Lãi suất vẫn có thể giảm tiếp

(VOV) -Lãi suất cho vay trong năm 2013 chỉ nên duy trì ở mức 11%/năm và cần tăng cường vốn cho khu vực dân doanh.

Nói về lãi suất, TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng: Mức độ gia tăng lạm phát hiện nay là điều kiện thuận lợi để giảm lãi suất, nếu lấy mức độ tăng giá tiêu dùng để làm căn cứ điều chỉnh lãi suất. Bởi theo tính toán của ông Ngân, lạm phát tháng này chỉ còn từ 0,1 - 0,2%/tháng và trong thời gian tới nếu lạm phát có tăng thì cũng chỉ vì lý do khách quan bên ngoài chứ không thể do chủ quan.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất bao giờ cũng phải cao hơn chỉ số lạm phát (CPI) thì người dân mới gửi tiền và ngân hàng mới huy động được vốn. Phân tích rõ hơn về lãi suất dương, TS Trần Hoàng Ngân cho biết: Các nước thường so sánh với lạm phát cơ bản và khi thực hiện một chính sách tiền tệ thì nó phải hướng vào 3 mục tiêu chứ không phải chỉ là chống lạm phát. Đó là tăng trưởng kinh tế; giải quyết công ăn việc làm- an sinh xã hội; ổn định tiền tệ, tỷ giá. Trong giai đoạn hiện nay, đã đến lúc Bộ Tài chính và Bộ Công thương có trách nhiệm chính trong kiềm chế lạm phát còn trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước nên hướng về chống suy giảm kinh tế.

Với NHNN, nhiệm vụ chống suy giảm kinh tế và tăng cung tín dụng cho khu vực dân doanh. “Tôi cảnh báo, nếu khu vực này mà không tiếp cận được vốn thì nền kinh tế của chúng ta sẽ là một nền kinh tế lệ thuộc và đây là một vấn đề nguy kịch, nghiêm trọng” – TS Ngân nói.

“Chúng ta có thời kỳ duy trì lãi suất ở mức huy động vốn chỉ 7% đến 8% và cho vay 10% đến 11% trong một thời kỳ dài cho nên hướng tới trong năm 2013 chỉ nên duy trì ở mức trên” – TS Ngân nói.

Phân tích rõ hơn, TS Ngân cho rằng, khi hạ lãi suất người dân sẽ có nhu cầu tiêu dùng nhiều hơn. Qua đó, kích cầu và việc giải quyết bài toán tăng lương, miễn giảm thuế. Nhưng quan trọng hơn là sắp tới sẽ triển khai những gói hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như làm Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14 sẽ tạo điều kiện kích cầu trong xây dựng. Một vấn đề kích cầu nữa là kiểm tra những dự án, những quy hoạch treo để thu hồi và xóa những dự án không cần thiết, kích thích người dân tăng xây dựng, sửa chữa nhà… sẽ giải quyết được hàng tồn kho trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.

Sang năm 2013, theo TS Ngân, nếu lạm phát tăng thì chủ yếu là do yếu tố về chi phí xăng dầu thế giới, về giá lương thực. Nhưng, nếu giá lương thực tăng thì phải vui “vì đó là sự chia sẻ với nông dân. Năm nay Chính phủ thành công là đã chặn được đà tăng của lạm phát, tuy nhiên điều đáng buồn là giá lương thực, thực phẩm của nông dân lại đứng và xuống”.

Tuy nhiên, trái với quan điểm của ông Ngân, nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm cho rằng: Mặt bằng lãi suất như hiện nay là hợp lý rồi. Lãi suất không thể hạ sâu được nữa vì lạm phát kỳ vọng cũng khoảng 8-9% mà lãi suất cũng đã 9% thì cũng sát nhau rồi. Không có điều kiện giảm sâu nữa. “Chỉ từ đây, lạm phát giảm xuống thì lãi suất mới hạ theo. Nếu hạ xuống nữa thì các NH yếu một chút lại không huy động được vốn thì lại “nhảy” ra thị trường, vống lên, châm ngòi cho đua lãi suất thì nguy hiểm” – ông Kiêm nói.

NH và DN phải có sự nhân nhượng?

Về khó khăn của các DN trong tiếp cận vốn, theo ông Kiêm, “Vướng nhất bây giờ là tiêu chuẩn vay. Thực trạng các DN vi phạm qui chuẩn rất nhiều, vì sản xuất khó khăn, đình trệ, tiêu thụ hàng không được thuế nợ đọng, nợ xấu tăng lên… thì đều vi phạm tiêu chuẩn vay của NH. NH nào thấy DN dính vào vi phạm này là lùi ra ngay”.

Tuy nhiên, trước đó, trong trả lới chất vấn trước Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình có nói là lãi suất có thể giảm nữa nhưng mà tiêu chuẩn không được nới. Bình luận về phát biểu này, ông Kiêm cho rằng: “Về lý thuyết, nếu vặn như vậy thì phải chịu vì NH cũng là ngành kinh doanh, nếu bảo phải hạ tiêu chuẩn xuống thì Nhà nước phải đưa tiền cho NH để đảm bảo an toàn”.

Cách thức giải quyết hiện nay, theo ông Kiêm, hai bên phải ngồi bàn với nhau. Thời gian qua, đã bàn nhiều nhưng không bàn trúng, không thống nhất được. Hai bên phải thống nhất rằng, không giải quyết được thì chết cả hai.

Nếu cùng lùi lại và vực lên được thì cả hai cùng sống và cũng có thể có điều kiện sống thì phải nhân nhượng, hy sinh. NH cũng phải châm trước, hạ xuống một số tiêu chuẩn và DN cũng phải cố gắng lên thì mới đáp ứng được một mức tương đối. Hay là NH cơ cấu lại nợ thì những cái nào không giải quyết được thì Nhà nước gạt ra cho DN để tránh nợ xấu, nợ quá hạn. “Một anh thì cứ bảo tôi không đủ tiêu chuẩn, muốn vay không được vì tôi còn quá khó khăn. Còn NH thì bảo anh không đủ tiêu chuẩn tôi không cho vay” – ông Kiêm nói về cái vòng luẩn quẩn trong dòng chảy vốn hiện nay.

Một thực trạng về thanh khoản không đều hiện nay được ông Kiêm đưa ra Tất thì có thể NH yếu kém “cào cấu” cho vay để tồn tại, chấp nhận khó khăn trước mắt thì lùi lại nhân nhượng với DN. Còn những NH đã lưng lửng, có tiền đi mua trái phiếu… thì giờ cho vay cứ lửng lơ ngồi chọn, được thì cho vay, không được thì lùi ra để tránh nợ xấu, nợ quá hạn tiếp tục phát sinh.

Thông thường, những năm trước thời điểm cuối năm mặt bằng lãi suất nhích lên để thu hút người gửi tiền. Nhưng hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động lại đang có chiều hướng giảm. Theo ông Kiêm, “Điều này phản ánh cung – cầu vốn thực sự. Nếu cứ để lãi suất cao không ai vay thì NH cũng chết. NH không thể huy động vốn vay cao rồi cho vay cao. Vốn huy động được thì phải đẩy ra vì phải chịu lãi của dân, nếu cứ để thì bản thân NH phải chịu lỗ trước. NH mua trái phiếu Chính phủ hết rồi còn bao nhiêu thì phải đẩy ra. Tất nhiên, NH phải giữ lại một số an toàn cho mình để dự phòng rủi ro” – ông Kiêm giải thích./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lãi suất liên ngân hàng giảm ở các kỳ hạn
Lãi suất liên ngân hàng giảm ở các kỳ hạn

(VOV) - Các mức giảm từ 0,41% (kỳ hạn 3 tháng) đến 1,41% (kỳ hạn 3 tuần).

Lãi suất liên ngân hàng giảm ở các kỳ hạn

Lãi suất liên ngân hàng giảm ở các kỳ hạn

(VOV) - Các mức giảm từ 0,41% (kỳ hạn 3 tháng) đến 1,41% (kỳ hạn 3 tuần).

Lãi suất không thể giảm thêm nữa
Lãi suất không thể giảm thêm nữa

(VOV) -Theo ông Lê Xuân Nghĩa: “Tới đây, sức ép giảm lãi suất, mở rộng tín dụng lớn nhưng dư địa để giảm lãi suất là không có”.

Lãi suất không thể giảm thêm nữa

Lãi suất không thể giảm thêm nữa

(VOV) -Theo ông Lê Xuân Nghĩa: “Tới đây, sức ép giảm lãi suất, mở rộng tín dụng lớn nhưng dư địa để giảm lãi suất là không có”.