Phải kiểm toán tài chính đặc biệt các ngân hàng
VOV.VN - Theo WB, cách làm này sẽ giúp đưa ra đánh giá chính xác về nợ xấu, cung cấp những thông tin mấu chốt cho thiết kế các đề án xử lý nợ xấu.
Đánh giá về tình hình xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, đây vẫn là vấn đề chính gây quan ngại.
WB dẫn báo cáo của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình hồi tháng 9/2014 cho biết, giá trị nợ xấu xử lý đạt 249.000 tỷ đồng so với con số 464.000 tỷ đồng tại thời điểm tháng 9/2012. WB dẫn chứng, tính đến hết tháng 10/2014, Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) mua được khối lượng nợ xấu với trị giá khoảng 90 tỷ đồng, tương đương 4,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, VAMC vẫn chưa đưa ra được chiến lược rõ ràng và khả thi về việc giải quyết triệt để các khoản nợ xấu đó. Nỗ lực của VAMC trong lĩnh vực này đã và đang bị cản trở do chưa có được một khung pháp lý thuận lợi cho việc giải quyết trình trạng vỡ nợ và cấp quyền sở hữu tài sản, cũng như khung pháp lý cho việc bảo vệ VAMC và ngân hàng thương mại khỏi những vụ kiện tụng có thể xảy ra.
Hơn nữa, WB còn cho rằng, bản thân khối lượng nợ xấu trong hệ thống cũng còn chưa rõ ràng. Về mặt này, theo WB, việc ban hành Thông tư 02 và 09 về phân loại nợ và trích lập dự phòng mất vốn là một bước đi đúng hướng nhưng thực thi Thông tư 02 đã bị hoãn cho tới tháng 4/2015. Ngân hàng Nhà nước đã đề ra mục tiêu thực hiện 6-7 vụ mua lại và sáp nhập (M&A) trong khu vực ngân hàng vào năm 2014, nhưng trong năm vừa qua chưa có vụ M&A nào.
Một tín hiệu tốt, theo WB, “theo báo cáo thì cho đến nay chưa có M&A nào trong các vụ đã được thực hiện đã dẫn tới hậu quả gây xáo trộn hệ thống, và điều này cũng có thể đúng”.
Với thực tế này, WB đưa ra khuyến nghị rằng: Thực hiện các cuộc kiểm toán tài chính đặc biệt với các ngân hàng sẽ giúp đưa ra đánh giá chính xác về nợ xấu, nhu cầu tái cấp vốn gắn liền với nợ xấu, và sẽ cung cấp những thông tin mấu chốt cho việc thiết kế các đề án xử lý nợ xấu.
Đồng thời, việc thực hiện kiểm toán hoạt động, WB cho là sẽ giúp đưa ra cơ sở cho các kế hoạch tái cấu trúc tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước. Và việc xác định những xu hướng chủ đạo trong mối quan hệ chéo giữa các ngân hàng và bên vay sẽ cho phép theo dõi rủi ro hệ thống trong giai đoạn cải cách./.