Nông nghiệp TP.HCM

Nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng nông sản

Nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả đã được thành phố triển khai và đạt hiệu quả cao.

Phát triển toàn diện

Chiếm 58% diện tích toàn thành phố (TP) cùng một vùng nông nghiệp ngoại thành khá phong phú, đa dạng về thổ nhưỡng cũng như ngành nghề, nhiều năm qua, nông nghiệp không chỉ góp phần bảo đảm an sinh cho gần 2 triệu nông dân mà còn bảo đảm cân bằng sinh thái cả vùng đô thị hóa TP.HCM.

Không chỉ áp dụng các giải pháp kỹ thuật để tạo được những giống bò sữa, giống lợn, giống cá, giống tôm sú có năng suất cao mà cơ sở vật chất - kỹ thuật cho ngành giống cũng đã được trang bị hiện đại, hình thành một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như: áp dụng hệ thống tưới bằng công nghệ Israel và Mỹ, mô hình GAP trong sản xuất rau an toàn. Các sản phẩm giống thương phẩm như lợn hướng nạc, sữa tươi, rau an toàn, hoa cảnh đã đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ðặc biệt, TP đã xây dựng mô hình gắn kết bốn nhà: nhà nông - nhà doanh nghiệp - Nhà nước - nhà khoa học trong quá trình sản xuất giống mới, giúp nông dân giảm giá thành hạt giống, tăng khả năng cạnh tranh với các giống nhập khẩu. Bên cạnh đó, nét nổi bật trong sản xuất nông nghiệp TP nhiều năm qua là người nông dân đã hình thành thói quen sản xuất theo nhu cầu của thị trường, lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì có giá trị kinh tế cao phù hợp với thổ nhưỡng.

 

Công tác xây dựng thương hiệu cho nông sản TP cũng được chú trọng. Các trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp đã thường xuyên hỗ trợ và tư vấn cho các đơn vị HTX, tổ sản xuất, đơn vị sản xuất kinh doanh hàng nông nghiệp trong việc thiết kế logo, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa như: HTX Ngã Ba Giồng, HTX Nhuận Đức, Phước Na, làng cá sấu Sài Gòn… TP cũng đã từng bước đưa tin học vào lĩnh vực nông nghiệp khi điều động để trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp tiến hành xây dựng website cho các trang trại, hợp tác xã trong ngành nông nghiệp. Đến nay số lượng website xây dựng hoàn chỉnh và bàn giao cho các đơn vị đã đạt 12 trang web.

Ngoài ra, các hoạt động liên kết sản xuất rau an toàn với 7 tỉnh lân cận gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long với mục tiêu tạo ra vùng nguyên liệu cung ứng rau an toàn phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ của TP và phục vụ cho định hướng xuất khẩu rau sang các nước cũng đã được triển khai rất hiệu quả.

Đặc biệt, hơn 2 năm qua, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp đã tăng đáng kể so với thời gian trước khi hội nhập. Số lượng các đoàn doanh nghiệp và nhà nước tìm hiểu về cơ hội cũng như ký kết hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp tăng đáng kể, cả về sự đa dạng của sản phẩm lẫn các quốc gia đầu tư hợp tác (Israel, Hà Lan, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản…). Một số chương trình hợp tác đã có kết quả như: Hợp tác với tập đoàn Chinfon (Đài Loan) triển khai dự án xây dựng mô hình phát triển nông thôn mới tại huyện Củ Chi; hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Bộ Ngoại giao Israel xây dựng trại bò sữa thử nghiệm theo công nghệ của Israel tại trung tâm quản lý và kiểm định giống cây trồng vật nuôi với kinh phí tài trợ từ phía Israel hơn 1 triệu USD; hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế từ Australia, Canada, Cuba… trong lĩnh vực công nghệ sinh học nhằm tạo điều kiện phát triển trung tâm công nghệ sinh học phục vụ sản xuất và đời sống.

 

Nâng cao khả năng cạnh tranh

Những tín hiệu vui trên cho thấy nông nghiệp TP.HCM đã có nhiều dấu hiệu khả quan nhưng cũng còn nhiều hạn chế cần tháo gỡ. Những kỹ năng, kiến thức cũng như bản lĩnh của phần đông các DNNVV, các nhà sản xuất, đối với thực hiện các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO còn hạn chế dẫn đến hiệu quả hợp tác quốc tế còn chưa đạt kết quả như mong muốn. Những ngành nghề, sản phẩm gặp khó khăn trong cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập cùng loại như: thịt heo, trái cây, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, lưu thông hàng hóa nông sản còn chậm phát triển…

Ngành Nông nghiệp TP xác định, bên cạnh việc triển khai các xu hướng hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất kinh doanh và thành lập hiệp hội chuyên ngành để nâng cao năng lực cung ứng nông sản, hỗ trợ kỹ thuật và tiêu thụ nông sản thể hiện qua việc thành lập mới các hợp tác xã, hiệp hội ngành nghề, tổ sản xuất như: hợp tác xã rau an toàn Phước An, hợp tác xã bánh tráng Phú Hòa Đông… thì sự hỗ trợ của trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp, hay một số đơn vị đã chủ động xây dựng thương hiệu nhằm tạo định vị trong tâm trí người tiêu dùng và tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản là hướng đi đúng đắn.

Hiện nay, số lượng các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực rau và thực phẩm chế biến tăng và đang triển khai áp dụng các tiến bộ công nghệ hoặc các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm vào trong hệ thống sản xuất kinh doanh nông sản đang tăng nhưng chưa thật đồng bộ. Do đó, xu hướng đầu tư sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong lĩnh vực rau và thực phẩm chế biến được cho là cấp thiết…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên