Hà Nội: Nóng vấn đề khai thác quản lý công viên, hồ nước

“Đến giờ chúng tôi vẫn không đổ trách nhiệm cho ai, trách nhiệm vẫn là của UBND TP”- Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi khẳng định.

Tại kỳ họp này các đại biểu HĐND thành phố tập trung chất vấn lĩnh vực quản lý đô thị, kinh tế, an sinh xã hội và việc làm, đầu tư của các dự án, văn hóa xã hội…

Quy hoạch và quản lý đầu tư khai thác sử dụng một số công viên và hồ nước như công viên Tuổi trẻ, Thủ Lệ, Hòa Bình, công viên hồ Thành Công, Ba Mẫu… có nhiều tồn tại gây bức xúc trong nhân dân. Là vấn đề được đại biểu quan tâm chất vấn, đề nghị UBND Thành phố cho biết nguyên nhân thực trạng, trách nhiệm của UBND Thành phố và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới?.

Công viên Tuổi trẻ Thủ đô là dự án trọng điểm của thành phố nhưng đã 10 năm nay chưa hoàn thành và gây nhiều bức xúc trong dư luận cử tri. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Khôi cho biết: Quy hoạch công viên Tuổi trẻ Thủ đô phục vụ nhu cầu văn hóa, vui chơi thể dục thể thao nghỉ ngơi của nhân dân. Với diện tích quy hoạch 249.763m2, giai đoạn 1 gồm 180.770m2 đã hoàn thành các hạng mục: bể bơi, công viên nước, tượng đài Võ Thị Sáu… bước đầu đi vào hoạt động phục vụ nhu cầu của nhân dân. Giai đoạn từ 2001-2007 có 29 hạng mục đầu tư thì có 25 hạng mục sai quy hoạch, phải phá dỡ 23 hạng mục; việc GPMB giai đoạn 2 rất chậm, từ khi có quy hoạch chi tiết 1/500 được điều chỉnh, chưa triển khai thêm được hạng mục nào; việc xác định và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đối với các diện tích đất đang kinh doanh trong công viên chưa cụ thể, rõ ràng, một số diện tích thu tiền thuê đất mới chỉ là tạm tính. Từ quý II/2009 đến nay chưa lập hồ sơ để xác định tiền thuê đất đối với các diện tích đất được giao…

Ông Khôi thừa nhận, nguyên nhân của những tồn tại, sai phạm trên là do việc giao cho Công ty Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ không đủ năng lực tài chính làm chủ đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác. Mặt khác, đơn vị này không phải cơ quan chuyên ngành nên sự chỉ đạo không tập trung, thường xuyên; UBND quận Hai Bà Trưng chưa tập trung công tác GPMB giai đoạn 2, chưa chỉ đạo sát sao việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng; Đơn vị chủ quản chưa quan tâm chỉ đạo Công ty Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ, xử lý sai phạm theo ý kiến của UBND Thành phố; Công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng trong công viên bị buông lỏng, chậm xử lý, giải quyết… sự phối hợp giữa các bên thiếu chặt chẽ.

Ông Khôi khẳng định, UBND Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo quận Hai Bà Trưng, quận Hoàng Mai đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 Dự án, xây dựng khu tái định cư, hoàn thành công tác GPMB bàn giao cho chủ đầu tư trong năm 2013; khẩn trương cưỡng chế, giải tỏa tháo bỏ 7 công trình tái lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích trong quý III/2012; lập phương án để tách Công viên Tuổi trẻ ra khỏi Công ty Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ theo mô hình  Công ty công ích dưới sự quản lý nhà nước của Sở Xây dựng từ 1/11/2012.

Trả lời chất vấn của cử tri về các vấn đề liên quan tồn tại ở Công viên Đống Đa, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cho biết, dự án này UBND quận Đống Đa làm chủ đầu tư có diện tích 7,26 ha, phải GPMB khoảng 900 hộ dân và 4 cơ quan đơn vị. Đến nay đã GPMB được 2,65 ha.

Thực hiện xã hội hội hóa dự án này cũng đã nhận được đề nghị của nhà đầu tư Hunggary xin được vào nghiên cứu đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư có đề nghị điều chỉnh lại quy hoạch, dành một phần diện tích để kinh doanh, không đúng với quy hoạch đã được phê duyệt và không đủ năng lực tài chính để triển khai. Ông Khôi cho biết việc xã hội hóa kêu gọi nhà đầu tư vào các công viên là hết sức khó khăn, đến nay chưa có thêm nhà đầu tư nào đăng ký đầu tư xây dựng.

Tại dự án này, hiện nay đang có một nhà đầu tư trong nước là Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) đã có văn bản đề nghị xây dựng dự án công viên vui chơi giải trí, Trung tâm thể dục thể thao phục vụ nhân dân, trụ sở công quyền theo phương thức xây dựng-chuyển giao (BT). Hiện nhà đầu tư đang chủ động nghiên cứu và phối hợp với Viện Quy hoạch HN để lập quy hoạch dự án. Dự kiến dự án này sẽ thực hiện từ năm 2014-2015.

Liên quan đến Công viên Hòa Bình, ông Khôi cho biết, đã có một số tồn tại trong quá trình quản lý khai thác sử dụng hư hỏng phát sinh trong Công viên đã được các nhà thầu thực hiện chế độ bảo hành, khắc phục. Tuy nhiên, do lượng khách đến công viên ngày càng đông, ý thức của một số người dân chưa tốt nên còn hiện tượng xả rác trong công viên, ảnh hưởng cảnh quan chung; một số trường hợp lấn chiếm hè đường, bên ngoài để dựng lều lán kinh doanh, buôn bán, dịch vụ không đúng qui định, làm mất trật tự đô thị, vệ sinh môi trường…

UBND thành phố yêu cầu UBND huyện Từ Liêm chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ, kiểm tra, quản lý, tổ chức giải tỏa lều lán, đảm bảo trật tự trị an, vệ sinh môi trường xung quanh công viên. Hiện nay, công tác quản lý từng bước được ổn định, trật tự trị an tốt hơn.

Đối với dự án  công viên hồ Ba Mẫu, ông Khôi cho biết dự án đã được khởi công ngày 13/9/2011, đến nay đã thi công hoàn chỉnh đường, hè, thoát nước, chiếu sáng đối với diện tích đã GPMB với chiều dài khoảng 900 m toàn tuyến. Phần còn lại khoảng 200m hiện đang được UBND quận Đống Đa thực hiện giải phóng mặt bằng. Tại phường Trung Phụng có 25 phương án, phường Phương Liên có 29 phương án cần di chuyển, cắt xén. Đây là phần vướng mắc về GPMB kéo dài do một số hộ gia đình không hợp tác trong công tác điều tra kê khai. UBND thành phố đã giao Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa là đầu mối chỉ đạo, điều hành công tác GPMB Dự án; chỉ đạo chủ đầu tư bố trí 4-5 cán bộ hàng ngày làm việc theo chỉ đạo của UBND quận Đống Đa để giải quyết dứt điểm công tác lên phương án, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, kết thúc trong tháng 7/2012.

Đồng thời, UBND TP cũng đã yêu cầu Sở Tài chính, Sở KH&ĐT bố trí ngay 36 tỷ đồng để trả tiền hỗ trợ, đền bù cho các hộ dân trong tháng 7/2012 và 20 tỷ đồng cho công tác xây lắp hạ tầng, tái định cư. UBND quận Đống Đa đã cam kết các hộ dân tạm cư trong 6 tháng để có mặt bằng thi công. Như vậy, công tác GPMB xong trong tháng 7/2012. Hoàn thành tiến độ thi công quý IV/2012.

Trả lời các chất vấn cụ thể của từng đại biểu, liên quan đến việc xã hội hóa đầu tư xây dựng các công trình công viên, hồ, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi  cho biết, do các nhà đầu tư khi tham gia dự án đều muốn có phần diện tích trong công trình dành cho thương mại, dịch vụ, như vậy là sai quy hoạch và phá vỡ cảnh quan của công viên nên Thành phố không cho phép. Chính vì vậy, việc thu hút đầu tư, xã hội hóa đầu tư là rất khó thực hiện. Tuy nhiên, Thành phố vẫn đang tiếp tục nghiên cứu cơ chế để có thể đẩy mạnh xã hội hóa. Theo Phó chủ tịch, đến nay, toàn Thành phố có 2 công viên đã xã hội hóa đầu tư được là Công viên Dịch Vọng và Công viên Yên Sở.

Chất vấn của đại biểu về việc quản lý quy hoạch Công viên hồ Thành Công, ông Khôi cho biết, theo quy hoạch được phê duyệt từ trước, xung quanh hồ Thành Công đã dành một số diện tích để xây dựng một số công trình. Hiện các đơn vị đều thực hiện đúng việc xây dựng trong phần đất đã được phê duyệt, chỉ có khác là một số đơn vị xin điều chỉnh quy hoạch theo hướng gia tăng mật độ xây dựng, trong đó có một số đơn vị đã được chấp thuận, còn lại 3 dự án đang xin điều chỉnh nhưng chưa được chấp thuận.

Giám đốc Sở Quy hoạch Hà Nội Nguyễn Văn Hải bổ sung, quy hoạch hồ Thành Công đã được UBND TP phê duyệt từ cuối 2004, trước đó trong nghiên cứu quy hoạch quận Đống Đa đã có xác định các ô đất xây các công trình. Đến nay, về cơ bản các công trình vẫn giữ đúng ranh giới, tính chất của các công trình. Tòa nhà làm việc của Tập đoàn dầu khí, trước đây vốn là phần đất quy hoạch  xây dựng 1 khách sạn 5 sao, sau đó Tập đoàn dầu khí đã mua lại dự án này và xây đúng như quy hoạch. Ông Hải cho biết thêm 3 dự án đang xin điều chỉnh quy hoạch, quan điểm của Thành phố là vẫn phải theo đúng quy hoạch.

Trước các ý kiến của nhiều đại biểu, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi khẳng định mọi hoạt động của Thành phố, dù to hay nhỏ, UBND TP phải chịu trách nhiệm. “Đến giờ chúng tôi vẫn không đổ trách nhiệm cho ai, trách nhiệm vẫn là của UBND TP”- ông Khôi nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên