Nhập khẩu thịt lợn: Có bình ổn được giá?

VOV.VN - Đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng, cần nhập khẩu thịt lợn để có những đối tượng sản phẩm khác nhau, đem lại sự phù hợp về mặt thị hiếu cho người dân.

Hàng loạt các giải pháp đã và đang được Chính phủ, các Bộ ngành triển khai nhằm bình ổn giá thịt lợn trên thị trường. Cuối tuần qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có động thái gặp gỡ và làm việc với một số doanh nghiệp sản xuất chế biến nông sản và thực phẩm liên Bang Nga để tìm kiếm cơ hội hợp tác về xuất khẩu những nông sản mà Việt Nam đang có lợi thế là cá tra, tôm, cà phê, hạt và ở chiều ngược lại sẽ nhập khẩu thịt lợn, thịt bò từ phía Nga để góp phần đáp ứng nguồn cung thực phẩm trong nước.

Đến hết tháng 2, đã có hơn 66.000 tấn thịt được nhập khẩu về Việt Nam, chủ yếu là thịt cốt lết, thịt cắt miếng, chân giò, móng giò, xương… từ các nước có ngành chăn nuôi phát triển như: Đức, Brazil, Ba Lan.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, vừa hợp tác với những đối tác có tiềm năng về chăn nuôi và xuất khẩu thịt lợn để bù đắp một phần thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong nước và bình ổn giá.

Cần tập trung thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất trong nước giữa các trang trại, siêu thị và người dân để bình ổn giá ở mức độ hợp lý.

Ông Viktor Linnik, Chủ tịch Tập đoàn Miratorg Liên bang Nga – doanh nghiệp chuẩn bị xuất khẩu lô hàng thịt lợn đầu tiên đến Việt Nam trong tuần này cho biết, mỗi năm Tập đoàn sản xuất khoảng 400.000 tấn thịt lợn và trên 200.000 tấn thịt bò, đủ tiêu chuẩn và điều kiện để xuất khẩu vào Việt Nam.

“Năm nay, chúng tôi sẽ xuất khẩu sang Việt Nam khoảng 50.000 tấn thịt lợn và sang năm sau sẽ có kế hoạch tăng hơn nữa sản lượng xuất khẩu. Hiện nay đã bắt đầu vận chuyển thịt lợn, thịt gà bằng đường sắt đến cảng Vladivostoc, sau đó sẽ vận chuyển đến Việt Nam, dự kiến sẽ đến Việt Nam trong tuần tới. Thời gian vận chuyển đến Việt Nam ước tính chỉ khoảng 30 ngày. Chúng tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều danh mục các mặt hàng nông sản được xuất khẩu sang Việt Nam”, ông Viktor Linnik nói.

Đến nay, dịch tả lợn Châu Phi tại nhiều địa phương đã được kiểm soát. Cùng với công bố hết dịch, các địa phương đã tổ chức khôi phục lại đàn lợn, nhưng tốc độ còn chậm do tâm lý của nhiều hộ chăn nuôi vẫn e ngại nguy cơ tái phát dịch bệnh khiến nguồn cung khan hiếm.

Theo các chuyên gia, để giải quyết những bất cập trong chuỗi sản xuất thịt lợn cần có giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn. Đó là tập trung thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất trong nước giữa các trang trại, siêu thị và người dân để bình ổn giá ở mức độ hợp lý, vừa có lợi cho doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng nhưng cũng phải có trách nhiệm đối với người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, về chủ trương, Nhà nước hoàn toàn ủng hộ việc cân đối xuất nhập khẩu, bình ổn thị trường. Điều quan trọng nhất khi cho phép nhập khẩu thì phải có đối tượng nhập, đó là sự song hành cùng doanh nghiệp. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo và bổ trợ, tạo hành lang pháp lý, điều còn lại là các doanh nghiệp phải đổi mới và chủ động để chuyển hướng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Việc các doanh nghiệp cùng chung tay với cơ quan quản lý nhà nước trong công tác cân đối nguồn cung thịt lợn trong thời điểm hiện nay sẽ góp phần không nhỏ để khơi thông chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm hàng hóa nói chung và thịt lợn nói riêng để tránh tình trạng “găm hàng”, tăng giá, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

“Phải tái cơ cấu sản xuất để đưa giá thành ở mức hợp lý, giảm thiểu những chi phí trung gian, đó là chi phí trong lưu thông, những chi phí mà về mặt sản xuất có thể đội giá thành lên. Dài hạn đó là kết hợp giữa nhập khẩu và sản xuất trong nước. Nhập khẩu để chúng ta có một sự bình ổn một cách tự nhiên qua cơ chế thị trường, nhập khẩu để có những đối tượng sản phẩm khác nhau, đem lại sự phù hợp về mặt thị hiếu cho người dân”, ông Nguyễn Quốc Toản cho hay.

Từ đầu tháng 3 đến nay, giá thịt lợn bất ngờ tăng trở lại sau thời gian được điều chỉnh giảm xuống dưới 70.000 đồng/kg thịt hơi. Giá thịt lợn tại các tỉnh miền Bắc đang dao động 85.000 - gần 90.000 đồng/kg. Còn tại miền Nam, giá cũng tăng trở lại, dao động từ 78.000 – 81.000 đồng/kg.

Lý giải về điều này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong khi giá một số doanh nghiệp, Tập đoàn lớn đã giảm xuống mức 75.000 đồng/kg thịt lợn hơi nhưng giá lợn vẫn ở mức cao điều này phản ánh những bất cập như: thị trường Trung Quốc cũng đang khan hiếm mặt hàng này; còn nhiều khâu trung gian khiến giá bị đẩy lên. Ngoài ra, hậu quả sau dịch tả lợn Châu Phi, đến nay đàn lợn vẫn chưa được khôi phục khiến khan hiếm về nguồn cung.

Cùng với đó, giá thành chăn nuôi hiện nay cao hơn so với trước do các hộ chăn nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Bên cạnh việc tìm kiếm đối tác để nhập khẩu thịt lợn, gia tăng thêm nguồn cung trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các doanh nghiệp, Tập đoàn chăn nuôi lớn tiếp tục điều chỉnh theo hướng giảm giá vì hiện nay thịt lợn ở mức 75.000 đồng đã có lãi rất cao.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị: “Phải giảm giá xuống nữa để bảo vệ thị trường, bảo vệ ngành chăn nuôi phát triển bền vững, phải hài hoà với xã hội và người tiêu dùng, không để giá quá cao. Chúng tôi yêu cầu dứt khoát 17 Tập đoàn, chăn nuôi lớn phải tuân thủ. Điều đó không phải là phi kinh tế thị trường mà chính là nghệ thuật thị trường, phải bảo vệ thị trường, chăm lo thị trường, như vậy người dân và xã hội mới ủng hộ, qua đó ngành chăn nuôi phát triển bền vững”.

Liên quan đến giá thịt lợn tăng cao, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải báo cáo trách nhiệm trước Thủ tướng khi để giá thịt lợn tăng cao. Thủ tướng yêu cầu các Bộ Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá trong tháng 2 về bảo đảm cân đối cung cầu và kiểm soát giá thịt lợn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trên 50 DN nước ngoài muốn tìm đối tác nhập khẩu thịt lợn về Việt Nam
Trên 50 DN nước ngoài muốn tìm đối tác nhập khẩu thịt lợn về Việt Nam

VOV.VN - Các DN nước ngoài có nhu cầu mở rộng thêm đối tác nhập khẩu thịt lợn từ phía Việt Nam, ngoài các đối tác đã có quan hệ kinh doanh từ trước đó.

Trên 50 DN nước ngoài muốn tìm đối tác nhập khẩu thịt lợn về Việt Nam

Trên 50 DN nước ngoài muốn tìm đối tác nhập khẩu thịt lợn về Việt Nam

VOV.VN - Các DN nước ngoài có nhu cầu mở rộng thêm đối tác nhập khẩu thịt lợn từ phía Việt Nam, ngoài các đối tác đã có quan hệ kinh doanh từ trước đó.

Nhập khẩu thịt lợn để đảm bảo nguồn cung cho dịp Tết
Nhập khẩu thịt lợn để đảm bảo nguồn cung cho dịp Tết

VOV.VN - Bộ Công Thương cho phép nhập khẩu thịt lợn; quận Thủ Đức đứng đầu về vi phạm trật tự xây dựng tại TPHCM… là những tin kinh tế nổi bật 24h qua.

Nhập khẩu thịt lợn để đảm bảo nguồn cung cho dịp Tết

Nhập khẩu thịt lợn để đảm bảo nguồn cung cho dịp Tết

VOV.VN - Bộ Công Thương cho phép nhập khẩu thịt lợn; quận Thủ Đức đứng đầu về vi phạm trật tự xây dựng tại TPHCM… là những tin kinh tế nổi bật 24h qua.

Bộ Công Thương sẽ cho phép nhập khẩu thịt lợn vào dịp cuối năm
Bộ Công Thương sẽ cho phép nhập khẩu thịt lợn vào dịp cuối năm

VOV.VN - Để đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Công Thương chỉ cho phép nhập khẩu thịt lợn từ những nguồn hàng có chất lượng.

Bộ Công Thương sẽ cho phép nhập khẩu thịt lợn vào dịp cuối năm

Bộ Công Thương sẽ cho phép nhập khẩu thịt lợn vào dịp cuối năm

VOV.VN - Để đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Công Thương chỉ cho phép nhập khẩu thịt lợn từ những nguồn hàng có chất lượng.