NHNN sẵn sàng đưa ra 40.000 tỷ đồng giải quyết hàng tồn kho

Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, hệ thống ngân hàng sẵn sàng phối hợp với các Bộ, ngành đưa ra số tiền trên, đồng thời cho biết việc giải quyết nợ xấu ngân hàng hiện nay không đáng lo ngại

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ trong hai ngày 2 và 3/7, Thủ tướng yêu cầu NHNN điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ phù hợp với các cân đối vĩ mô, điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu 7-8%, nhanh chóng khơi thông dòng vốn để các doanh nghiệp dễ tiếp cận.

Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ cùng lãnh đạo các địa phương đã thống nhất nhiều giải pháp cụ thể, nhằm khẩn trương tháo gỡ các nút thắt đối với nền kinh tế, nhất là trong tiếp cận vốn vay đối với doanh nghiệp, xử lý nợ xấu ngân hàng, giải quyết hàng tồn kho…

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: Hệ thống ngân hàng sẵn sàng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đưa ra khoảng 40.000 tỷ đồng để giải quyết hàng hóa tồn kho hiện nay.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng việc giải quyết nợ xấu ngân hàng hiện nay không đáng lo ngại vì nợ xấu chiếm khoảng 3,96%, tương đương với 96.000 tỷ đồng nhưng 84% số này được đảm bảo bằng tài sản và với giá trị bằng 135% khoản vay. Ngoài ra các tổ chức tín dụng còn có khoảng 67.000 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro để giải quyết nợ xấu…

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ, phù hợp với các cân đối vĩ mô; đẩy nhanh việc giảm lãi suất cho vay theo chiều hướng giảm dần của chỉ số giá tiêu dùng; điều hành ổn định tỷ giá trên tinh thần tiếp tục dành ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Việc ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ cho năm 2012 mà còn cho cả các năm tiếp theo, đây cũng là nền tảng để duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững. Đồng thời tập trung duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý (khoảng 5,2 - 5,7%), duy trì tăng trưởng hợp lý nhưng phải đạt yêu cầu không gây bất ổn kinh tế vĩ mô, làm lạm phát cao trở lại; không vì tăng trưởng mà để lạm phát cao cho những năm tiếp theo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ quan điểm: “Muốn tăng tổng cầu, giảm tồn kho tăng sức mua thì tín rất quan trọng. Tôi đề nghị đưa tín dụng vào tăng lên khoảng 10% là thành công, phần trăm đó cố gắng đẩy vào nông nghiệp nông thôn, nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu, vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ. Thứ hai là gắn với đó phải giải quyết nợ xấu linh hoạt. Không chỉ chờ lập công ty mua bán nợ mà cách nào đó nợ xấu có tài sản thế chấp 80%, có dự phòng rủi ra thì xử lý đúng luật pháp, đúng quy định. Gắn với đó kiên định cơ cấu lại các ngân hàng không để lập lại các ngân hàng yếu kém”.

Thủ tướng cũng yêu cầu, NHNN đánh giá thực trạng tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng, cũng như các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng của toàn hệ thống nhằm kịp thời đề xuất các giải pháp điều hành tín dụng hợp lý. Chủ động, linh hoạt trong xử lý nợ xấu; khẩn trương cơ cấu lại nợ, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém; điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu (7-8%); nhanh chóng khơi thông dòng vốn để các doanh nghiệp dễ tiếp cận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên