Nhiều Khu công nghiệp vắng vẻ, vì sao?
VOV.VN - Nguyên nhân nào khiến nhiều diện tích đất trong các khu công nghiệp (KCN) của vùng ĐBSCL bị bỏ hoang và những bài học nào rút ra từ thực trạng này?
Như bài trước đã đề cập những nỗi khổ của người dân bị thu hồi đất và phải sống trong quy hoạch “treo” tại các khu công nghiệp (KCN). Vậy nguyên nhân nào khiến nhiều diện tích đất trong các KCN của vùng bị bỏ hoang và những bài học nào rút ra từ thực trạng này?
KCN Hưng Phú 1 (phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) quy hoạch hơn 10 năm rồi và tiến độ thực hiện dự án chậm trễ. |
Gia đình Bà Nguyễn Thị Hồng Nga có 1.300m2 đất nằm trong quy hoạch KCN Hưng Phú 1, thuộc phường Tân Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Hơn 11 năm trước, khi dự án này được triển khai, bà Nga vui vẻ nhận tiền bồi thường. Khoản tiền 90 triệu đồng một công đất trồng lúa cộng các chi phí bồi thường khác vừa đủ cho gia đình bà mua miếng đất làm nhà. Không còn đất sản xuất các con bà phải bươn chải làm thuê, kiếm sống qua ngày. Tuổi già sức yếu, bà Nga chẳng được ai thuê, muốn có mảnh đất trồng rau màu như ngày trước cũng không có. Ngược lại, mảnh đất của gia đình bà sau khi thu hồi, lại bị bỏ hoang từ năm 2007 tới nay.
Phần vì tiếc mảnh đất là mồ hôi công sức cả đời tôn tạo, phần cho đỡ “vô công rỗi nghề”, kiếm thêm chút thu nhập, bà Nga trở lại mảnh đất cũ của mình, ngày ngày cuốc đất trồng rau. Vậy mà, thoáng chốc đã hơn mười năm.
Bà Nga chia sẻ, "hồi năm 2007 tới giờ, công có 90 triệu đó. Có mua được gì, làm ăn được gì đâu. Bởi có con, lo cho con, mua đất mua đai cưới vợ cho hết chứ đâu còn. Đằng đẵng giờ tôi trồng chuối bán. Trồng chuối, rọc lá chuối được 7 kg nhờ bà con bán dùm đó. Chứ bây giờ lớn tuổi đâu có ai mướn mần, làm gì sống".
Theo Ban Quản lý KCN thành phố Cần Thơ, KCN Hưng Phú 1 ban đầu được quy hoạch có diện tích 141 ha. Sau khi được giao dự án, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần KCN Sài Gòn - Cần Thơ tiến hành giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, công ty này thực hiện theo hình thức tự thỏa thuận với người dân để trả tiền bồi thường và thực tế chỉ giải phóng mặt bằng theo kiểu “da báo” được một phần diện tích. Sau đó, dự án bị ngưng và nhiều năm qua, Công ty Cổ phần KCN Sài Gòn – Cần Thơ vẫn chậm trễ trong việc triển khai thực hiện nên năm 2017, UBND thành phố quyết định thu hồi một phần diện tích đất đã giao cho doanh nghiệp này.
Thành phố Cần Thơ hiện có 5 KCN được thành lập, với 860 ha đất tự nhiên, trong đó có 620 ha đất công nghiệp, nhưng hiện mới có 3 khu đang hoạt động. Ngoài KCN Hưng Phú 1 có nhiều diện tích còn bỏ hoang, thì KCN Hưng Phú 2A cũng trong tình trạng tương tự.
Phần lớn diện tích đất trong KCN Hưng Phú 1 chưa được lấp đầy. |
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết riêng đối với KCN Hưng Phú 2A và KCN Hưng Phú 1 thì tình hình phức tạp hơn, tiến độ triển khai chậm. Nguyên nhân chính là do năng lực của chủ đầu tư yếu. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tiến độ triển khai của các chủ đầu tư và kiên quyết thu hồi, giảm quy mô các dự án chậm tiến độ để kêu gọi các chủ đầu tư có năng lực hơn tham gia thực hiện các dự án này.
Còn tại tỉnh Bến Tre, đến nay đã quy hoạch 9 KCN, với tổng diện tích 1.350 ha thì có đến 6 KCN đã được quy hoạch chi tiết 1/2.000. Quy hoạch là vậy, nhưng hiện vẫn chưa thu hút được đáng kể các nhà đầu tư.
Ông Trương Duy Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, công tác thu hút đầu tư vào các KCN tại địa phương chưa đạt hiệu quả là do định suất đầu tư hạ tầng của các KCN cao hơn 3 lần so với khu vực Đông Nam bộ. Trong khi đó, mặt bằng giá cho thuê lại thấp nên không thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư hạ tầng. Mặt khác, đặc thù của Bến Tre là địa bàn sông rạch chằng chịt, hạ tầng giao thông hạn chế, nguồn nước ngầm trên 80% nhiễm mặn nên rất khó thu hút đầu tư.
"Trong thời gian qua, việc đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp của tỉnh Bến Tre cải thiện đáng kể cho nguồn thu của tỉnh. Chủ trương của Tỉnh ủy- UBND tỉnh là ngoài việc phát triển về công nghiệp nói chung, chúng tôi phải lo cho sự phát triển bền vững và cải thiện điều kiện người nghèo. Trước mắt chúng tôi phải giải quyết mặt bằng đất có sự đồng thuận của người dân, ủng hộ chương trình, dự án chia sẻ lợi ích trong này thì nó sẽ trở thành hiện thực", ông Hải cho hay.
Thực trạng các KCN bị quy hoạch “treo”, gây lãng phí tài nguyên đất cũng đang là bài toán khó tại tỉnh được xem có nhiều lợi thế phát triển KCN trong vùng là Tiền Giang. Vào năm 2007, KCN Tàu thủy Soài Rạp (huyện Gò Công Đông) được UBND tỉnh này giao cho Tập đoàn Vinashin làm chủ đầu tư.
Dự án giải tỏa đất nông nghiệp của hàng ngàn hộ dân kèm lời hứa sẽ giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động. Tuy nhiên, sau khi san lấp mặt bằng chủ đầu tư không tiếp tục triển khai dự án. Năm 2011, KCN Soài Rạp được chuyển đổi tên và chuyển đổi công năng thành KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp do Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư. Đến nay, KCN này mới chỉ lấp đầy được 13% diện tích đất với 1 dự án. Phần diện tích đất còn lại bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.
Còn tại An Giang, mặc dù không có nhiều lợi thế gần TP. Hồ chí Minh như Tiền Giang, Bến Tre nhưng hiện nay tỉnh cũng có 7 KCN. Bên cạnh số ít KCN đang phát huy hiệu quả thì còn đó những KCN quy hoạch nhiều năm nhưng mãi nằm trên giấy trong sự trông ngóng của người dân, như: KCN Hội An 100 ha; KCN Vàm Cống 200 ha.
Nhiều KCN được quy hoạch tại ĐBSCL đang làm phung phí tài nguyên đất. |
Ông Nguyễn Văn Ngại, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang cho biết: Trong phát triển KCN đang vấp phải những khó khăn. Cái khó lớn nhất chính là sự ngán ngại của nhiều nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đối với hệ thống giao thông bao gồm đường, cầu, cảng chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển. Ngoài ra, các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư cũng chưa thật phù hợp.
"An Giang thuộc Vùng kinh tế trong điểm vùng ĐBSCL, nhưng chưa có chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt và chưa có sự hỗ trợ đầu tư Khu công nghiệp vuợt trội so với các tỉnh khác. Nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng còn dàn trải. Về cơ chế chính sách và các quy định từ các Bộ, ngành, Trung ương thường thay đổi đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt là chính sách ưu đãi đầu tư chưa ổn định, điển hình như chính sách bán hàng miễn thuế của khu phi thuế quan Tịnh Biên", ông Nguyễn Văn Ngại nói.
Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, tính đến giữa năm 2018, toàn bộ 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL có 52 KCN đã được thành lập, với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 13.200 hécta, trong đó diện tích đất công nghiệp chưa tới 9.200 ha. Số lượng nhiều nhất là tỉnh Long An với 25 KCN được thành lập, nhưng mới chỉ có 16 KCN đang hoạt động; Sóc Trăng có 2 KCN, thì có 1 KCN đang hoạt động.
Đáng chú ý về tỉ lệ sử dụng đất chưa đồng đều, chẳng hạn: Cà Mau, có 2 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên gần 600 ha, thì chỉ có 341 ha đất công nghiệp; Vĩnh Long, có gần 400 ha đất giành cho 2 KCN, trong đó chỉ có hơn 280 ha đất công nghiệp… Nhiều KCN ở các địa phương còn bỏ hoang phần lớn diện tích, có nơi “treo” hàng chục năm nay, có nơi san lấp, giải phóng mặt bằng kiểu “da báo”, khiến cho người dân thuộc vùng quy hoạch sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu và phải hứng chịu nhiều hệ lụy khác.
Vấn đề đặt ra là, làm sao khắc phục được những tồn tại, hệ lụy trong việc phát triển KCN tại ĐBSCL thời gian qua? Nội dung này sẽ được chúng tôi đề cập trong phần cuối của loạt bài này với tựa đề “Thấy rõ thế mạnh, chú trọng liên kết vùng”./.
Cùng loạt bài:
Người dân trong quy hoạch đi cũng dở, ở không yên