Ninh Thuận: Vì sao chưa phát huy được những thế mạnh?

VOV.VN -Hiện tỉnh này là trung tâm sản xuất muối và tôm giống lớn nhất nước

Kết thúc năm tài khóa 2013, tỉnh Ninh Thuận hoàn thành 10/14 chỉ tiêu đề ra. Trong đó, đáng chú ý nhất là tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 1.405 tỷ đồng, đạt 105,1% kế hoạch; GDP bình quân đầu người đạt 23,5 triệu đồng (kế hoạch là 23,1 triệu đồng).

Trong bối cảnh bị ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới và trong nước, lại là một tỉnh “kèo dưới” ở miền Trung thì việc vượt ngưỡng thu ngân sách trên ngàn tỷ của tỉnh là một điều đáng mừng. Nhưng để đảm bảo yếu tố phát triển bền vững trong tương lai thì Ninh Thuận vẫn rất cần những giải pháp đột phá.

!
Các chỉ tiêu không đạt kế hoạch đều nằm ở “nhóm trên” trong cơ cấu chuyển dịch kinh tế của tỉnh bao gồm các ngành mũi nhọn như công nghiệp và xây dựng; dịch vụ; xuất khẩu...

Thi công đường ven biển phục vụ hai nhà máy điện hạt nhân

Các chỉ tiêu không đạt kế hoạch nằm ở nhóm "mũi nhọn"

Trong khi đó, ngành nông lâm ngư nghiệp và thủy sản được coi là “chiếu dưới” trong cơ cấu kinh tế hóa ra lại đạt gần 3.050 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng thu ngân sách, tăng 107% so với năm ngoái.

Tuy nhiên, đây lại là điều đáng lo, vì muốn phát triển kinh tế bền vững, tỉnh vẫn phải trông cậy vào các lĩnh vực chiến lược như công nghiệp - dịch vụ - thương mại- xuất nhập khẩu…

Thế nên, theo ông Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong lúc chưa làm được việc đó thì duy trì và phát triển ngành nông nghiệp “ dĩ nông vi bản” tạo sự ổn định xã hội vẫn được tỉnh coi trọng. Đồng thời tìm cách chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng tăng cao giá trị, tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh.

“Hướng phát triển thời gian tới của chúng tôi là vẫn duy trì những cái đang phát triển, vận dụng các chính sách hỗ trợ nông dân, gắn với nông thôn mới, một mũi tên hai mục đích, một là ổn định dân sinh, hai là kích thích chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, từ nông nghiệp chuyển sang tiểu thủ công nghiệp, sản xuất hàng hóa nhỏ, huy động nguồn vốn xã hội…”- ông Đỗ Hữu Nghị cho biết.

Ninh Thuận có bờ biển dài, nắng nhiều, điều kiện tốt cho phát triển nghề muối công nghiệp, điện gió, du lịch và tôm giống. Hiện nay, Ninh Thuận là trung tâm sản xuất muối và tôm giống lớn nhất nước với 4000 ha muối, 18 triệu con tôm giống một năm. Và trong tương lai Ninh Thuận còn là trung tâm điện hạt nhân lớn nhất nước. Tuy nhiên, các thế mạnh ấy chưa đem lại hiệu quả bao nhiêu cho tỉnh.

Lấy ví dụ về ngành muối. Chỉ riêng Công ty muối Hạ Long trong năm 2013 đã đưa ra thị trường hơn 82 ngàn tấn muối công nghiệp, tăng gần 150% so với năm 2012. Trong khi đó, làm muối mất nhiều đất, lại đi kèm với ô nhiễm môi trường, nhưng do chính sách cho ngành muối chưa hợp lý nên ngân sách thu được từ ngành muối không được bao nhiêu, lại khó thu hút các nhà đầu tư bỏ tiền vào làm muối, dù muối công nghiệp ở đây nếu làm cho năng suất cao, lại có chất lượng tốt hơn bất cứ nơi nào.

Dây chuyền muối CN  của công ty Hạ Long(Ninh Thuận)

Tương tự, thế mạnh về biển vẫn chưa thu hút được các đầu tư bỏ tiền ra làm du lịch, làm điện gió hoặc xây dựng các cơ sở chế biến hậu nông nghiệp, ngư nghiệp có giá trị kinh tế cao. Trong khi ở phía Bắc và phía Nam tỉnh chưa đến 100 km là 2 trung tâm du lịch- ngư nghiệp nổi tiếng Nha Trang và Phan Thiết.

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Vì vậy, để đạt tốc độ tăng trưởng năm 2014 với mức từ 12 đến 13%, thu ngân sách 1500 tỷ đồng, Ninh Thuận phải đưa ra các nhóm giải pháp phù hợp, trong đó, vấn đề hàng đầu là huy động nguồn vốn và cải thiện môi trường đầu tư- kinh doanh. Trong bối cảnh vốn ngân sách eo hẹp, đầu tư công giảm, chỉ dự án nào có lợi cho tỉnh thì mới làm, kiên quyết không phát triển công nghiệp bằng mọi giá. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phải bao gồm các mặt đồng bộ: hạ tầng đô thị; kỹ thuật, cải tiến thủ tục hành chính. Phan Rang- Tháp Chàm không thể xập xệ như thị xã mà phải nâng lên cấp đô thị loại 1.

Ông Phan Tấn Cảnh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh cho biết: “Ninh Thuận là tỉnh còn nhiều khó khăn, cho nên chúng tôi tập trung phát triển hạ tầng và tạo quĩ đất để tạo nguồn đầu tư, thứ hai phát triển quĩ nhà ở. Chúng tôi sẽ huy động nguồn lực trong dân và vốn đầu tư phát triển từ Bộ Xây dựng, từ các ban ngành trong quá trình phát triển đô thị” .

Thi công cống thoát nước qui chuẩn TP Phan Rang- Tháp Chàm

Muốn thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh, ngoài các ngành điện, nước, cơ sở nghỉ dưỡng thì mạng lưới thông tin, liên lạc với dịch vụ viễn thông, mạng internet tốc độ cao là không thể thiếu. Ông Nguyễn Khắc Thanh, Giám đốc viễn thông Ninh Thuận cho biết: thị trường viễn thông của tỉnh vẫn còn rất lớn. Nhờ tích cực phát triển mạng lưới viễn thông mà năm 2013, lần đầu tiên sồ lượng thuê bao internet của tỉnh đạt hơn 1000% so với kế hoạch và cũng là năm đầu tiên viễn thông Ninh Thuận thu lãi trên 450 triệu đồng. “ Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong tình, thời gian tới, bên cạnh việc giữ vững, nâng cao chất lượng hệ thống điện thoại cố định, chúng tôi tăng cường đầu tư cả hai hướng là phát triển mạng lưới và dịch vụ, nâng cao khả năng phục vụ của dịch vụ di động và mạng băng thông rộng với tốc độ cao, luôn nâng cao ý thức phục vụ khách hàng.” Ông Nguyễn Khắc Thanh, Giám đốc Viễn thông Ninh Thuận cho biết

Cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng là hướng tới môi trường tốt cho các nhà đầu tư tại Ninh Thuận. Năm 2013, Hải quan tỉnh thu hơn 438 tỷ đồng, đạt gần 40% tổng thu ngân sách tỉnh. Một minh chứng cho việc áp dụng hải quan điện tử , tạo thông thoáng cho doanh nghiệp. Ông Lưu Tấn Việt, Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan tỉnh khẳng định: sẽ tiếp tục cải tiến mạnh mẽ thủ tục hành chính trong năm 2014 để tạo môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư vào Ninh Thuận: “ Hải quan Ninh Thuận chú trọng trước hết đến cải cách con người, cải cách ý thức trách nhiệm, từ chỗ đó mà cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, mỗi khi có nhà doanh nghiệp muốn đầu tư vào tỉnh, Hải quan Ninh Thận luôn cung cấp những qui định pháp luật liên quan đến chính sách thuế, hải quan, chính sách đầu tư cho các doanh nghiệp được nhanh chóng, thuận lợi.” Ông Lưu Tấn Việt nói.

Hy vọng trong năm 2014 và những năm tiếp theo, với việc thực hiện các giải pháp đồng bộ về thu hút các nguồn lực để đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, thực hiện tốt cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư kinh doanh, Ninh Thuận sẽ phát huy được thế mạnh và tiềm năng, tiếp tục đi lên một cách bền vững./

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tái cơ cấu kinh tế: Sẵn sàng “trảm” tướng
Tái cơ cấu kinh tế: Sẵn sàng “trảm” tướng

VOV.VN -Thủ tướng chỉ đạo: ‘Nếu cán bộ lãnh đạo ở DNNN đó mà không chịu cổ phần hóa thì phải thay thế’.

Tái cơ cấu kinh tế: Sẵn sàng “trảm” tướng

Tái cơ cấu kinh tế: Sẵn sàng “trảm” tướng

VOV.VN -Thủ tướng chỉ đạo: ‘Nếu cán bộ lãnh đạo ở DNNN đó mà không chịu cổ phần hóa thì phải thay thế’.

Kinh tế Miền Trung: Liên kết vùng, vượt khó đi lên!
Kinh tế Miền Trung: Liên kết vùng, vượt khó đi lên!

VOV.VN -Khó khăn chồng chất khó khăn năm 2013, nhưng bức tranh kinh tế của các tỉnh miền Trung vẫn có nhiều điểm sáng.

Kinh tế Miền Trung: Liên kết vùng, vượt khó đi lên!

Kinh tế Miền Trung: Liên kết vùng, vượt khó đi lên!

VOV.VN -Khó khăn chồng chất khó khăn năm 2013, nhưng bức tranh kinh tế của các tỉnh miền Trung vẫn có nhiều điểm sáng.

Tết này, huyện đảo Phú Quốc sẽ có điện lưới quốc gia
Tết này, huyện đảo Phú Quốc sẽ có điện lưới quốc gia

VOV.VN -Dự kiến ngày 10/1/2014 sẽ hoàn tất toàn bộ dự án và giữa tháng Chạp sẽ đóng điện vận hành thử nghiệm. 

Tết này, huyện đảo Phú Quốc sẽ có điện lưới quốc gia

Tết này, huyện đảo Phú Quốc sẽ có điện lưới quốc gia

VOV.VN -Dự kiến ngày 10/1/2014 sẽ hoàn tất toàn bộ dự án và giữa tháng Chạp sẽ đóng điện vận hành thử nghiệm.