Các công ty Kiểm toán của Việt Nam

Lỗ do chạy đua giảm phí?

Thông tin 3 công ty kiểm toán lớn lỗ tới 96 tỷ đồng đang khiến dư luận đặt dấu hỏi về chất lượng kiểm toán.

Việc thua lỗ phải chăng là hệ lụy từ cuộc chạy đua giảm mức phí quá thấp khiến các công ty này không bù đắp được chi phí? Đâu sẽ là chế tài xử lý các doanh nghiệp kiểm toán để đảm bảo tính minh bạch của mỗi báo cáo kiểm toán - vốn có tác động lớn tới thị trường chứng khoán?

Lỗ do đâu?

Theo ông Bùi Văn Mai, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), có nhiều lý do dẫn tới sự thua lỗ này. Tuy nhiên, một nguyên nhân chủ yếu là các công ty thực hiện giảm phí triệt để nhằm cạnh tranh lôi kéo khách hàng. Đương nhiên, việc giảm phí sẽ có lợi cho các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ kiểm toán, nhưng ngược lại, mức phí này chưa đủ để các công ty kiểm toán trang trải chi phí. Khẳng định phí giảm không khuyến khích sự phát triển, ông Bùi Văn Mai nhìn nhận, không thể có chuyện tiền ít mà có được sản phẩm tốt, dịch vụ tốt, bởi chất lượng và giá phí phải tương đương nhau.

Còn theo TS Nguyễn Thành Trung, Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán Mazar, công ty kiểm toán lớn có thể giảm mức phí do đã nội địa hóa tốt, tức là đào tạo và sử dụng được nhân lực trong nước, có điều kiện giảm mức lương. Song thực tế không phải công ty kiểm toán nào cũng làm được điều này vì chi phí đào tạo nhân viên rất lớn. Lý do 3 công ty kiểm toán lớn của Việt Nam lỗ, theo ông Trung có thể do thị trường chưa chín muồi, khách hàng chưa đủ để tạo ra lãi. 

“Muốn gia tăng thị phần, công ty kiểm toán trong nước phải nâng cao chất lượng dịch vụ, ví như phải đầu tư một chương trình phần mềm hàng trăm triệu USD. Những năm đầu hoạt động, lỗ là việc bình thường. Với các công ty quốc tế, vốn đầu tư không phải là tại Việt Nam mà từ công ty mẹ ở nước ngoài, họ sẵn sàng lấy doanh thu từ công ty mẹ hỗ trợ cho Việt Nam”- ông Bùi Văn Mai nhận xét. Nhưng cũng theo chuyên gia này, việc giảm giá phí, giảm thủ tục kiểm toán đương nhiên sẽ giảm chất lượng.

Hiện tại, vi phạm chủ yếu ở các công ty kiểm toán là thủ tục chưa được thực hiện đầy đủ, do để làm được điều này đòi hỏi mất nhiều kinh phí. Trong khi đó, điều kiện kinh tế tại Việt Nam hiện nay khiến các doanh nghiệp chưa chấp nhận mức phí cao.

Siết lại hoạt động

Có ý kiến cho rằng, để siết lại hoạt động của các công ty kiểm toán, cần quy định mức phí sàn. Song thực tế, việc quy định mức phí này không đơn giản. Từ góc độ một doanh nghiệp, ông Thành Trung cho biết, công ty kiểm toán chỉ duy trì hoạt động dựa trên mức phí kiểm toán thu được từ khách hàng. Mức phí này còn dùng để trang trải chi phí hoạt động cũng như đào tạo kiểm toán viên… Nếu quy định mức phí sàn sẽ khó cho những công ty kiểm toán có số lượng nhân viên lớn và đào tạo chứng chỉ quốc tế.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, vấn đề quan trọng nhất chính là chất lượng nhân lực kiểm toán, vốn được đánh dấu bởi số người được cấp chứng chỉ hành nghề kiểm toán viên. Còn nhớ vụ thư nặc danh gửi tới Bộ Tài chính để điểm chỉ công ty kiểm toán sai phạm, nhờ đó Bộ Tài chính và VACPA đã phát hiện ra sai phạm phổ biến tại các công ty kiểm toán là kiểm toán viên đăng ký hành nghề toàn thời gian nhưng chỉ làm bán thời gian. Sở dĩ có điều này bởi làn sóng mở công ty chứng khoán, quỹ, công ty tài chính, ngân hàng trong năm 2007, 2008 đã khiến các công ty kiểm toán chấp nhận cho nhân viên làm hai nơi. Điều này đã làm ảnh hưởng tới hoạt động của công ty kiểm toán và chất lượng báo cáo kiểm toán.

Dù hiện tượng trên đã được xử lý và chấn chỉnh (hiện kiểm toán viên phải đáp ứng điều kiện của UBCKNN là hoạt động 3 năm trở lên và công ty kiểm toán nơi họ làm việc phải có 7 kiểm toán viên hoạt động 3 năm trở lên), mới được phép làm hai nơi, tuy nhiên còn quá nhiều vấn đề bị buông lỏng trong kiểm soát hoạt động kiểm toán.

Được biết, trong năm nay, VACPA sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện nhiều cuộc kiểm soát chất lượng báo cáo kiểm toán với chủ trương khác hẳn những năm trước. Cụ thể, số lượng các công ty được kiểm tra ít hơn, dành thời gian kiểm tra sâu hơn. Đặc biệt xem xét ý kiến của kiểm toán viên có đúng không trong từng hoàn cảnh doanh nghiệp. Như khẳng định của ông Bùi Văn Mai, việc kiểm tra sẽ hướng vào chất lượng kiểm toán chứ không mang tính thủ tục. Theo dự kiến, đoàn sẽ kiểm tra khoảng 20 công ty vào các tháng 8, 9 và 10 tới đây.

Việc thanh kiểm tra này đang được kỳ vọng sẽ làm sáng tỏ câu hỏi về chất lượng kiểm toán, hệ lụy từ việc giảm phí của các công ty kiểm toán./.

4 công ty kiểm toán quốc tế ở Việt Nam hiện chiếm 55% thị phần, 20 - 25 doanh nghiệp Việt Nam chiếm khoảng 30% thị phần.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên