Hiện đại hóa thể chế để tạo môi trường kinh doanh tốt

Cải cách thể chế đạt hiệu quả, môi trường kinh doanh sẽ tốt lên và ngược lại. Thể chế là vấn đề trung tâm, giải quyết tốt được vấn đề này, sẽ giải quyết được hai nút thắt còn lại của tăng trưởng là hạ tầng và nhân lực.

Không phải ngẫu nhiên mà Báo cáo Phát triển Việt Nam 2010 của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được công bố cuối tuần qua lấy chủ đề là “Thể chế hiện đại”.

Theo báo cáo này, thể chế không phải là một công trình hay tổ chức, thể chế là các quy định, theo đó, các cá nhân, công ty và Nhà nước tác động lẫn nhau. Báo cáo tập trung vào việc trao quyền và trách nhiệm giải trình, hai khía cạnh của thể chế hiện đại và là những khía cạnh đổi mới quan trọng nhất của Việt Nam trong hai thập kỷ qua.

Báo cáo đánh giá: Trong hai thập kỷ đổi mới, việc trao quyền và trách nhiệm cho các chủ thể được phân cấp, trong trường hợp này là nông dân và doanh nghiệp, và cho phép họ tự quyết định hoạt động của mình đã đem lại những kết quả đáng mừng mà những biện pháp kiểm soát quan liêu trước đó không thể làm được.

Luật Doanh nghiệp năm 1999 như là một ví dụ điển hình về tác động tốt của việc cải cách thể chế đến môi trường kinh doanh. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng, Luật Doanh nghiệp 1999 đã trả lại quyền tự do kinh doanh cho người dân, nhờ vậy ngay lập tức tạo nên sự bùng nổ, phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo bà Phạm Chi Lan, nỗ lực giảm đầu mối cơ quan quản lý đã thành công bước đầu, nhưng việc xác định lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này chưa đạt kết quả tương xứng. Việc giảm trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước chưa được bao nhiêu, phần trao quyền chưa được thể hiện rõ, hệ quả là bộ máy Nhà nước vẫn còn cồng kềnh, hiệu suất hoạt động thấp. Các cơ quan còn ôm đồm quá nhiều việc. Còn chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước mà điển hình là việc quản lý vấn đề vệ sinh thực phẩm…, trong khi cơ chế phối hợp còn kém hiệu quả dẫn đến tốn kém thời gian, nhân lực và giảm hiệu quả trong nhiều lĩnh vực quản lý. Điều này tác động xấu đến môi trường kinh doanh. Việc trao quyền nhưng việc giúp các địa phương nâng cao năng lực để thực hiện tốt quyền của mình chưa được thực hiện tương xứng. Năng lực thực hiện giữa các địa phương có độ vênh nhau rất lớn.

Từ thực tế đó, bà Lan cho rằng, để môi trường kinh doanh tiếp tục tốt lên, việc cải cách thể chế trong thời gian tới cần ưu tiên cho 3 vấn đề: kiện toàn bộ máy quản lý, hiện đại hoá hệ thống xây dựng pháp luật và đẩy mạnh cải cách hành chính. Cải cách hành chính đang đạt được tiến bộ ban đầu của Đề án 30, với chủ trương cắt giảm 30% thủ tục vào tháng 10/2010.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cải cách tiền lương cũng là một vấn đề cần thực hiện đồng thời. Theo điều tra cách đây 3 năm, lương của công chức Nhà nước chỉ chiếm 30% tổng thu nhập của họ, điều này tác động không nhỏ đến thái độ, trách nhiệm với công việc cũng như hệ luỵ nhũng nhiễu, tham nhũng…

Đánh giá về báo cáo, chuyên gia Đặng Ngọc Dinh cho rằng, việc báo cáo tập trung vào trao quyền và trách nhiệm giải trình là hai vấn đề rất mới đối với Việt Nam. Đặc biệt, về trách nhiệm giải trình, báo cáo đề cập ở hai khía cạnh: giải trình hướng lên trên và giải trình hướng xuống dưới, trong đó, trách nhiệm giải trình hướng xuống dưới, tức là cấp trên phải có trách nhiệm giải trình, trả lời người dân, cấp dưới khi có yêu cầu được các chuyên gia đánh giá là một vấn đề mới đối với Việt Nam mà báo cáo đã nêu ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên