Mở rộng thị trường cá ngừ đại dương

VOV.VN - Đợt đấu giá đầu tiên tại sàn giao dịch cá ngừ Osaka (Nhật Bản) chưa mang lại kết quả như mong muốn.

Thời gian qua, được sự hỗ trợ của Hội Hữu nghị Nhật - Việt tại tỉnh Osaka, UBND tỉnh Bình Định thực hiện thí điểm mô hình đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản.

Đợt đấu giá đầu tiên tại sàn giao dịch cá ngừ Osaka (Nhật Bản) chưa mang lại kết quả như mong muốn. Nhưng đó cũng là dấu hiệu tích cực để tỉnh Bình Định nhân rộng mô hình này.

Ngư dân miền Trung chuẩn bị bước vào chính vụ khai thác cá ngừ đại dương. Chuyến đấu giá cá ngừ đầu tiên ở Nhật Bản hiệu quả không cao như mong muốn. Nguyên nhân là do ngư dân không áp dụng đúng quy trình đánh bắt. Mặt khác, đó là đợt cá ngừ cuối vụ khai thác ở vùng nước nóng nên chất lượng không tốt. Chuẩn bị bước vào chính vụ khai thác cá ngừ đại dương năm nay, bà con ngư dân trên 5 tàu cá trong mô hình thí điểm đánh bắt theo công nghệ Nhật Bản tiếp tục được đào tạo trên biển để thuần thục kỹ thuật đánh bắt, bảo quản cá.

Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Bình Định, đơn vị trực tiếp thu mua cá ngừ cho biết: Ngoài đào tạo lại kỹ thuật, đơn vị cũng sẽ rà soát lại công nghệ của Nhật Bản xem có phù hợp với ngư trường Việt Nam. Qua họp rút kinh nghiệm, tỉnh cũng đã chỉ đạo doanh nghiệp cũng như UBND huyện Hoài Nhơn tập trung đào tạo lại ngư dân một cách bài bản và chuyên nghiệp, đào tạo vừa lý thuyết vừa thực hành. Bên cạnh đó sẽ rà soát lại công nghệ của Nhật xem phù hợp với ngư trường của Bình Định hay không và sẽ cải tiến, bổ sung thêm cho đầy đủ thiết bị đi trên tàu.

Thực tế cho thấy, từ trước đến nay, tập quán đánh bắt, khai thác của ngư dân miền Trung còn lạc hậu, phương pháp bảo quản cá không tốt, làm giảm độ tươi của cá. Do vậy, mặc dù sản lượng đánh bắt cao nhưng giá trị thấp.

Hiện nay, chi phí vận chuyển cá ngừ qua Nhật Bản bằng đường hàng không khá cao, chiếm gần 30% tổng chi phí, cộng thêm các loại phí khác, nên hiệu quả không cao.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết: “Ngoài xuất khẩu bằng đường hàng không qua Nhật Bản, tỉnh Bình Định cũng đang tính đến phương án sản xuất tại chỗ tiêu thụ trong nước. Đối với cá ngừ đại dương là chúng tôi khuyến cáo không những tiêu thụ ở trong nước Nhật mà còn tiêu thụ ở thị trường Việt Nam và các cửa hàng ở Nhật cũng như 1 số thị trường nước khác, bởi vì thị trường Nhật là thị trường rất khắt khe. Chúng tôi đã kêu gọi 1 số doanh nghiệp chế biển thủy sản vào đầu tư tại Bình Định, hiện nay họ đã vào tìm hiểu để đầu tư. Nếu họ vào đầu tư sẽ tăng được sản lượng chế biến và khai thác của tỉnh Bình Định”.

Mục đích lớn nhất trong mô hình thí điểm đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản là nâng cao tính chuyên nghiệp cho ngư dân, đồng thời tính tới phương án mở rộng thị trường.

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Tỉnh Bình Định sẽ xây dựng cụm công nghiệp chuyên về thủy sản để có nhiều nhà máy chế biến thủy sản tại chỗ. Liên tục trong thời gian qua các doanh nghiệp của Nhật Bản đến Bình Định và hiện nay có 1 số doanh nghiệp đặt vấn đề đầu tư trực tiếp các nhà máy để chế biến tại Bình Định. Chúng tôi cũng đã xây dựng 1 cụm công nghiệp chuyên về thủy sản trong đó có các nhà máy chế biến thủy sản của Nhật Bản. Chúng tôi cũng đang xúc tiến hợp tác để đào tạo nguồn nhân lực. Sắp tới, chúng tôi sẽ đưa 1 số cán bộ, công nhân và chuyên gia sang học tại Nhật Bản tiếp tục phát triển ngành chế biến thủy sản nói chung và đánh bắt cá ngừ đại dương nói riêng”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên