Khát vọng nâng cao thương hiệu, tạo giá trị cho sản phẩm nông nghiệp
VOV.VN - Theo các chuyên gia, để nâng cao thương hiệu, tạo giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, cần phải liên kết “4 nhà”, tăng năng suất, giảm giá thành…
Nhiều chuyên gia kinh tế nêu rõ trong vòng 20 năm nữa, Việt Nam vẫn phải đứng trên “đôi chân nông nghiệp”. Do vậy, nông nghiệp chính là tương lai, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế đất nước. Chính vì thế, vấn đề cấp thiết đặt ra trong năm mới Bính Thân 2016 là “4 nhà” cần phải bắt tay chặt hơn nữa để nâng cao “sức đề kháng” cho nông nghiệp mà trọng tâm là nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành. Đây cũng là ước muốn và kỳ vọng trong năm mới Bính Thân 2016 mà nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nước ở khu vực ĐBSCL quyết tâm đeo đuổi và thực hiện.
ĐBSCL: Liên kết 4 nhà hỗ trợ phát triển nông nghiệp
Bên cánh đồng lúa chín vàng chờ ngày thu hoạch, ông Nguyễn Minh Hiếu, xã Vọng Thê, Thoại Sơn tham gia mô hình cánh đồng lớn của tỉnh An Giang cho biết năm nay tiếp tục là năm thuận lợi trong sản xuất lúa gạo bởi đầu ra ổn định. Từ những ngày đầu tham gia mô hình cánh đồng lớn, đến nay ông luôn an tâm khi đầu ra hạt lúa được ổn định thông qua hợp đồng ký kết với doanh nghiệp.
Ông Hiếu cho biết, việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản làm cho nông dân giảm bớt gánh nặng, bởi không còn cảnh chạy lo bán lúa như trước. Tuy nhiên, trước yêu cầu xây dựng thương hiệu lúa gạo hàng hóa nông sản và các tiêu chuẩn chất lượng phục vụ xuất khẩu, ông và nhiều nông dân khác luôn trong tâm thế sẵn sàng để tham gia sản xuất lúa gạo đạt chất lượng cao.
Xuân về trên cánh đồng mẫu lớn |
Theo PGS-TS Dương Văn Chín, nguyên Phó viện trưởng, Viện lúa ĐBSCL, năm 2015 vừa qua là một năm mà ngành Nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chưa thuận lợi về mặt giá cả và thị trường. Một số sản phẩm xuất khẩu, chất lượng vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của khách hàng. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩu, nhất là mặt hàng lúa gạo vẫn còn những khó khăn.
Do vậy, PGS-TS Dương Văn Chín cho rằng cần tiếp tục gắn sản xuất với tiêu thụ thông qua mô hình “Cánh đồng lớn”, phải có được những doanh nghiệp tiên phong. “Về mặt khoa học kỹ thuật, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã nghiên cứu được nhiều đề tài, kết quả rất tốt. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là xác định được sản phẩm nông nghiệp thể kinh doanh có lời, xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước; đồng thời quy tụ được nhiều nông dân tham gia. Tức là phải có doanh nghiệp sản xuất với khối lượng lớn, nhiều nông dân tham gia với doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa chất lượng, khối lượng lớn. Như thế mới có thể làm chuyển biến nền nông nghiệp Việt Nam. Từ đó, trên mỗi đơn vị diện tích mới có thể gia tăng thu nhập cho nông dân,” TS Chín phân tích.
Thị trường lúa gạo sôi động đến đầu 2016
Không chỉ với nông dân và nhà khoa học kỳ vọng vào một năm mới Bính Thân đạt thêm nhiều thành công mới mà với các doanh nghiệp tham gia trong chuỗi sản xuất lúa gạo cũng thể hiện rõ quyết tâm. Tập đoàn Lộc Trời (tiền thân là Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang) lần đầu tiên cùng với 8 quốc gia khác, cũng đưa chuẩn mực đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo bền vững (gọi tắt là SRP) áp dụng vào hoạt động sản xuất lúa gạo trong các mô hình cách đồng lớn tại An Giang. Trong đó, việc tuân thủ bộ tiêu chuẩn đầu tiên của thế giới về lúa gạo bền vững với 46 bộ tiêu chí và 8 vấn đề trên các chu kỳ cây trồng sẽ mở ra cơ hội lớn cho hoạt động xây dựng thương hiệu ở quy mô toàn cầu cho lúa gạo Việt Nam.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết: “Chúng ta cũng có đủ tiềm năng khi bà con nông dân có kinh nghiệm. Điều kiện sản xuất cũng rất tốt. Lực lượng khoa học kỹ thuật khá đầy đủ. Nhất là bây giờ chúng ta có giống lúa đạt được vào nhóm 3 nước được công nhận ngon nhất thế giới. Từ đó cho phép chúng ta tự tin hơn trong việc tham gia chương trình lớn của quốc tế, trong cuộc chơi mang tính toàn cầu. Để đảm bảo rằng sản xuất lúa gạo Việt Nam vốn đã có đủ điều kiện thì bây giờ chứng minh với quốc tế rằng chúng ta có đủ điều kiện để có vị thế trên toàn cầu về chất lượng, về độ ngon. Nhất là sự an toàn trong chuỗi bền vững mà chúng ta đã thực hiện”.
Đưa chuẩn mực đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo bền vững áp dụng vào hoạt động sản xuất lúa gạo |
Mới đây nhất, trong văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng đã nêu rất rõ sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại. Cụ thể hóa chủ trương này, về phía địa phương có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân nêu rõ, về phía địa phương sẽ tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp; đồng thời, hoàn thiện, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên nhiều sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nông nghiệp. Phát triển mạnh công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản có hàm lượng khoa học- công nghệ và tạo giá trị gia tăng cao. Phấn đấu đến năm 2020, phần lớn các sản phẩm nông nghiệp đều qua chế biến trước khi ra thị trường.
Bà Võ Thị Ánh Xuân khẳng định: “Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh thì sắp tới Tỉnh ủy sẽ tiếp tục thực hiện một cách quyết liệt, mạnh mẽ hơn các chủ trương đã đề ra nhưng làm chưa nhiều. đó là làm sao thay đổi cách làm trong sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng giá trị của nông sản; tăng thu nhập và vị thế của người nông dân; đồng thời đáp ứng được yêu cầu hội nhập rất khó khăn trong giai đoạn tới”.
Một mùa Xuân nữa lại về với đất nước, với vùng châu thổ Cửu Long, mở ra những niềm tin và hy vọng đối với những lĩnh vực mà khu vực này có thế mạnh. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, có thể nói, việc đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đặc biệt ở ĐBSCL là một yêu cầu bức thiết đặt ra. Trong đó, trọng tâm mà các thành phần tham gia trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa gạo yêu cầu là đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp theo phương châm “lấy tổ chức lại sản xuất làm cơ sở, ứng dụng thành tựu khoa học- kỹ thuật, công nghệ làm khâu đột phá, lấy thị trường làm tiền đề và mục tiêu”./.