Lãi suất ngoại tệ sẽ tiếp tục giảm?

Lãi suất USD của các tổ chức kinh tế giảm xuống 0%/năm sẽ có cơ hội triệt tiêu việc găm giữ ngoại tệ; đồng thời tăng cung cho thị trường, góp phần ổn định tỷ giá.

Nhiều ngày qua, các ngân hàng thương mại đồng loạt hạ giá mua vào và bán ra đối với USD xuống dưới mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước; đồng thời tiếp tục hạ lãi suất huy động USD.

Giá USD liên tục thấp hơn trần

Ngày 25/4, tỷ giá ngoại tệ liên ngân hàng giữa VND và USD được Ngân hàng Nhà nước công bố là 20.708 đồng/USD. Theo đó, tỷ giá áp dụng tại các ngân hàng thương mại có mức trần mua vào là 20.730 đồng/USD và trần bán ra là 20.830 đồng/USD. Tuy nhiên, mức niêm yết và giao dịch thực tế được các ngân hàng thương mại áp dụng thấp hơn từ 50 - 60 đơn vị. Cụ thể, Vietcombank áp dụng mức 20.670 - 20.770 đồng/USD mua vào và bán ra; tại Vietinbank là 20.680 - 20.770 đồng/USD mua vào và bán ra; tại Eximbank là 20.670 - 20.690 - 20.755 đồng/USD mua tiền mặt, chuyển khoản và bán ra…

Trước đó, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại cũng thấp hơn mức trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước từ 10-15, thậm chí có ngày lên tới 50 đơn vị. Đây là diễn biến rất hiếm thấy mang tính tích cực của thị trường ngoại tệ trong một thời gian dài. Bởi trong những thời điểm thị trường ngoại tệ căng thẳng, tỷ giá luôn được các ngân hàng niêm yết sát với trần quy định của Ngân hàng Nhà nước, thậm chí có những khoảng thời gian dài tỷ giá mua vào - bán ra được cố định ở mức trần.

Diễn biến tích cực trên được giới phân tích cho là bắt nguồn từ chính sách quy định giảm giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại hối. Trước đó đã có khá nhiều ngân hàng tranh thủ tích tụ trạng thái ngoại tệ dương tới 29-30%. Cá biệt, có nhiều ngân hàng có trạng thái ngoại tệ dương cao hơn mức này. Chiếu với quy định thì những đối tượng này buộc phải bán ngoại tệ lại cho Ngân hàng Nhà nước để trạng thái ngoại tệ của họ trở về mức theo quy định.

Thêm vào đó, từ ngày 13/4, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về áp dụng trần lãi suất huy động USD ở mức 3% (áp dụng cho dân cư), dòng vốn đã có sự dịch chuyển từ ngoại tệ sang VND để hưởng lãi suất cao hơn, ở mức 14%/năm. Điều này đã khiến giá mua vào USD trên thị trường tự do xuống thấp hơn tại các ngân hàng thương mại.

Lãi suất USD giảm dần

Đi cùng với các chính sách này là quyết định mở rộng đối tượng bán ngoại tệ của Chính phủ đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước bao gồm cả doanh nghiệp thành viên có trên 50% vốn Nhà nước thay vì chỉ 7 tập đoàn và tổng công ty như trước đây. Thông tư quy định đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành trong tháng 4 này để các tổ chức trên thực hiện ngay từ tháng 5 tới. Do đó, nguồn ngoại tệ từ các đối tượng này cũng sẽ góp phần làm cho nguồn cung trên thị trường thêm dồi dào. Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm cơ hội mua ngoại tệ cho quỹ dự trữ ngoại hối.

Ngoài ra, khi lãi suất huy động USD của các ngân hàng đối với các tổ chức kinh tế hiện đang được áp trần ở mức rất thấp là 1%/năm cũng khuyến khích dòng vốn dịch chuyển sang VND thay vì các tổ chức này cứ găm giữ USD như trước đây. Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất huy động USD xuống còn 0%/năm. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu lãi suất USD của các tổ chức kinh tế giảm xuống còn 0%/năm sẽ có cơ hội triệt tiêu việc găm giữ ngoại tệ; đồng thời tăng cung cho thị trường, góp phần ổn định tỷ giá.

Với mức chênh lệch lãi suất ngoại tệ - VND hiện nay đã ở mức trên 10%/năm và tỷ giá ngày càng có xu hướng giảm sẽ tác động tích cực tới tâm lý găm giữ USD của người dân. Bên cạnh đó, với quyết tâm chuyển dần quan hệ cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất ngoại tệ sẽ không dừng ở mức như hiện nay mà có thể sẽ còn tiếp tục giảm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên