Logistics Việt Nam khó phát triển khi thiếu chiến lược bài bản

VOV.VN - Cần chiến lược đầu tư cho ngành logistics của Việt Nam phát triển, đóng vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu nền kinh tế.

Dịch vụ logistics là một bộ phận quan trọng trong điều kiện Việt Nam đang hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng. Tuy nhiên, điểm yếu của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là chi phí dịch vụ còn chưa cạnh tranh tốt, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao, trong điều kiện thị trường cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam hiện nay đang có sự cạnh tranh gay gắt.

Logistics Việt đang khó cạnh tranh

Theo thông tin từ Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng cách 100 km), đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.

Bên cạnh đó, do doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu chưa có sự gắn bó đầy đủ; khó khăn về thiếu hạ tầng kết nối các khu vực cảng với khu vực tập trung hàng hóa cũng như thiếu các trung tâm giao nhận hàng hóa và dịch vụ chuyên dụng…nên mới chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu và quen với dịch vụ logistics thuê ngoài.

Doanh nghiệp logistics Việt Nam đang bị hạn chế về quy mô doanh nghiệp, nguồn vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý. (Ảnh minh họa: VnEconomy)
Đáng quan ngại là tuy quy mô nhỏ, manh mún, thiếu liên kết, nhưng một số doanh nghiệp còn cạnh tranh thiếu lành mạnh, hạ giá dịch vụ để giành được hợp đồng, chủ yếu là hạ giá thành thuê container, việc này khiến các doanh nghiệp trong nước bị thiệt, còn các doanh nghiệp nước ngoài là những người chủ tàu đóng vai trò chính sẽ là những người được hưởng lợi…

Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2017 diễn ra ngày 15/12 tại Hà Nội, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) nhận định, nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp logistics Việt Nam khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, chính là hạn chế về quy mô doanh nghiệp và nguồn vốn, về kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yếu cầu hoạt động quốc tế.

“Một nguyên nhân quan trọng nữa khiến các doanh nghiệp logistics Việt Nam gặp khó là không có đầu mối nguồn hàng, do doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam chủ yếu (khoảng 91%) xuất FOB và nhập CIF. Ngoài ra có hạn chế về kết cấu hạ tầng logistics và chi phí vận tải trên đường bộ, phụ phí cảng biển do các chủ tàu nước ngoài áp đặt. Do đó, việc giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành dịch vụ logistics của Việt Nam hiện nay là một yêu cầu cấp bách”, ông Hiệp nói.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận xét, tính theo tỉ trọng GDP, chi phí logistics của Việt Nam, cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu 14%. 

“Dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể về cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao hiệu quả logistics. Thứ hạng của Việt Nam theo chỉ số năng lực logistics (LPI) đã giảm từ 48 năm 2014 xuống 64 năm 2016 cho thấy các nền kinh tế khác đang có sự thăng tiến nhanh hơn nhiều so với Việt Nam, đồng nghĩa với việc Việt Nam đang mất đi lợi thế cạnh tranh”, ông Ousmane Dione lưu ý.

Logistics phải là ngành “dịch vụ cơ sở hạ tầng”

Theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, đến năm 2025 Việt Nam đặt quyết tâm trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực. Chính phủ hướng đến việc tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt 15-20%/năm, chiếm tỷ trọng 8-10% GDP; Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%; Chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để đạt mục tiêu trên, Việt Nam cần đột phá cơ chế quản lý Nhà nước, bao gồm cả chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, pháp luật điều chỉnh ngành, bộ máy quản lý để bảo đảm vai trò hỗ trợ, kiến tạo môi trường tự do kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, phù hợp cam kết hội nhập. Đi cùng với đó là việc tăng cường phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics và các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, hiện đại và chuyên nghiệp, có đủ sức cạnh tranh và phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược.

Theo ông Lê Duy Hiệp, việc đào tạo nguồn nhân lực logistics chất lượng cao là yêu cầu cấp bách hiện nay. Hiệp hội đã chủ động làm việc với các trường Đại học và trung cấp nghề trong việc phối hợp đào tạo dài hạn và ngắn hạn nguồn nhân lực logistics chất lượng cao, xây dựng Chương trình đào tạo cấp Đại học và cấp trên Đại học theo Chương trình đào tạo Quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương - ông Trần Tuấn Anh cho rằng, để phát triển bền vững, ngành logistics của Việt Nam phải được coi là một ngành “dịch vụ cơ sở hạ tầng” đóng vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam. Cùng với đó, cần tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với các nước nói chung và lưu thông hàng hóa trong nước nói riêng.

Cùng với đó là các biện pháp tăng cường phối hợp xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, các trung tâm logistics và hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng bền vững trong mối liên kết các vùng kinh tế trọng điểm và các hành lang kinh tế. Đặc biệt, cần có các giải pháp nhằm đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phong cách làm việc chuyên nghiệp trong hoạt động logistics, sẵn sàng thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế./.

Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Phó Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam:

Diễn đàn logistics thực sự là không gian tập hợp và kết nối đông đảo cộng đồng doanh nghiệp ngành logistics trong nước và quốc tế; là diễn đàn chia sẻ, cập nhật thông tin về hoạt động phát triển dịch vụ logistics thế giới và Việt Nam.

Đây là dịp để các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý gặp gỡ, trao đổi và lắng nghe ý kiến đánh giá của giới chuyên gia và doanh nghiệp về các chính sách phát triển logistics hiện hành để từ đó có những điều chỉnh phù hợp, là cơ hội để doanh nghiệp phản hồi và đối thoại trực tiếp cũng như hiến kế những giải pháp phù hợp và hiệu quả, nhằm thúc đẩy ngành logistics Việt Nam phát triển, bắt kịp và kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ Công Thương hướng giảm chi phí logistics xuống 18% GDP
Bộ Công Thương hướng giảm chi phí logistics xuống 18% GDP

VOV.VN - Những năm qua chi phí hoạt động logistics của Việt Nam vẫn chiếm đến 20-25% GDP cả nước, gây lãng phí nhiều nguồn lực.

Bộ Công Thương hướng giảm chi phí logistics xuống 18% GDP

Bộ Công Thương hướng giảm chi phí logistics xuống 18% GDP

VOV.VN - Những năm qua chi phí hoạt động logistics của Việt Nam vẫn chiếm đến 20-25% GDP cả nước, gây lãng phí nhiều nguồn lực.

Giảm chi phí logistics, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp dệt may
Giảm chi phí logistics, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp dệt may

VOV.VN - Nhiều giải pháp hữu hiệu được các chuyên gia đưa ra nhằm giảm chi phí logistics giúp các doanh nghiệp dệt may tăng cao lợi nhuận.

Giảm chi phí logistics, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp dệt may

Giảm chi phí logistics, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp dệt may

VOV.VN - Nhiều giải pháp hữu hiệu được các chuyên gia đưa ra nhằm giảm chi phí logistics giúp các doanh nghiệp dệt may tăng cao lợi nhuận.

Đường sắt Việt Nam và Tân Cảng Sài Gòn hợp tác logistics
Đường sắt Việt Nam và Tân Cảng Sài Gòn hợp tác logistics

VOV.VN - Hai bên cam kết ưu tiên sử dụng các sản phẩm dịch của của nhau bằng việc kết nối đường sắt với các trung tâm logistics, ICD, cảng biển.

Đường sắt Việt Nam và Tân Cảng Sài Gòn hợp tác logistics

Đường sắt Việt Nam và Tân Cảng Sài Gòn hợp tác logistics

VOV.VN - Hai bên cam kết ưu tiên sử dụng các sản phẩm dịch của của nhau bằng việc kết nối đường sắt với các trung tâm logistics, ICD, cảng biển.