Giảm chênh lệch giá vàng chỉ là mục tiêu tình thế

(VOV) - Để giá vàng trong nước bằng hoặc sát với giá thế giới thì thị trường trong nước phải liên thông với thị trường quốc tế.

Sau nhiều phiên đấu giá, chênh lệch vàng trong nước-thế giới ngày càng nới rộng, đỉnh điểm lên tới hơn 6 triệu đồng/lượng.

Giá vàng chênh cao gây tâm lý lo ngại

Ngay trong phiên thảo luận sáng nay (30/5) về tình hình kinh tế-xã hội 2012-2013, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ băn khoăn về việc điều hành, quản lý thị trường vàng thời gian qua.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng: Tại cuộc họp trước, Quốc hội cũng đưa ra yêu cầu khắc phục về quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước sát với thế giới. Nhưng sau các phiên đấu thầu của NHNN gần đây thì giá vàng trong nước – thế giới có lúc chênh nhau đến hơn 6 triệu đồng/lượng. Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng Thống đốc giải thích là ổn định thị trường chứ không phải mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với thế giới dù Nghị quyết của Quốc hội vẫn yêu cầu nội dung này và đã được thông qua với sự tán thành của nhiều thành viên chính phủ.

Cùng chung mối quan tâm này, đại biểu Trần Văn Vinh (đoàn Hải Phòng) cho rằng, vấn đề thị trường vàng, thời gian qua và hiện nay được nói rất nhiều trên các diễn đàn, các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng rõ ràng thị trường vàng trong một thời gian dài phát triển tự phát, không được quản lý chặt chẽ, không có định hướng cụ thể.

Mặc dù, NHNN cũng đã giải thích, cho rằng mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước-thế giới không ảnh hưởng tới tỷ giá thị trường ngoại tệ và không gây mất ổn định kinh tế vĩ mô như các giai đoạn trước đây. Nhưng điều này cũng gây tâm lý nhất định trong một bộ phận nhân dân. “Chúng tôi đề nghị và hy vọng, với hoạt động của NHNN, thời gian tới chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới sẽ thu hẹp dần theo đúng nghị quyết của Quốc hội đề ra” – đại biểu Vinh nói.

Chỉ một nội dung không thực hiện được…

Trong văn bản của Ngân hàng Nhà nước gửi đến các đại biểu Quốc hội khẳng định: Tuyệt đại đa số các yêu cầu, chỉ đạo của Quốc hội về quản lý thị trường vàng đã được Chính phủ thực hiện và bước đầu có kết quả rất tích cực, ngoại trừ nội dung: ".... phấn đấu không để giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn so với giá vàng thế giới...”.

Về khung khổ pháp lý cho thị trường vàng, NHNN cho rằng: Mặc dù mới chính thức có hiệu lực thi hành gần một nãm nay, nhýng khuôn khổ pháp lý mới mà nòng cốt là Nghị định 24 đã phát huy hiệu quả rõ rệt, đã khắc phục khá triệt để các bất cập của thị trường vàng giai đoạn trước và về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra.

Quyền sở hữu, tích trữ, mua, bán vàng miếng hợp pháp của người dân được bảo vệ; thị trường vàng đã được sắp xếp lại một cách cơ bản; trật tự, kỷ cương trên thị trường đã được xác lập, tạo tiền đề phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân; ngăn chặn được ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát, tăng Dự trữ ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô; vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng đã được nâng cao; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng ”vàng hóa” trong nền kinh tế; tình trạng đầu cơ, nhập lậu vàng đã được kiểm soát; vàng miếng không được sử dụng làm phương tiện thanh toán; tiến tới từng bước huy động được nguồn lực vàng trong dân phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Trở lại với việc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, NHNN cho rằng: Nước ta không phải là nước sản xuất vàng. Do vậy, để giá vàng trong nước bằng hoặc sát với giá vàng thế giới thì thị trường vàng trong nước phải liên thông tuyệt đối hoặc liên thông tương đối với thị trường vàng quốc tế.

Để thị trường vàng trong nước liên thông tuyệt đối với thị trường vàng thế giới thì chúng ta phải cho phép doanh nghiệp, và người dân kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài thông qua các sàn vàng, đồng thời phải cho phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu vô điều kiện số dư vàng trên tài khoản khi có nhu cầu.

Khi đó, nhà đầu tư (người mua, bán vàng) thông qua tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài, có thể mua bán vàng theo giá vàng thế giới vào bất kỳ thời điểm nào, hơn nữa, nhà đầu tư lại được xuất, nhập khẩu vàng tự do ra vào Việt nam. Như vậy, về nguyên tắc giá vàng thế giới và giá vàng trong nước sẽ tương trùng với nhau (loại trừ phí và thuế).

Theo NHNN, để thị trường vàng trong nước liên thông tương đối với thị trường vàng thế giới thì: hoặc (i) cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài thông qua các sàn vàng; không cho phép hoặc hạn chế việc xuất nhập khẩu vàng khi có nhu cầu; hoặc (ii) không cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài; cho phép xuất nhập khẩu vàng (một cách tự do hay có điều  kiện).

Khi đó, trong trường hợp (i): mặc dù được mua, bán vàng theo giá vàng thế giới vào bất kỳ thời điểm nào nhưng nhà đầu tư lại không được tự do xuất, nhập khẩu vàng ra vào Việt Nam nên giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn có chênh lệch tương đối.

Trong trường hợp (ii) mặc dù được xuất nhập khẩu vàng ra vào Việt Nam một cách tự do hay có điều kiện, nhưng lại không được mua bán vàng trên tài khoản vàng ở nước ngoài nên do hoạt động xuất nhập khẩu phải có thời gian, trong khi giá vàng thế giới lại biến động liên tục làm cho giá vàng trong nước vẫn chênh tương đối so với giá vàng thế giới.

Trong các trường hợp này, mức độ tự do xuất nhập khẩu vàng sẽ tác động trực tiếp đến mức độ chênh lệch. Mức độ tự do xuất nhập khẩu càng cao thì chênh lệch giá vàng càng thấp và ngược lại.

Về chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao và cao hơn nhiều so với trước đây, NHNN cho rằng, cái được lớn nhất là thị trường vàng ổn định, hoạt động đầu cơ bị đẩy lùi, không còn hiện tượng làm giá, tạo sóng để kiếm lời, không còn cảnh người dân đổ xô đi mua vàng, hiện tượng "vàng hóa” được kiềm chế và đầy lùi, thị trường vàng không còn ảnh hưởng mạnh lên thị trường ngoại hối như trước đây, tỷ giá ổn định, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định, ngoài ra đã mua lại được của dân gần 100 tấn vàng.

"Phân tích trên cho thấy, việc thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không làm bình ổn thị trường vàng, không loại bỏ được các tác động tiêu cực lên kinh tế vĩ mô, không làm giảm vàng hóa, mà trái lại, ở các chừng mực khác nhau lại có tác động ngược lại” – NHNN khẳng định.

Như vậy, mục tiêu làm cho chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức thấp chỉ là mục tiêu tình thế để hạn chế tác động tiêu cực trước mắt của thị trường vàng lên ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh ta chưa xây dựng được một khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên