Làng nghề bánh tráng An Ngãi

Các gia đình ở An Ngãi ngày Tết đều có bánh tráng trong nhà. Bánh tráng trong mâm cơm cúng tổ tiên ngày đầu năm mới của người dân An Ngãi thể hiện lòng thơm thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ.

Mỗi vùng miền của đất nước đều có những làng bánh tráng nổi tiếng như: Hương Hồ (Huế), Hoà Đa (Phú Yên), Trảng Bàng (Tây Ninh), Mỹ Lồng (Bến Tre)… và ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có một làng quê nổi tiếng với nghề làm bánh tráng ở xã An Ngãi, huyện Long Điền.

Không ai biết đích xác nghề làm bánh tráng ở xã An Ngãi có từ khi nào, chỉ biết rằng, những cụ bà già nhất ở đây đều biết tráng bánh từ hồi còn thiếu nữ, và bánh tráng là món ăn không thể thiếu của người dân nơi đây, đặc biệt trong những ngày lễ Tết.

Bánh tráng được làm ở An Ngãi chẳng khác gì so với các vùng khác. Vẫn là một chiếc lò đắp đất hoặc xây bằng gạch với ba phần liên thông, một phần để đưa củi, nhóm lửa, phần kia là chiếc nồi nước lớn có căng lớp vải mỏng bên trên để tráng bánh và phần cuối cùng là ống khói. Cùng với đó là chiếc nồi đồng hoặc nồi nhôm, cối xay chạy bằng điện để xay gạo thành bột lỏng, chiếc gáo tráng bột, chiếc đũa mỏng vớt bánh và những phên liếp bằng tre đan thưa để phơi bánh ngoài nắng.

Ngồi tráng bánh trong chái bếp phía sau nhà, chị Đặng Thị Son, ngụ tại số 7/1C ấp An Phước vừa thoăn thoắt múc bột, cán bánh, vừa kể về công việc, về nghề làm bánh tráng truyền thống của quê mình. Đối với người dân An Ngãi, bánh tráng là nghề truyền thống, món bánh tráng không thể thiếu trong dịp Tết, nó là nguyên liệu để làm nhiều món ăn Tết như bánh nem để cuốn chả giò, bánh lớn thì cuốn dưa giá, thịt luộc… Vì thế, nên ngày Tết bánh tráng được tiêu thụ rất nhiều...

Nguyên liệu chính làm bánh tráng là gạo tẻ ngâm rồi đem xay thành bột mịn. Sau đó, lọc đi nước chua và pha bột với nước sao cho vừa, không loãng cũng không được đặc quá. Để bánh thêm dai và không bị rách cần pha thêm một chút muối với tỷ lệ hợp lý.

Lửa cho lò tráng bánh cũng phải chú ý, không được lớn, chỉ được để liu riu mà thôi. Tay tráng bánh phải nhanh, đều thì bánh mới tròn, mỏng. Người làm bánh  còn phải trông trời, canh cây cỏ, nhìn giọt sương để biết ngày mai nắng lớn hay âm u để tráng bánh trong đêm, rồi đem bánh phơi ngay khi nắng vừa lên.

Ở An Ngãi có trên 150 hộ làm bánh tráng, hầu hết là theo nghề “cha truyền con nối”. Chị Tô Thị Kim Đính, ngụ tại số 6/12A ấp An Phước cho biết, “gia đình chị đã 3 đời làm bánh tráng. So với các ngành nghề khác thì thu nhập không cao, nhưng thời gian xoay vòng vốn nhanh, thu nhập từ làm bánh tráng luôn ổn định”, chị Đính tâm sự.

Để có được những chiếc bánh tráng ngon, quan trọng nhất là công đoạn chọn gạo và xay bột. Phải chọn gạo ngon, xay bột phải thật mịn thì bánh mới dai và dẻo…

Ông Lương Văn Hiệp, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Ngãi cho biết, 100% gia đình ở An Ngãi ngày Tết đều có bánh tráng trong nhà. Bánh tráng trong mâm cơm cúng tổ tiên ngày đầu năm mới của người dân An Ngãi thể hiện lòng thơm thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Ông Lương Văn Hiệp cho biết: Nghề bánh tráng là nghề truyền thống của xã An Ngãi có từ rất lâu mà không biết xuất xứ từ đâu. Nghề này cũng dễ làm, vốn ít, lại không kén công lao động, nên rất nhiều người  chọn nghề này. Bánh tráng được xem là món ăn dân dã, đồng quê không thể thiếu trong những ngày Tết.

Không chỉ phục vụ cho người dân trong xã và vùng phụ cận, vào những ngày Tết, có nhiều vị khách từ xa lặn lội về tận lò bánh đặt hàng. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh ngày càng nhiều của những lò tráng công nghiệp, mặc dù vẫn có thể tiếp tục sống bằng nghề truyền thống của gia đình, nhưng cuộc sống của những chủ lò bánh tráng thủ công ở An Ngãi ngày càng khó khăn hơn, vì không đủ sức cạnh tranh với các lò công nghiệp công suất cao, điều kiện môi sinh được đảm bảo, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu…

Để giúp bà con vừa ổn định cuộc sống, vừa duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, trong đề án phát triển kinh tế nghề làm bánh tráng truyền thống, chính quyền An Ngãi dự định thành lập Hợp tác xã sản xuất bánh tráng, tổ chức lại khâu thu mua để ổn định giá, tránh thiệt thòi cho bà con, đồng thời hỗ trợ vốn để bà con cải tiến trang thiết bị như: mua máy xay bột, cải tạo lại sân phơi, cung cấp nguồn nước sạch đảm bảo đủ điều kiện sản xuất bánh tráng, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ và hướng tới xuất khẩu…

Hy vọng đề án này sẽ được triển khai trong thời gian sớm nhất để “thương hiệu” bánh tráng An Ngãi được bay xa và trở thành niềm tự hào của quê hương Bà Rịa - Vũng Tàu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên