Lộ trình xóa bỏ kinh doanh vàng miếng

NHNN đang triển khai kiểm soát và trình Chính phủ nghị định quản lý kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu

"Cấm kinh doanh vàng miếng" là một trong những thông tin đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, các chuyên gia kinh tế cũng như người tiêu dùng. Các chuyên gia cho rằng, việc xoá bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, sẽ tác động lớn đến thị trường vàng; còn người tiêu dùng lo ngại sẽ xảy ra tình trạng xếp hàng mua vàng trong tương lai.

Sẽ có lộ trình

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu khẳng định, sẽ có lộ trình tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, không gây bất lợi cho nền kinh tế và ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Việc Chính phủ cấm kinh doanh vàng miếng là để quản lý cung cầu thực về vàng, hạn chế tình trạng găm giữ, đầu cơ trục lợi đẩy giá trên thị trường vàng như trước đây.

NHNN đang triển khai kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng và trình Chính phủ nghị định quản lý kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng. Hiện có 2 phương án: Một là, NHNN nhập khẩu rồi đấu thầu cho các DN kinh doanh vàng trong nước. Hai là, giao cho một vài DN chuyên nghiệp tự làm. Dự kiến khi nghị định có hiệu lực sẽ có một khoảng thời gian để điều chỉnh.

Khi được hỏi ý kiến, ông Trần Văn Tuấn, Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước Hà Nội cho rằng: "Với quyết định này, việc kinh doanh vàng miếng sẽ được quy về một mối. Khi tổng công ty hoặc ngân hàng trực tiếp mua bán vàng với khách, Nhà nước sẽ dễ dàng kiểm soát doanh thu và ngăn chặn nạn trốn thuế. Còn thị trường vàng sẽ phát triển lành mạnh, USD trên thị trường tự do cũng giảm nhiệt. Theo tôi, biện pháp mà Chính phủ đề ra là đúng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là chủ trương rất chung nên NHNN phải cụ thể hóa bằng những bước đi thích hợp và cần có lộ trình cụ thể để thị trường chấp nhận, tránh gây sốc".

Theo chị Lê Khánh Ly, chuyên viên của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV): “Đây là một việc làm hết sức đúng đắn, việc tích trữ vàng và kinh doanh vàng miếng trên thị trường không những không có lợi cho nền kinh tế mà còn mang nhiều rủi ro và bất ổn. Tôi cho rằng, thời điểm này nên cấm kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do và tiến tới xóa bỏ hẳn hoạt động này. Nếu tập trung mua bán vàng vào các công ty kinh doanh hay ngân hàng thì có thể ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu vàng”.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc siết chặt quản lý kinh doanh vàng miếng, người dân tuy không bị cấm sở hữu vàng nhưng sẽ bị ảnh hưởng do việc mua bán bị hạn chế và hoạt động của hơn 10.000 tiệm vàng trên cả nước cũng sẽ bị thu hẹp. Ngược lại, doanh nghiệp được chọn làm đầu mối nhập khẩu vàng sẽ là nhóm người được hưởng lợi. Thêm vào đó, ngân hàng cũng có lợi khi người dân tập trung mua bán qua mạng lưới ngân hàng.

Người dùng chịu thiệt

Trái với ý kiến của các chuyên gia, hầu hết NTD khi được hỏi vấn đề này đều lo lắng và cho rằng, việc cấm kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do sẽ dẫn đến tình trạng phải xếp hàng để mua vàng miếng. Anh Trần Văn Huy ở Cầu Giấy, Hà Nội nói: “Việc cấm mua bán vàng miếng là việc làm khó khả thi, nếu không khéo sẽ làm khó cho NTD. Việc cấm mua bán USD trên thị trường “đen” đã đưa ra từ lâu nhưng nhà quản lý vẫn không làm được. Chính sách không phù hợp sẽ đẩy NTD đến thị trường không chính thức để giao dịch, lúc đó Nhà nước càng khó quản lý.

Vàng không phải là nguyên nhân gây lạm phát và làm yếu kém nền kinh tế mà là một công cụ đầu tư thông dụng của thế giới. Khi cấm kinh doanh vàng miếng sẽ có các biến tướng khác thay thế như vàng nhẫn, vàng vòng... thị trường sẽ loạn thêm vì khó kiểm soát chất lượng.

Nếu NTD không còn được mua vàng miếng, họ sẽ chuyển sang mua vàng chỉ, vàng nữ trang và các đơn vị kinh doanh vàng sẽ lách luật bằng cách sản xuất vàng miếng núp bóng vàng nữ trang dẫn đến chất lượng, tuổi vàng sẽ bị thả nổi. Bên cạnh đó, khi mua bán vàng, NTD sẽ phải chịu thêm phí chế tác vàng, phí thử vàng, nên người chịu thiệt chính là NTD”.

Chị Nguyễn Thị Sinh ở Hoàng Quốc Việt, Hà Nội lại cho rằng, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, vàng là một phương tiện tích trữ lý tưởng và an toàn. Do đó, người dân tìm đến vàng làm phương tiện cất giữ là một điều tất yếu. Chính phủ muốn chấm dứt tình trạng này phải nghĩ cách bình ổn giá, tỉ giá, làm cho người dân tin tưởng vào tiền đồng chứ không phải là hạn chế kinh doanh vàng.

Nếu chỉ cấm kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do thì điều ấy đồng nghĩa với việc trao độc quyền cho các đơn vị được phép. Khi đó, người có nhu cầu sẽ phải xếp hàng để mua và thị trường vàng miếng sẽ quay về thời bao cấp. Đấy là việc làm đi ngược với nền kinh tế thị trường mà nước ta đang xây dựng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên