Lãi suất huy động và cho vay chênh lệch trên 6%

(VOV) -Theo các đại biểu Quốc hội, mức chênh lệch này là quá lớn, chỉ có lợi cho ngân hàng nước ngoài.

Sáng nay (30/5), Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội 2012-2013.

Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận ở tổ của các đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội 2012-2013, đã được gửi tới các đại biểu trước phiên làm việc sáng nay.

Lãi suất cho vay cần giảm về 8%

Theo báo cáo này, đánh giá về tình hình điều hành tiền tệ, tín dụng, có ý kiến cho rằng trong năm 2012 việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng đã có kết quả bước đầu thể hiện qua lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hậu quả của việc điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ các năm trước đây thiếu đồng bộ đã gây hậu quả rõ rệt đến kinh tế năm 2012. “Tín dụng tăng trưởng thấp, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, trong khi đó nhiều ngân hàng tồn đọng vốn không cho vay được” – báo cáo nêu rõ.

Những tháng đầu năm 2013, lãi suất tiếp tục giảm, dư nợ tín dụng ấm dần lên. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng còn thấp, điều hành chính sách tiền tệ chưa bám sát hoạt động của doanh nghiệp, nguồn vốn cho hoạt động của doanh nghiệp và người dân chưa được bao nhiêu; ngân hàng không cho doanh nghiệp vay, chủ yếu mua vàng và trái phiếu Chính phủ. Chênh lệch lãi suất huy động và cho vay trên 6% là quá lớn, chỉ có lợi cho ngân hàng nước ngoài. Có ý kiến cho rằng việc khống chế lãi suất trần huy động mà không khống chế lãi suất trần cho vay là không hợp lý.

Là người phát biểu đầu tiên trong phiên làm việc, Đại biểu Nguyễn Cao Sơn, cho rằng, lãi suất huy động cho vay đã giảm nhưng doanh nghiệp vẫn thiếu vốn, ngân hàng thừa vốn. Doanh nghiệp mong chờ lãi suất hạ từ lâu, giống như người ốm, mong mãi mới có thuốc, nhưng khi thuốc về thì bệnh đã nặng. Đại biểu Nguyễn Cao Sơn cũng đề nghị cần đưa lãi suất cho vay về mức 8%/năm.

Về tín dụng ưu đãi, người nghèo và sinh viên đi học rất khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng do lãi suất cao và thủ tục phức tạp, nhất là ngân hàng thương mại. Việc cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội còn dàn trải về vốn, chậm điều chỉnh.

Nhiều ý kiến băn khoăn về con số tỷ lệ nợ xấu trong các báo cáo. Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ 13% cuối năm 2013 xuống còn 6% trong 3 tháng đầu năm 2013 nhưng trong thực tế Ngân hàng chưa giải quyết được nợ xấu, chỉ là quá trình rà soát, tính toán lại số liệu. Nợ xấu giảm không phải do hoạt động sản xuất kinh doanh tốt mà do cách xử lý nợ xấu lỏng lẻo, ngân hàng bắt tay với doanh nghiệp công bố tỷ lệ nợ xấu. Có ý kiến cho rằng ngân hàng chưa phân loại nợ xấu để có hướng tập trung tháo gỡ, giải quyết nợ xấu chậm, chưa kiên quyết, tín dụng đóng băng, đồng tiền ách tắc dẫn đến mất cân bằng.

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng bày tỏ băn khoăn của mình về con số nợ xấu và không biết tin vào con số nào. Ý kiến của đại biểu Quốc hội băn khoăn về các con số thống kê là có cơ sở, có thể do kỹ thuật hay vì bệnh thành tích?

Cần đạt tăng trưởng tín dụng 12%

Về các giải pháp những tháng còn lại năm 2013 đối với chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, một số ý kiến đề nghị cần cân đối hài hòa chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, có biện pháp quyết liệt để tăng tưởng tín dụng 12%, tăng tổng cầu xã hội, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm cho nền kinh tế tăng trưởng ở mức hợp lý. Nới lỏng dần chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo thêm việc làm mới. Tiếp tục cân đối hợp lý giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay, bảo đảm để người nghèo và doanh nghiệp tiếp cận được vốn với lãi suất thấp.

Có ý kiến cho rằng cần rà soát, phân loại doanh nghiệp để hỗ trợ, kích cầu có trọng tâm, tránh dàn trải. Đề nghị hỗ trợ lãi suất cho cả người có thu nhập ổn định mua nhà (không chỉ hỗ trợ riêng người thu nhập thấp mua nhà xã hội), áp dụng trong cả nước để thực hiện kích cầu.

Cần có chính sách để phát triển kênh huy động vốn dài hạn như thị trường chứng khoán, giảm thiểu chi phí cho thị trường chứng khoán, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp làm ăn hiệu quả; có chính sách miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán để huy động vốn dài hạn. Quan tâm đến việc huy động vàng trong dân để phục vụ lợi ích quốc gia; rà soát lại việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ để tránh lãng phí, tập trung cho các dự án có hiệu quả.

Về chính sách tài khóa, có ý kiến cho rằng việc khống chế nợ công là cần thiết, nhưng Quốc hội cần cân nhắc tỷ lệ bội chi để nới lỏng chính sách tài khóa. Có ý kiến đề nghị Quốc hội ban hành chỉ tiêu nợ công an toàn để làm căn cứ cho Chính phủ điều hành, quản lý và có cơ sở cho việc giám sát của Quốc hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên