Kinh tế vĩ mô phải ổn định, doanh nghiệp mới phát triển tốt

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam: Doanh nghiệp phải hiểu rằng, muốn phát triển tốt thì kinh tế vĩ mô phải ổn định.

Theo Bộ trường Vũ Đức Đam, một nền kinh tế như Việt Nam phụ thuộc nhiều vào vốn tín dụng từ ngân hàng thì các ngân hàng phải có nguồn vốn dồi dào, với lãi suất cho vay thấp và ổn định. Ngân hàng có được nguồn vốn dồi dào thì lãi suất huy động phải hấp dẫn khách hàng gửi tiền, có nghĩa là lãi suất huy động thực dương hay nói cách khác là lạm phát phải thấp. Do đó, việc điều hành cho lạm phát năm nay ở mức 7% và ở mức thấp hơn nữa trong năm 2013 là điều kiện hết sức cần thiết để kinh tế vĩ mô có thể ổn định bền vững.

Chủ trương điều hành của Chính phủ sẽ làm cho doanh nghiệp khó khăn nhưng đây là cơ hội để tái cơ cấu kinh tế, để môi trường kinh tế vĩ mô ổn định trong những năm tiếp theo.

Về tiền tệ và tín dụng, Chính phủ nhận định, mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có nhiều nỗ lực điều hành giảm lãi suất cho vay về 15%/năm đối với các khoản vay cũ, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phổ biến ở mức 11-13%/năm; cho vay sản xuất - kinh doanh khác ở mức 12-16%/năm, góp phần tạo niềm tin của thị trường nhưng tình trạng nợ xấu của các ngân hàng chưa được giải quyết triệt để và số dư nợ xấu có xu hướng tăng theo thời gian. Vì vậy, thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của NHNN là thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) theo đúng lộ trình của Đề án đã được duyệt; tập trung chỉ đạo nợ xấu của các NHTM; xử lý các ngân hàng yếu kém.

Về chủ trương đưa các khoản vay cũ về tối đa 15% của các NHTM, bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, sau Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm diễn ra vào ngày 7/7/2012, đến ngày 27/7/2012, tất các NHTM đã có văn bản chỉ đạo trong hệ thống của mình rà soát các khoản vay cũ, giảm lãi suất cho các khoản vay cũ về tối đa 15%. Tỷ trọng dư nợ các khoản vay cũ có lãi suất cao hơn 15% trước đây đã giảm về tối đa 15% được 50% (đến ngày 27/7).

Về biên độ lợi nhuận của các NHTM sau khi các TCTD thực hiện giảm lãi suất các khoản vay cũ về tối đa 15%, bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng, tùy theo chiến lược kinh doanh, mục tiêu lợi nhuận của mỗi ngân hàng, các ngân hàng tự quyết định lãi suất huy động và lãi suất cho vay khác nhau, nhưng vẫn phải tuân thủ quy định về trần lãi huy động và trần lãi suất cho vay của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, khi giảm lãi suất cho vay thì lợi nhuận và biên lợi nhuận của các ngân hàng sẽ giảm nhưng ngân hàng thấy rằng, đây là sự đồng lòng, sự quyết tâm của ngân hàng chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, để nền kinh tế lấy lại được đà tăng trưởng.

Về chủ trương cấp tín dụng cho 4 lĩnh vực ưu tiên nhưng mới chỉ tập trung cho 3 lĩnh vực, còn dường như đối tượng DNNVV thì chưa được thụ hưởng, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế tăng không đáng kể, đối với nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ tăng nhưng DNNVV giảm. Diễn biến dư nợ đối với DNNVV giảm cũng phù hợp với bối cảnh hiện nay là các doanh nghiệp đang gặp khó khăn (đặc biệt là các DNNVV) như: hàng tồn kho đang ở mức cao, đầu ra khó nên điều kiện để tiếp cận tín dụng của các DNNVV là rất khó khăn. Mặc dù, các quy định về điều kiện cấp tín dụng của TCTD không thay đổi so với trước đây.

Để cấp tín dụng cho các DNNVV nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn thông qua hình thức bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 13, NHNN đề nghị với Bộ Tài chính đánh giá và rà soát lại tình hình thực hiện bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại NHTM của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Hiện nay, Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Trên  cơ sở đó, NHNN sẽ có văn bản hướng dẫn NHTM thực hiện cho vay đối với các đối tượng được Ngân hàng Phát triển Việt Nam bảo lãnh, trong đó có DNNVV./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên