Nghề hầm than giúp người dân rừng U Minh Hạ thoát nghèo
VOV.VN - Người dân đất rừng U Minh hạ, Cà Mau đang ngày càng vươn lên trong làm kinh tế nhờ cây tràm và những sản vật dưới tán rừng tràm, trong đó có nghề hầm than. Nghề này đang là sinh kế vươn lên của một bộ phận người dân ít hoặc không có đất sản xuất ở địa phương.
Anh Mai Anh Văn vốn ở huyện cạnh bên nhưng do gia đình ít đất sản xuất nên khi lấy vợ ở xã Khánh Thuận (huyện U Minh, Cà Mau), anh quyết định ở lại vùng đất rừng lập nghiệp. Gia đình không có đất canh tác nên anh Văn ngoài đi làm thuê thì còn duy trì nghề hầm than tràm 13 năm qua. Mỗi mẻ hầm giúp gia đình anh thu được khoảng 20 bao than (mỗi bao khoảng 10kg), giá trung bình khoảng 50.0000 đồng/bao. Mỗi tháng gia đình anh hầm được 4 - 5 mẻ than.
Nghề hầm than cực nhọc nhưng mang lại nguồn thu nhập tương đối để gia đình anh Mai Anh Văn bớt khó khăn trong cuộc sống.
"Đốt than thì mất mấy ngày mới được 1 mẻ. Chặt và chất củi cũng mất khoảng 2 ngày. Sau đó đốt phải canh mất thêm khoảng 3 ngày nữa. Sau đó, mới lựa ra vô bao bán. Cũng phải công phu lắm mới ra được mẻ than" - anh Văn chia sẻ.
Ven sông Cái Tàu, đoạn qua ấp 1, xã Khánh Thuận có nhiều hộ dân ở nơi khác đến định cư. Hầu như gia đình nào cũng duy trì 1 lò than. Qua thời gian, nơi đây hình thành nên 1 cụm dân cư chuyên hành nghề này. Ở vùng đất cứ đi ra khỏi nhà là thấy cây tràm nên việc phát triển nghề hầm than ban đầu rất thuận lợi. Tuy nhiên, gần đây nhiều hộ làm nghề, và diện tích trồng tràm bị thu hẹp nên thiếu nguyên liệu đang là một trong những khó khăn.
Ông Hà Văn Tính, người dân đã hầm than nhiều năm chia sẻ: "Làm nghề này gia đình tôi thu nhập một tháng khoảng 6-7 triệu đồng cũng có, 5-6 triệu đồng cũng có. Cũng có tháng không có củi thì chả có gì. Nói chung hầm than mà có củi là có sống khỏe".
Nguyên liệu để hầm than chủ yếu là cành và ngọn cây tràm đã thu hoạch nên giá cả không quá cao. Trước đây, bà con có thể chủ động mua tại địa phương. Tuy nhiên, hiện nay họ phải đi xa mới có nguyên liệu, làm tăng chi phí khá nhiều. Để khắc phục khó khăn, nhiều hộ làm nghề cùng liên kết với nhau, họ có thể mua những thửa rừng đã thu hoạch rộng hàng chục ha, rồi cùng nhau thu hoạch để duy trì nghề.
Nghề hầm than ở đất rừng U Minh hạ đang dần trở thành căn cơ kinh tế của nhiều gia đình ít hoặc không có đất sản xuất. Như gia đình bà Huỳnh Thị Thu về “Xóm than Khánh Thuận” ở hơn 10 năm trước với 2 bàn tay trắng. Cũng nhờ duy trì nghề hầm than và giá than ngày càng tăng mà gia đình bà vượt qua khó khăn.
Theo chị Thu: "Hồi đó tôi làm hầm than bán bao được 15.000 đồng, bây giờ bán lẻ được 60.000 đồng/bao. Mình đốt rồi thì củi âm ỉ cháy, chừng nào tro ở trên chuyển màu trắng là than chín, còn khói lên nhiều là còn sống. Mẻ này tôi mới hầm được 1 ngày 1 đêm. Làm than cực do phải canh, thức khuya. Tối muốn ngủ thì phải lấp hết lại, tưới nước lên cho nó khỏi bị cháy. Cực nhưng cũng cố làm".
Theo chia sẻ của người dân địa phương, trước đây bà con hầm than chỉ để nấu nướng trong gia đình. Nghề hầm than để bán chỉ phát triển mạnh hơn 10 năm nay. Sau nhiều năm phát triển bà con ở “xóm than Khánh Thuận” ngày càng đúc kết được nhiều kinh nghiệm. Ngày trước bà con chỉ thuần túy đặt củi trên mặt đất hầm nhưng nay đã biết đào đắp, làm chân lò để hầm bài bản hơn.
Sau khi chất củi vào lò, họ dùng cỏ rác bao phủ xung quanh khối củi đã chất nhằm ngăn không cho lớp bùn dính vào củi, tạo độ thoáng khí cần thiết để giúp cho hơi nóng tỏa ra. Khi củi bén lửa, dùng bùn nhão ven sông đắp kín khối củi. Họ chừa 1 cửa lò là nơi canh lửa và khoét thêm 1 lỗ thông khói đối diện. Thông thường đốt khoảng 48 giờ than sẽ chín./.