Nguồn lợi thủy sản không phải là vô tận

Bên cạnh việc vận động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thả tôm, cá về với tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thì việc ngăn chặn tình trạng sử dụng các chất cấm trong khai thác thủy sản lại càng phải làm quyết liệt hơn.

Gần đây, các ngành chức năng ở Quảng Bình đã xử lý và bắt giữ một số lượng không nhỏ các loại mìn, chất nổ, kíp nổ được dùng trong đánh bắt hải sản. Đáng nói là nguồn chất nổ này lại được “ngầm” giao dịch trong ngư dân đi biển và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Quảng Bình song lại không dễ dàng bắt quả tang để xử lý.

Ngày nghề cá Việt Nam hàng năm, bên cạnh những hoạt động nhằm tuyên truyền, vận động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thả tôm, cá về với tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thì việc ngăn chặn tình trạng sử dụng các chất cấm trong khai thác thủy sản lại càng phải làm quyết liệt hơn.

Theo ông Hoàng Đức Hiền, phó chánh thanh tra của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, việc xử phạt những vụ vi phạm không hề đơn giản, bởi muốn lặp được biên bản xử phạt phải bắt được quả tang, mà giữa biển trời mênh mông như thế khi nhận được tin báo, tàu kiểm ngư và thanh tra đến nơi thì dường như mọi tang vật đã được phi tang. Thêm vào đó, định biên xăng dầu tuần tra cũng rất hạn chế, với lực lượng mỗi tàu chỉ có 2 thanh tra viên, khi bắt quả tang nhóm đối tượng vi phạm thì giỏi lắm cũng chỉ lập biên bản được một tàu, còn lại không thể “ba đầu sáu tay” mà tịch thu tang vật.

Những thủ đoạn vi phạm thì theo ông Hiền, phải nói vô cùng tinh vi và không dễ đối phó: "Họ giấu mìn trong thùng gạo, thậm chí họ rạch phao cứu sinh ra cho vào rồi khâu lại, rồi còn buột dưới mỏ neo… nói chung rất khó phát hiện, lại thường làm vào ban đem nên việc xử lý là rất khó khăn".

Đáng báo động, lực lượng chức năng đã bắt giữ một lượng khá lớn mìn, chất nổ nhập lậu vào Việt Nam để dùng cho việc đánh bắt cá trên biển. Những ngư dân đánh cá như ông Phạm Đém ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới hàng ngày, hàng giờ chứng kiến cảnh đánh bắt tận diệt như vậy không khỏi xót xa.

Được sự ủng hộ tích cực của những ngư dân như ông Đém mà đến nay gần như 100% ngư dân ở TP.Đồng Hới đã ký cam kết với ngành chức năng nghiêm cấm không sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc đánh bắt hải sản.  Hoạt động khai thác gần bờ đã được vận động, tuyên truyền và hỗ trợ vốn để đóng mới tàu khai thác xa bờ. Chỉ trong vài năm, từ chỗ chỉ có chưa đầy trăm chiếc năm 2005 giờ đã tăng lên gấp 4 lần, với đội tàu khai thác xa bờ hùng hậu gần 400 chiếc, công suất từ 100CV trở lên. Ông Lê Văn Lợi, Chi cục trưởng chi cục khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Bình cho rằng: "Cần tuyên truyền để người dân đầu tư sản xuất đánh bắt khơi xa. Phối hợp với các ngành chức năng, kiểm ngư, bộ đôi biên phòng  tuyên truyền, ký cam kết và xử lý nghiêm những vi phạm".

Bên cạnh các giải pháp tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, xử lý, xử phạt nghiêm những đối tượng vi phạm, về lâu dài, rất cần những giải pháp căn cơ để chuyển đổi nghề cho ngư dân và quản lý nguồn chất nổ, xung điện. Có như vậy, nguồn lợi thủy sản nếu được khai thác hợp lý, tài tạo một cách bền vững sẽ là vô tận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên