Nhiều vướng mắc trong phát triển công nghiệp phụ trợ

Công nghiệp phụ trợ của Việt Nam kém phát triển dẫn đến hệ quả là giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp kém.

Phát triển công nghiệp chế tạo và công nghiệp phụ trợ để đẩy mạnh sản xuất trong nước, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hạn chế nhập khẩu, dần đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020 đang là hướng đi chủ đạo của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ trong nội tại, ngành công nghiệp phụ trợ nước ta vẫn còn nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết một sớm một chiều.

Công nghiệp Việt Nam: Gia công vẫn đang chủ đạo

Hiện nay, công nghiệp của Việt Nam phần lớn là những ngành công nghiệp gia công như dệt may, giày dép… và lắp ráp như ôtô, xe máy, thiết bị điện và điện tử… Tuy nhiên, chúng ta chủ yếu đang thực hiện ở khâu gia công, lắp ráp. Tỷ lệ cung ứng nguyên liệu, phụ liệu trong nước của một số ngành trọng điểm còn rất thấp: ôtô là 20-30%, da giày, dệt may trên 10%...

Cần phát triển công nghiệp phụ trợ để gia tăng giá trị sản phẩm

Điều này dẫn đến hệ quả là giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp kém. Là doanh nghiệp đang cung cấp các loại bánh răng cho Nhật Bản, ông Nguyễn Viết Phổ, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Kỹ Nghệ Quang Phổ cho biết: “Các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt doanh nghiệp Nhật Bản đòi hỏi chất lượng cao, số lượng lớn và thời gian giao hàng rất nghiêm ngặt, trong khi doanh nghiệp làm hoàn toàn bằng vốn tự có, không tiếp cận được nguồn vốn vay, mà lãi suất lên tới 20%/năm, sự phối hợp giữa các doanh nghiệp để thực hiện đơn hàng lại chưa có, nên nhiều khi không dám ký hợp đồng vì khó đáp ứng nhanh.

Ông Phổ đề nghị: “Muốn phát triển công nghiệp phụ trợ, Nhà nước phải có chính sách. Ngoài Nghị định ra còn phải có chính sách hỗ trợ thiết thực hơn cho doanh nghiệp vì với mặt bằng lãi suất cao như hiện nay không doanh nghiệp nào dám đầu tư. Cho vay thương mại mà chỉ trừ cho 1-2% thì không ý nghĩa gì. Công nghiệp phụ trợ phải đầu từ lâu dài và bài bản, từ mặt bằng đến trang thiết bị công nghệ, con người, chứ không phải làm hàng đơn giản, để đáp ứng được người Nhật rất khó khăn”.

Bên cạnh đó, một vướng mắc nữa của ngành công nghiệp phụ trợ nước ta là nhân lực còn thiếu và yếu. Một số doanh nghiệp cho biết, nhiều đối tác của Nhật Bản, Thái Lan hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc đào tạo nhân lực, nhưng sau khoá đào tạo thì nhiều cán bộ, công nhân lại không về làm việc cho doanh nghiệp đã cử đi nên cuối cùng doanh nghiệp vẫn thiếu nhân lực có trình độ tay nghề.

Cần nhiều ưu đãi...

Theo ông Hirokazu Yamaoka, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội – JETRO, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam cần có chiến lược đào tạo nhân lực bài bản ngay từ khi mới hình thành.

Ông Hirokazu Yamaoka chia sẻ: “Ở Nhật Bản, có 2 biện pháp hỗ trợ, thứ nhất là hỗ trợ tài chính từ Chính phủ, thứ hai là hỗ trợ về kỹ thuật để nâng cao tay nghề. Chúng tôi sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực dồi dào, thậm chí miễn phí 50% kinh phí. Chỉ có tay nghề lao động tốt mới có thể tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo tôi, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ mặt hàng, chất lượng sản phẩm mà doanh nghiệp Nhật bản cần để đào tạo nguồn nhân lực cho phù hợp”.

Để tạo động lực cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ phát triển, Chính phủ đã giao cho Công ty cổ phần Đầu tư - phát triển N&G đầu tư khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, tạo ra hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ, chuyên biệt cho ngành công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Các doanh nghiệp khi tham gia vào khu công nghiệp sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, như: thu xếp nguồn tài chính, tuyển dụng và đào tạo lao động, hợp tác chuyển giao công nghệ, định hướng và liên kết sản phẩm đầu ra cho doanh nghiệp... Từ đó, tạo động lực và hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tương lai, nhất là đối với ngành công nghiệp chủ lực, như cơ khí chế tạo, dệt may, da - giày, điện tử - tin học, sản xuất và lắp ráp ôtô...

Ông Nguyễn Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư- phát triển N&G  cho biết: “Chúng tôi tin tưởng rằng sắp tới Uỷ ban nhân dân thành phố sẽ ban hành chính sách riêng cho Khu Công nghiệp hỗ trợ. Phải đưa các doanh nghiệp di rời doanh nghiệp hỗ trợ trong nội đô ra và tập trung cả doanh nghiệp Nhật bản vì họ đang giúp cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ sẽ trình những dự án lên Bộ công thương rồi Chính phủ để ưu đãi từng lĩnh vực”.

Ngành công nghiệp phụ trợ của nước ta còn nhiều vấn đề cần giải quyết, cụ thể là vốn, trình độ quản lý, công nghệ và nhân lực. Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách ưu đãi thì các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm ra thế mạnh và lợi thế so sánh của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để chiếm lấy phân khúc trong chuỗi giá trị toàn cầu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên