Khát vọng từ lòng đất

Ngày 8/9, ngày hội trọng đại: “Triển khai thực hiện gói thầu: “Thi công bóc đất tầng phủ - Dự án mỏ sắt Thạch Khê” đã diễn ra, ghi dấu ấn cho một tiềm năng khoảng sản khổng lồ đang thức dậy để làm giàu cho Tổ quốc.

Thao thức trăm năm mãi đợi chờ

Năm 1962, trong lúc dùng máy bay trắc địa và lập bản đồ toàn miền Bắc, Đoàn địa chất 35 phát hiện tính dị thường của máy bay khi bay qua vùng trời xã Thạch Khê và vùng phụ cận. Cuối năm 1963, Đoàn địa chất số 8 được lệnh của Trung ương đang thăm dò ở Thái Nguyên di chuyển vào Hà Tĩnh kiểm tra hiện tượng dị thường Thạch Khê bằng các lỗ khoan và lập bản đồ đẳng từ trên diện tích 80 km2, đã khẳng định bản chất vật thể gây ra hiện tượng dị thường là quặng sắt Magnetit.

Mặc dù, thời đó chiến tranh phá hoại ác liệt, nhưng công tác nghiên cứu, thăm dò tỉ mỉ của các đoàn địa chất cùng sự trợ giúp của chuyên gia Liên Xô vẫn được tiến hành. Trong suốt những năm thăm dò, đã khoan 65.736,43 m khoan, lấy 15.619 mẫu đất đá và quặng sắt nghiên cứu, lỗ khoan sâu nhất đạt 1007m. Kỳ tích của mỏ sắt Thạch Khê là thân quặng gốc cứ xuống sâu 100m thì trữ lượng tăng thêm 100 triệu tấn và duy trì chỉ số này cho đến độ sâu âm 400m. Điều này chứng tỏ thân quặng rất ổn định, trữ lượng quặng rất lớn, có thể gần 700 triệu tấn, trữ lượng khai thác công nghiệp khoảng 544 triệu tấn. Đây là mỏ có trữ lượng lớn, hàm lượng sắt cao 62%, đồng thời là mỏ chiếm ½ trữ lượng quặng sắt của cả nước.

Việc đánh thức tiềm năng của mỏ sắt Thạch Khê đã sớm được Đảng và Nhà nước đặt ra. Tuy nhiên, suốt 50 năm qua, quá trình thực hiện gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt là vấn đề công nghệ khai thác mỏ. Bên cạnh đó, mỏ sắt Thạch Khê có vị trí sát bờ biển có nền địa chất yếu, lượng quặng tập trung ở độ sâu đến gần 1km âm, hàm lượng kẽm trong sắt lớn… Những năm 80 của thế kỷ trước, Chính phủ đã đề ra ý định xây dựng Hà Tĩnh trở thành một trung tâm luyện thép thứ 2 của cả nước với nhà máy luyện thép có công suất 1,5 triệu tấn/năm dựa trên cơ sở tiềm năng của mỏ sắt Thạch Khê. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và biến động kinh thế-chính trị thế giới nên dự án này chưa thể thành hiện thực.

Hôm nay thức dậy ngỡ trong mơ

Đến những năm đầu thế kỷ XX, vận hội cho Thạch Khê lại đến. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các nhà thầu tư vấn quốc tế cùng các nhà khoa học hàng đầu của cả nước đã hoàn chỉnh báo cáo khả thi, thiết kế kỹ thuật cho dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Ngày 17/5/2007, Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê được thành lập trên cơ sở hợp lực của 9 tập đoàn và Tổng công ty lớn trong nước với số vốn pháp định là 2.400 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Thép Việt Nam và Tổng Công ty Khoán sản-Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) góp 74% số vốn. Chính phủ cũng đã dành cho những cơ chế đặc biệt để tạo điều kiện cho việc khai thác mỏ sắt được thuận lợi nhất. Đây là dự án trọng điểm cấp quốc gia do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 630 triệu USD.

Để phục vụ cho việc khai thác mỏ Sắt Thạch Khê, nhiều thế hệ lãnh đạo của tỉnh Nghệ-Tĩnh (cũ) và nay là tỉnh Hà Tĩnh đã có sự chuẩn bị bền bỉ, khát khao. Hiện nay, mỏ sắt Thạch Khê đang triển khai các dự án xây dựng đường nối quốc lộ 1A đi mỏ sắt, xây dựng đường nối mỏ sắt đi khu kinh tế Vũng Áng, khởi công xây dựng hồ chứa nước Ngàn Trươi 800 triệu m2 để cung cấp nước cho khai thác quặng... Ngày 8/9/2009, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chính thức làm lễ khởi công “Triển khai thực hiện gói thầu: Thi công bóc đất tầng phủ - Dự án mỏ sắt Thạch Khê”.

Ông Hồ Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê cho biết: “Đây là giai đoạn đầu của dự án, có tổng mức đầu tư lên tới 9.932 tỷ đồng. Nếu mỏ khai thác ở độ sâu 500m, theo tính toán số quặng sắt thu được là 370 triệu tấn trong thời gian 47 năm. Ở giai đoạn tiếp theo sẽ khai thác ở độ sâu 750m, thời gian kéo dài tới 50 năm và sản lượng quặng ước đến 544 triệu tấn, ước tính lợi nhuận từ mỏ sắt Thạch Khê đạt đến 18%.”.

Theo đó, Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê sẽ khai thác với công suất 10 triệu tấn quặng sắt/năm. Dự án Nhà máy luyện phôi đặt tại Khu kinh tế Vũng Áng có công suất giai đoạn 1 là 2 triệu tấn năm, sau đó nâng lên 4 triệu tấn/năm. Ngày 17/4/2008, Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê đã tiến hành ký hợp đồng lập dự án đầu tư với Công ty HHCP kỹ thuật luyện kim Trung Quốc, dự kiến tổng mức đầu tư 1 tỷ USD, ước tính doanh thu từ quặng sắt và phôi đạt 10.000 tỷ đồng/năm. Để có giờ phút thiêng liêng bấm nút đánh thức tiềm năng tài nguyên quốc gia này, với truyền thống “xe chưa qua, nhà không tiếc”, 5.868 hộ với hơn 26.000 dân thuộc 6 xã: Thạch Khê, Thạch Hải, Thạch Đỉnh, Thạch Trị, Thạch Lạc, Thạch Bàn của huyện Thạch Hà có mặt bằng 3.898,24 ha liên quan đến mỏ sắt đang háo hức di dời, tái định cư.

Ông Lê Văn Ngọc, xóm trưởng xóm 8, xã Thạch Đỉnh (nhà bị giải toả 1000m2 nhà và đất ở, 500m2 ruộng) rất phấn khởi đi xem lễ khởi công và xúc động nói: “Tôi rất vui bởi giấc mơ làm giàu quê hương nay đang thành hiện thực. Thú thật, suốt mấy chục năm qua, đã có lúc chúng tôi tưởng rằng dự án không thể thực hiện. Giờ thì vui lắm rồi…!”.

Đến nay, đã có các điểm tái định cư tại các xã Thạch Khê với diện tích 59,9 ha, xã Thạch Đỉnh (26,8 ha), xã Thạch Bàn (41,7 ha), xã Thạch Hải (30,4 ha). Huyện Thạch Hà và tỉnh Hà Tĩnh đang tích cực triển khai quy hoạch và tạo dựng hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư, các công trình phúc lợi xã hội, hệ thống hoạt động phụ trợ, các dịch vụ cung ứng lương thực, thực phẩm, dịch vụ thương mại… Mỏ sắt Thạch Khê đi vào hoạt động sẽ hình thành khu công nghiệp rộng 35 km2 với các khu hành chính, chuyên gia, làng công nhân, khu tái định cư cùng các khu tuyển quặng, bãi chứa, thải (chứa 450 triệu m3 đất)... Bên cạnh những con số về doanh thu, lợi nhuận, mỏ sắt Thạch Khê còn giải quyết gần 10.000 việc làm, chủ yếu là lao động địa phương.

Tại buổi lễ khởi công, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: “Mỏ sắt Thạch Khê không chỉ góp phần làm giàu cho Tổ quốc, mà còn góp phần quy hoạch lại khu dân cư, quy hoạch ngành nghề, đưa huyện Thạch Hà trở thành vùng mới, lao động trong vùng mới, thu nhập và thụ hưởng đời sống vật chất và tinh thần trong điều kiện mới”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên