Hàng loạt các dự án sai phạm trong chỉ định thầu

Hàng loạt những sai phạm tại nhiều dự án tại Ninh Bình, Phú Thọ, Hà Nam… gây thiệt hại lớn được Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra.

Thanh tra Chính phủ vừa hoàn tất kết luận thanh tra về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Kế hoạch - Đầu tư trong việc thực hiện Luật Đấu thầu sau đợt khảo sát một số dự án của các bộ, ngành, địa phương. Hàng loạt những sai phạm, khuyết điểm với hậu quả gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước được Thanh tra Chính phủ chỉ ra.

Mục tiêu của Chính phủ cho áp dụng chỉ định thầu với những dự án cấp bách để đẩy nhanh tiến độ nhưng thực tế, nhiều nơi lại lợi dụng chủ trương này để chỉ định thầu vượt thẩm quyền nhiều dự án. Theo Thanh tra Chính phủ, việc tổ chức thẩm định các dự án cấp bách được áp dụng chỉ định thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và theo văn bản số 229 năm 2009 của Thủ tướng. Tuy vậy, qua thanh tra đã phát hiện một tình trạng phổ biến ở một số địa phương và Bộ Giao thông - Vận tải là đã chỉ định thầu cùng lúc nhiều gói thầu có giá trị lớn cho một số nhà thầu như doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, Tập đoàn Xuân Thành, Công ty CP tập đoàn xây dựng DĐK…

Khu du lịch sinh thái Tràng An, Ninh Bình

Chính việc chỉ định thầu “bất thường” trên đã dẫn đến nhà thầu bị quá tải, không đủ năng lực thi công, năng lực tài chính, không đáp ứng yêu cầu về mặt tiến độ của gói thầu. Dự án kéo dài, hiệu quả kinh tế thấp, gây bức xúc về xã hội ở địa phương, đặc biệt là các dự án giao thông. Nổi lên là một số công trình như: Dự án điều chỉnh QL 32C đoạn qua TP. Việt Trì, Phú Thọ do Sở Giao thông - Vận tải tỉnh này làm chủ đầu tư nhưng chưa có tờ trình của Bộ Giao thông - Vận tải, chỉ có tờ trình của UBND tỉnh nhưng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư “vô tư” thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt, cho phép chỉ định thầu.

Sở Giao thông - Vận tải Hà Nam có tới ba dự án được làm chủ đầu tư tại tờ trình của UBND tỉnh và của Bộ Giao thông - Vận tải cam kết khởi công năm 2009 và hoàn thành vào 2010 với số vốn lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, đó đều là những dự án “rùa bò”, một dự án khởi công muộn tới 7 tháng, hai dự án còn lại “hứa hẹn” tới tháng 9/2012 và tháng 6/2013 mới hoàn thành như dự án nâng cấp QL1A đoạn Phủ Lý - cầu Đoan Vĩ.

Nhiều dự án của ngành giao thông với giá trị tổng chỉ định thầu lớn tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình… vừa chậm tiến độ, vừa không được bố trí đủ vốn như cam kết khi xin cơ chế chỉ định thầu. Thanh tra cũng cho biết, các dự án nằm trong danh mục chỉ định thầu chủ yếu sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và hầu hết chưa được bố trí đủ vốn, phần lớn là trong khoảng từ 20-60% giá gói thầu.

Thực tế các bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện đúng cam kết bố trí đủ vốn khi trình văn bản xin phép chỉ định thầu. Một số dự án đầu tư còn vượt quá khả năng thực tế, không tập trung đủ nguồn lực của Trung ương cũng như địa phương nên dẫn đến không có khả năng thực hiện dự án hoặc dự án bị kéo dài quá lâu và lấy lý do đó làm nguyên nhân xin áp dụng chỉ định thầu và yêu cầu nhà thầu ứng vốn thi công sai với quy định của Luật Đấu thầu.

Thậm chí, một số dự án chưa có quyết định đầu tư, chưa được bố trí vốn, chưa có thiết kế kỹ thuật và dự toán được duyệt; lý do không hợp lý, các cam kết về vốn, tiến độ không khả thi nhưng quá trình thẩm định không được phân tích, làm rõ, kiến nghị cụ thể báo cáo Thủ tướng. Các dự án được kể tên như dự án giao thông cấp bách xử lý ùn tắc giao thông, dự án phục vụ 1.000 năm Thăng Long… đến nay cái thì đang làm, cái thì đắp chiếu.

Việc tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư xây dựng công trình cho nhà thầu là doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường tại dự án xây dựng Quảng trường và Tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế và dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu sinh thái Tràng An do Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Ninh Bình làm chủ đầu tư còn bất hợp lý, không phù hợp về tiến độ dự án, gây thiệt hại cho ngân sách.

Được biết, tại Ninh Bình, có hai dự án được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cam kết hoàn thành trước tháng 10/2010 để phục vụ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nhưng đến hết năm 2011 các gói thầu xây lắp chính không hoàn thành, khối lượng thi công đạt tỷ lệ rất thấp, việc tạm ứng và hoàn ứng vốn chưa hợp lý để nhà thầu chiếm dụng số tiền lớn. Dự án xây dựng Quảng trường và Tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế tổng mức đầu tư là 1.543 tỷ đồng, gói thầu xây lắp chính có giá hơn 1.000 tỷ đồng chỉ định cho doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, năm 2010 chủ đầu tư đã tạm ứng cho nhà thầu hơn 700 tỷ đồng nhưng giá trị khối lượng hoàn thành nghiệm thu tới tháng 10/2011 mới chỉ đạt 145 tỷ đồng.

Tại dự án khu sinh thái Tràng An, sau nhiều lần điều chỉnh bổ sung các dự án thành phần số tiền đầu tư lên tới gần 9.000 tỷ đồng. Thế nhưng khối lượng công việc hoàn thành mới đạt rất nhỏ, chỉ vài trăm tỷ đồng.

Việc Thanh tra Chính phủ “sờ gáy” một số dự án ở các bộ, ngành, địa phương đã cho thấy ngân sách Nhà nước bị thiệt hại không nhỏ do các sai phạm trong chỉ định thầu. Tới đây, chắc chắn những sai phạm sẽ được kiểm trách nhiệm và làm rõ. Tuy nhiên để tình trạng này xảy ra trong một thời gian lâu và mức thiệt hại lớn như vậy thì đó đâu chỉ là lỗi của chủ đầu tư những công trình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên