, ví dụ hỗ trợ một phần về kinh phí, nhân lực… Có chính sách phân biệt những DN áp dụng và những DN không áp dụng hệ thống quản lý chất lượng./.

Trong giai đoạn 2010-2015 sẽ tiến hành xây dựng mới 4.000 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), bảo đảm đồng bộ các TCVN cho các sản phẩm hàng hóa chủ lực của nền kinh tế; mục tiêu 45% TCVN của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực.

Bên cạnh đó, tiến hành quản lý bằng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với 100% các nhóm sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, vệ sinh, ô nhiễm môi trường. 40.000 DN được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng.

Và điều quan trọng nhất trong giai đoạn này là phấn đấu góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp trong tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) lên 30% vào năm 2015.

Trong giai đoạn 2016-2020, xây dựng mới thêm 2.000 TCVN; 60% TCVN của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn khu vực. 100% phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực đạt trình độ quốc tế. Giai đoạn này sẽ nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp trong tốc độ tăng GDP lên 35% vào năm 2020.

(Quyết định số 712/QĐ-TTg)

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên