Những đại gia nào muốn mua Keangnam Landmark Hà Nội?
VOV.VN -Goldman Sachs sẵn sàng chi tới 900 triệu USD để giành quyền sở hữu tòa nhà, trong khi quỹ đầu tư QIA chỉ muốn bỏ ra 800 triệu USD.
Nhiều nhà đầu tư lớn như Tập đoàn đa quốc gia Goldman Sachs của Mỹ và Quỹ đầu tư Investment Authority của Qatar đang muốn mua lại tòa nhà Keangnam Landmark 72 tầng tại Hà Nội.
Nhiều người dân sở hữu chung cư cũng như các doanh nghiệp thuê văn phòng, trung tâm thương mại đang lo lắng trước thông tin tòa nhà Keangnam Landmark tại Hà Nội được rao bán với giá 770 triệu USD theo định giá của tòa án Hàn Quốc.
Công ty môi giới bất động sản Colliers International (Mỹ) là đơn vị đứng ra rao bán khối tài sản này. Ngoài QIA, trong số các đối tác lớn muốn mua tòa nhà cao nhất Hà Nội còn có Goldman Sachs - một trong những tập đoàn tài chính lớn trên thế giới của Mỹ.
Nguyên nhân rao bán tòa nhà này được cho là Tập đoàn Keangnam tại Hàn Quốc đang lâm vào tình trạng sa sút vì nợ nần và đang vướng vào nghi án hối lộ, quỹ đen. Chủ nợ của tập đoàn xây dựng này là các ngân hàng lớn tại Hàn Quốc, gồm Shinhan Bank, Ngân hàng xuất nhập khẩu Korea Eximbank, Woori Bank và ngân hàng Nông nghiệp Nonghyup Bank.
Hiện tại, Goldman Sachs sẵn sàng chi tới 900 triệu USD để giành quyền sở hữu tòa nhà, trong khi quỹ đầu tư QIA chỉ muốn bỏ ra 800 triệu USD.
Trước đó, tháng 1/2015, trung tâm thương mại Parkson Keangnam đã thông báo tạm thời đóng cửa khiến các nhà bán lẻ không khỏi lo ngại.
Thông tin tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark bị rao bán để trả nợ xuất hiện trong bối cảnh Hàn Quốc đang rúng động bởi một vụ bê bối hối lộ lớn bị phanh phui sau khi cựu Chủ tịch tập đoàn Keangnam, ông Sung Wan-jong tự sát hồi đầu tháng 4.
Cách đây 2 tuần, Chủ tịch của Tập đoàn Keangnam tại Việt Nam (Keangnam Vina), Lee Hyo Jong, vẫn khẳng định rằng những vụ bê bối của tập đoàn này không hề ảnh hưởng tới hoạt động tại Việt Nam./.