Kinh tế thị trường sao còn trông chờ nhà nước bình ổn giá?
VOV.VN - Nhiệm vụ quan trọng của một Nhà nước có nền kinh tế thị trường là thúc đẩy và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh chứ không phải là "bình ổn giá"
Báo cáo “Việt Nam chuyển đổi - Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và Thị trường của người Việt Nam” do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) thực hiện cho biết, trong năm 2014 qua khảo sát vẫn có tới 75% số người cho rằng, vẫn cần có bàn tay can thiệp của Nhà nước vào giá cả các mặt hàng thiết yếu.
Mong muốn này không quá khó hiểu khi vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố tác động làm méo mó thị trường. Song, chính tâm lý ngước lên Nhà nước của số đông dư luận lại tạo nên một bộ mặt méo mó khác.
Thời điểm cuối năm 2013 đến giữa năm 2014, khi nền kinh tế ở vào đáy của cuộc khủng hoảng hậu bong bóng, những lời than phiền về vật giá như thường lệ, xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sữa bột cho trẻ em là một trong những mặt hàng bị kêu ca nhiều nhất về giá cả, bởi nó là câu chuyện hàng ngày của mỗi gia đình.
Trước những thúc bách của dư luận, của truyền thông, ngày 20/5/2014 Bộ Tài Chính đã ban hành Quyết định 1079 để bình ổn giá đối với trẻ em dưới 6 tuổi. Theo đó, 25 nhãn hàng sữa bị áp giá tối đa (giá trần). Một quyết định thể hiện sự “ra tay dũng mãnh” của cơ quan quản lý Nhà nước đối với thị trường.
60% người dân cho rằng không được hưởng lợi, hoặc hưởng lợi rất ít từ việc bình ổn giá sữa. (Ảnh minh họa: KT) |
Một năm sau, thành công đó được phát huy bằng Quyết định số 857/QĐ-NTC tiếp tục áp giá trần đối với 25 nhãn hàng sữa đến hết năm 2016. Nhưng đó chỉ là một thành công theo phép thắng lợi tinh thần.
Trên thực tế, 1 năm sau khi Nhà nước áp trần giá sữa, mọi con số đều chứng minh chính sách đó không mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp. Theo công bố của Nielson (ngày 26/7/2015), tiêu thụ sữa bột tại khu vực thành thị giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đơn cử như doanh thu của Vinamilk, năm 2014 chỉ đạt hơn 98% kế hoạch mà đại hội đồng cổ đông đã phê duyệt, dù đã tăng trưởng 13% so với năm 2013. Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, doanh số các mặt hàng sữa bột dưới 6 tuổi bị trừ từ 30% - 33%, sản phẩm càng bán càng lỗ.
Áp giá trần là một giải pháp bình ổn giá, về lý thuyết nhằm để giúp người dân dễ tiếp cận hàng hóa hơn. Song, thực tế thì hành vi tiêu dùng của người dân lại thay đổi theo chiều hướng ngược lại khiến việc tiêu thụ ít hơn.
Câu chuyện này tưởng như mâu thuẫn, song việc áp giá trần khiến các doanh nghiệp ngần ngại đầu tư sản phẩm mới, nguồn cung giảm, và giá sữa trên thị trường bán lẻ thì vẫn không thể kiểm soát, lại trở nên đắt đỏ hơn. Bởi thế, cũng theo khảo sát của VCCI, có tới 60% người trả lời cho rằng họ không được hưởng lợi, hoặc hưởng lợi rất ít từ việc can thiệp giá sữa của Nhà nước.
Việc can thiệp thị trường bằng mệnh lệnh hành chính, bằng các biện pháp lợi bất cập hại không chỉ thể hiện bằng những thống kê về doanh thu. Nguy hiểm hơn, tư duy cho rằng các mệnh lệnh hành chính của Nhà nước là cây đũa thần - có thể can thiệp vào thị trường bất cứ lúc nào - lại chính là một vật cản trên con đường hình thành các chính sách có khả năng kiểm soát thị trường. Nó khiến cho những hàng rào kỹ thuật để kiểm soát hàng hóa trở thành xa xỉ và không cần thiết. Khi người ta tin rằng mình có một cây đũa thần chỉ đâu chết đó, chẳng ai lại mất công rèn luyện các kỹ năng để chiến thắng làm gì.
Nếu có thể can thiệp vào giá một cách hiệu quả bằng mệnh lệnh hành chính, người nông dân sẽ chẳng phải lo chuyện được mùa rớt giá, và quả bóng bất động sản chẳng thể bị bơm lên đến mức vỡ tung.
Bát mì của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ở sân bay cũng là một sự can thiệp giá bằng mệnh lệnh hành chính. Đó cũng là một cú ra tay can thiệp dũng mãnh, và kết quả chỉ là một câu truyện cười khi ông Bộ trưởng không thể mỗi ngày lại yêu cầu phải hạ giá một món ăn.
Khi người ta còn tin tưởng rằng, có thể giải quyết những bức xúc của công chúng về giá cả bát mì bằng một quyết định của ông Bộ trưởng, thì câu chuyện độc quyền kinh doanh chẳng còn là vấn đề gì to tát. Chỉ cần một cái lệnh được phát ra là bát mì đã có giá trần. Thần thông thế! Tại sao phải đau đầu để phá bỏ thế độc quyền dịch vụ hàng không?
Sự can thiệp vào giá, đối với bất cứ một Nhà nước nào cũng là cần thiết. Song, không thể can thiệp một cách tùy tiện, do sự hối thúc của dư luận, và làm ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh lành mạnh của thị trường. Đảm bảo bình ổn giá là một nhiệm vụ của Nhà nước, song nhiệm vụ quan trọng hơn đối với một Nhà nước có nền kinh tế thị trường là thúc đẩy cạnh tranh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, cung cấp thông tin thị trường và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng để họ có thể đưa ra những chọn lựa thông minh./.
Kinh nghiệm can thiệp giá trong khu vực:
Malaysia: “Đóngbăng”: Giá bán lẻ của một số mặt hàng thực phẩm trong Chương trình quản lý giá mùa lễ hội trong vòng 1 tuần trước và sau ngày lễ cùng với quy định khung giá bán lẻ đối với bột mì, đường ăn, dầu ăn, xăng, dầu, gas.
Philipines: Quy định giá trần bán lẻ hay yêu cầu nhà sản xuất và nhà bán lẻ “đóngbănggiá” (không tăng giá): Biện pháp này không được áp dụng quá 60 ngày và chỉ áp dụng ở một số địa phương nơi được cho là giá tăng gây bất ổn về mặt xã hội. Đối với các mặt hàng nhập khẩu và nhãn hàng cao cấp, trong trường hợp rất cấp thiết khi xảy ra khan hiếm trầm trọng dẫn đến giá tăng đột biến và gây bất ổn xã hội, các biện pháp bình ổn có thể được áp dụng trong thời hạn không quá 15 ngày.
Trung Quốc: Giới hạn tỷ lệ lợi nhuận, định giá trần, cố định giá trong tình huống khẩn cấp, nhưng phải chấm dứt ngay khi hết tình huống khẩn cấp.
(Chương trình cải thiện chất lượng chính sách PERQ)