Ngành dầu khí Việt Nam đối mặt nhiều thách thức khi hội nhập quốc tế

VOV.VN - Theo nhiều chuyên gia, ngành dầu khí Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức khi hội nhập quốc tế.

Sáng 26/9, tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Ngành Dầu khí trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

Ngành dầu khí đóng góp 16-18% GDP

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS,TS Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, ở Việt Nam, ngành dầu khí trải qua chặng đường 55 kể từ khi đoàn thăm dò dầu lửa 36 ra đời năm 1961. Tháng 6/1986, việc tấn dầu thô đầu tiên được khai thác đã ghi danh Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí trên thế giới.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất 

Dầu khí và ngành công nghiệp dầu khí là ngành kinh tế trọng điểm của đất nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển của một số ngành công nghiệp mũi nhọn khác. Ngành dầu khí đóng góp hơn 20% trong tổng thu ngân sách quốc gia, đóng góp 16-18% GDP trong các năm qua.

Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành dầu khí còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược biển của Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên vùng biển của Việt Nam.

Đặc biệt, là một ngành kinh tế có nhiều đặc thù, hoạt động trong môi trường hợp tác quốc tế, ngành dầu khí Việt Nam đã đi tiên phong trong hội nhập kinh tế quốc tế từ những năm 70-80 của thế kỷ trước. Hiện nay, dự án Dung Quất là một thí dụ cho thấy Việt Nam có thể tham gia nền công nghiệp chế biến dầu với độ khó vào loại cao nhất trong các ngành công nghiệp chế biến.

Những thành tựu mà ngành dầu khí đạt được trong những thập niên qua đã mang lại cho Việt Nam vị trí quan trọng trong cộng đồng các quốc gia xuất khẩu dầu khí thế giới, đồng thời nâng cao khả năng hợp tác quốc tế, trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản lý điều hành để dần dần người Việt Nam có thể tự điều hành các dự án có quy mô lớn, điều kiện địa chất, kỹ thuật phức tạp; dần mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài với 5 lĩnh vực chính là: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác; lọc hóa dầu; công nghiệp khí; công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Đây đều là những lĩnh vực cốt lõi, nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật và nhân lực chất lượng cao.

Theo GS.TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, đối với Việt Nam, ngành dầu khí càng trở nên quan trọng trong bối cảnh nước ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Hiện nay, các nhà máy lọc dầu ở Việt Nam mới chỉ cung cấp được khoảng 35% nhu cầu trong nước. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ dầu mỏ ở nước ta ngày càng tăng, không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong dài hạn do sự bùng nổ dân số, các ngành công nghiệp tiếp tục phát triển, đặc biệt là sự tăng tốc của ngành giao thông do nhu cầu đi lại ngày càng nhiều.

Từ năm 1987 đến nay, có hơn 77 hợp đồng dầu khí đã được ký kết, trong đó 53 hợp đồng đang còn  hiệu  lực. Tính  đến  đầu  năm  2010  đã  khoan  trên  600  giếng khoan  tìm  kiếm  -  thăm  dò  và  khai  thác  dầu  khí  với  khối  lượng khoan gần 1,9 triệu m3. Ngành dầu khí đóng góp phần lớn ngoại tệ cho quốc gia với các sản phẩm phục vụ nền kinh tế là điện khí, xăng dầu, khí nén cao áp và năng lượng sạch.

Trong giai đoạn vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cũng đã cung cấp gần 35 tỷ m3 khí khô cho sản xuất, 40% sản lượng điện của toàn quốc, 35% - 40% nhu cầu u-rê và cung cấp 70% nhu cầu khí hóa lỏng cho phát triển công nghiệp và tiêu dùng dân sinh. Trong giai đoạn trước đây, xuất khẩu dầu thô có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, đóng góp phần lớn kim ngạch xuất khẩu của cả nước, bình quân khoảng 15%. Hiện nay, tỷ trọng này đã giảm và chỉ còn chiếm khoảng 7,5%.

Nhiều thách thức 

Trong bối cảnh hiện nay, theo GS.TS Vũ Văn Hiền, "khi giá dầu trên thế giới sụt giảm mạnh, nhiều nguồn năng lượng mới được phát triển thì ngành dầu khí nói chung và ở Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, thách thức". 

Chỉ rõ một số khó khăn, GS.TS Vũ Văn Hiền cho rằng, việc khai thác một số mỏ khí chậm tiến độ, nguyên nhân chính do thiếu vốn… Quá trình khai thác dầu tại các mỏ ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn và thiếu hiệu quả nên không hoàn thành kế hoạch. Sản lượng điện của Ngành Dầu khí năm 2016 tuy hoàn thành kế hoạch đề ra nhưng đạt thấp hơn so với công suất khả dụng của các nhà máy điện và kỳ vọng. Tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy Đạm Cà Mau, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy lọc dầu Dung Quất... có sự giảm sút.

Theo PGS, TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ngành dầu khí Việt Nam đang đối mặt thách thức áp lực đổi mới mô hình quản trị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay, mô hình quản trị của PVN đang cho thấy một số bất cập, chưa bám sát với khung quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt. Mô hình quản lý hiện tại đang cho thấy mâu thuẫn về cơ chế hoạt động giữa tập trung, tích tụ (PVN/công ty mẹ) và phân tán trong quản lý điều hành và vốn (công ty con thường là công ty cổ phần). 

Đồng thời, ngành này chịu áp lực về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. So với ngành Dầu khí ở các nước phát triển thường có tỷ lệ người lao động qua đào tạo đạt 100%, số lượng lao động trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học đạt từ 72% trở lên thìở Việt Nam con số này còn tương đối thấp, chỉ mới đạt 53%.

Đồng thời, các đơn vị dịch vụ dầu khí gặp rất nhiều khó khăn do khối lượng và giá dịch vụ giảm. Ở một số doanh nghiệp dầu khí, hiệu quả công tác đầu tư xây dựng ở một số dự án còn thấp, không phù hợp với thời điểm đưa vào vận hành; cá biệt có dự án không thể thực hiện được mục tiêu đầu tư, một số dự án thực hiện chậm, một số dự án tính toán sai các yếu tố đầu vào (công nghệ, nguyên liệu) dẫn tới không có hiệu quả....

Đồng quan điểm nhận định ngành dầu khí Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, PGS.TS Vũ Văn Hà cho rằng, những khó khăn đó đến từ yếu tố chủ quan và cả những tác động khách quan trong bối cảnh hội nhập quốc tế của đất nước ngày càng sâu rộng; áp lực bảo vệ môi trường cũng tăng đột biến làm cho các nhà máy sản xuất nhiên liệu phải liên tục chạy theo các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe; cạnh tranh của các nguồn năng lượng khác, nhất là năng lượng sạch, tái tạo được và cả sự tác động của giá dầu giảm....

Phân tích cụ thể hơn về khó khăn, nhìn từ góc độ thương mại, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại đánh giá, với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, về các cam kết cắt giảm thuế quan thì Hiệp định Antiga trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN là có mức sâu nhất.

Theo đó, từ năm 2016, thuế nhập khẩu diesel, ma-dút đã có thuế suất là 0%. Riêng các loại xăng, thuế suất cũng sẽ được loại bỏ (0%) theo lộ trình, tác động không nhỏ đến ngành dầu khí trong nước.

Cũng theo ông Tuyển, nếu tiếp cận theo Hiệp định TPP, thị trường sẽ có tính cạnh tranh cao, không chỉ với các nhà đầu tư nước ngoài mà cả với những nhà nhập khẩu trong nước do thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ được loại bỏ vào năm 2029.

Ông Tuyển còn nhận định, với sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), ngoài lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu thì sẽ có sự chuyển dịch lao động trong khối. Hiện tại có 8 ngành nghề cho phép lao động tự do di chuyển, chưa có ngành dầu khí. Nhưng trong tương lai với ngành dầu khí thì có thể một số lao động có tay nghề cao của PVN có thể chuyển sang tập đoàn dầu khí các nước ASEAN làm việc nếu điều kiện ở đó tốt hơn PVN (chảy máu chất xám) hoặc ngược lại.

Đặc biệt, ông Tuyển thẳng thắn đánh giá, với các cam kết của Việt Nam thuộc các hoạt động của Tập đoàn Dầu khí trong cac các Hiệp định mậu dịch tự do thế hệ mới (TPP, EVFTA) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là những định chế có mức độ hội nhập sâu rộng nhất thì mức độ hội nhập của ngành Dầu khí Việt Nam còn hạn chế.

Điều này, theo ông Tuyển, "do tính nhạy cảm của ngành dầu khí, trong đó có vùng biển đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của ta mà phía nước láng giềng đang trắng trợn xâm phạm. Ngoài ra, cam kết như vậy, một mặt tạo điều kiện cho ngành dầu khí Việt Nam có thời gian để chuyển đổi, tích lũy tiềm lực để phát triển nhưng mặt khác, cũng làm giảm động lực phấn đấu vươn lên trong một môi trường cạnh tranh. Cần nhớ rằng, trong thách thức luôn tiềm ẩn những cơ hội và có đối đầu với thách thức mới biết ta là ai và có thể làm được những gì!"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nợ xấu 2.100 tỷ đồng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam tại PVC
Nợ xấu 2.100 tỷ đồng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam tại PVC

VOV.VN - Không chỉ thua lỗ nặng, Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) còn khiến cổ đông choáng váng khi tạo ra khoản nợ xấu gần 2.100 tỷ đồng.

Nợ xấu 2.100 tỷ đồng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam tại PVC

Nợ xấu 2.100 tỷ đồng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam tại PVC

VOV.VN - Không chỉ thua lỗ nặng, Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) còn khiến cổ đông choáng váng khi tạo ra khoản nợ xấu gần 2.100 tỷ đồng.

Nhiều công ty dầu khí nhận giải thưởng Báo cáo thường niên 2017
Nhiều công ty dầu khí nhận giải thưởng Báo cáo thường niên 2017

VOV.VN -Báo cáo thường niên năm 2017 ghi nhận sự có mặt của nhiều công ty dầu khí trong Top 50 được trao giải. 

Nhiều công ty dầu khí nhận giải thưởng Báo cáo thường niên 2017

Nhiều công ty dầu khí nhận giải thưởng Báo cáo thường niên 2017

VOV.VN -Báo cáo thường niên năm 2017 ghi nhận sự có mặt của nhiều công ty dầu khí trong Top 50 được trao giải. 

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông 2017
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông 2017

VOV.VN - Ông Nguyễn Quốc Thập - Phó Tổng giám đốc Petrovietnam đã dẫn đầu đoàn công tác tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông 2017 tại Nga.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông 2017

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông 2017

VOV.VN - Ông Nguyễn Quốc Thập - Phó Tổng giám đốc Petrovietnam đã dẫn đầu đoàn công tác tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông 2017 tại Nga.

Bị giá dầu 'hạ gục' các đại gia dầu khí Việt Nam đang ra sao?
Bị giá dầu 'hạ gục' các đại gia dầu khí Việt Nam đang ra sao?

VOV.VN - Mặc dù phục hồi so với vùng “đáy” 30 USD/thùng nhưng giá dầu tiếp tục “hạ gục” nhiều đại gia dầu khí.

Bị giá dầu 'hạ gục' các đại gia dầu khí Việt Nam đang ra sao?

Bị giá dầu 'hạ gục' các đại gia dầu khí Việt Nam đang ra sao?

VOV.VN - Mặc dù phục hồi so với vùng “đáy” 30 USD/thùng nhưng giá dầu tiếp tục “hạ gục” nhiều đại gia dầu khí.